Những năm ở chiến trường, tôi thường đu đưa cánh võng mơ tới một ngày đi tàu hỏa từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc. Và rồi, mơ ước ấy đã thành sự thật, vào đầu năm 1978.
Lúc ấy, tàu Thống Nhất từ TPHCM ra Hà Nội khởi hành từ ga Bến Thành (khuôn viên công viên 23-9 bây giờ). Theo kế hoạch, hành trình tàu chạy tới ga Hàng Cỏ (Hà Nội) mất 5 đêm 6 ngày. Khách đi tàu phần lớn là cán bộ, công nhân viên nghỉ phép, người dân hai miền Nam, Bắc đi thăm họ hàng và một số ít là dân buôn chuyến. Hồi đó, số người có điều kiện đi tàu Bắc - Nam không nhiều nên lượng hành khách trên tàu không đến mức chen lấn, chật chội.
Cùng ghế ngồi với tôi có một người đàn ông đã chớm tuổi già, dáng vẻ cũ kỹ nhọc nhằn nhưng rất xởi lởi, vui tính, thích nói chuyện. Ông ngồi dưới sàn, nhường ghế cho chiếc ti vi 39 inch to kềnh càng. Ông hào hứng kể về sự tích cái ti vi: Đấy là quà tặng của bà cô ruột ở Sài Gòn. Bà theo chồng vào Nam năm 1954, bươn chải làm ăn, thuộc loại giàu có. Nhà ở giống như cung điện, có ô tô, người hầu lo cơm nước, giặt giũ trong nhà… “Nhưng bà cô khổ lắm, buồn lắm. Hơn 70 tuổi mà sống thui thủi một mình. Chồng chết, hai đứa con di tản sang Mỹ. Bà không chịu theo chúng, muốn trở về sống ở quê lúc cuối đời”, giọng ông chùng xuống, se sắt buồn.
Nhiều người hỏi cùng một lúc: “Nhà bà cô giàu vậy sao chỉ có chiếc ti vi”. Cái chất giọng sang sảng của người công nhân điện ở Hà Nội trở lại với sự gay gắt: “Tôi thật không chịu nổi với kiểu nói miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng. Nói vui, nói đùa cũng không được. Tôi vào thăm cô ruột vì tình thâm ruột thịt. Ai cũng có lòng tự trọng, giàu có hay nghèo khó đều phải có tự trọng. Chiến tranh hay hòa bình đều phải vậy”.
Dường như nhận ra sự gay gắt vô lối, ông cười hì hì, hạ giọng kể lể: “Ở Hà Nội đã phát sóng ti vi. Khu phố tôi có nhà có ti vi, tối nào cũng tấp nập quá tải người đến xem. Các con tôi góp tiền đưa cho tôi vào Sài Gòn mua ti vi. Bà cô tôi bảo để bà mua cho. Tôi trả tiền, bà không nhận, khóc như mưa, nói rằng, đây là quà tặng của bà cho các cháu. Tôi xin lấy bàn thờ gia tiên để thề rằng ngoại trừ cái ti vi này, tôi không nhận bất kỳ thứ quà nào khác”.
Ai cũng tin ông nói thật lòng. Sự huyên náo rôm rả trên tàu bỗng lắng xuống khi vang lên bài hát “Xa khơi” của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ với giọng ca huyền thoại Tân Nhân: “Nắng tỏa chiều nay, chiều tỏa nắng đôi bờ anh ơi…”. Ai đó trong toa tàu mở radio nghe chương trình ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi bồi hồi xúc động, lần đầu tiên tôi nghe bài hát này trên chuyến tàu chở quân đi B, từ ga Ninh Bình đến ga Vinh, cũng vào lúc chiều muộn, nắng hồng nhạt, mênh mang…
***
Đến một lúc nào đó, người ta nhận ra trong tương lai có sự hiện diện của quá khứ. Ký ức là một thực thể sống trong con người đã trải qua thời gian sàng lọc quá khứ, loại bỏ những tạp chất gây hại cho sự sống. Chỉ có ký ức đẹp, cho dù là ký ức buồn, không có ký ức xấu.
Chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên tôi đi là một ký ức đẹp, cái đẹp của tình người. Ai đã từng đi tàu Bắc - Nam những năm 80 của thế kỷ trước chắc chắn không thể quên nỗi nhọc nhằn suốt mấy ngày trời: Việc ăn uống hành khách tự lo. Không gian chật chội, đứng nhiều hơn ngồi, ngồi nhiều hơn nằm, mà đã nằm thì chỉ có một tư thế, chen chúc xếp lớp với nhau và với hàng hóa.
Toa tàu tôi đi ngày ấy cũng giống như mọi toa tàu ghế ngồi khác, mỗi ghế ba người ngồi, phía trên có ngăn hành lý, trước mặt mỗi hàng ghế có cái bàn ăn nhỏ, việc ăn uống mọi người tự lo, việc nằm ngủ chút ít ban đêm cũng tự lo. Do tôi có mang theo chiếc võng dù nên được chiếm lĩnh tầng cao, mắc võng qua hai hàng ghế! Ông thợ điện Hà Nội do bảo vệ ti vi nên tự nguyện chui xuống gầm ghế. Bà sồn sồn quê ở Thanh Hóa nằm trên. Ở ghế đối diện, ba người thay phiên nhau nằm trên, nằm dưới. Chen chúc, ngột ngạt như vậy nhưng mọi người luôn cười nói vui vẻ.
Lần đầu tiên trong đời tôi thấy một cộng đồng dân cư xa lạ nhưng lại gắn bó với nhau một cách mật thiết đến vậy. Họ chia sẻ đồ ăn thức uống, trông coi đồ đạc giùm nhau và đặc biệt ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Suốt mấy ngày trời, tôi thấy nhà vệ sinh luôn sạch (tất nhiên cũng ở mức tương đối), rác thải đều được thu gom và đổ đi ở khu vực sân ga khi tàu dừng bánh. Ông thợ điện ti vi rất hay kể chuyện tiếu lâm. Kho truyện dân gian của ông nhiều vô kể. Vào lúc chiều muộn, ông thơ thẩn nói với tôi: “Tôi có thằng con trạc tuổi chú, hy sinh ở Quảng Trị năm 1972”. Tiếng nói nhỏ của ông chỉ có tôi nghe thấy. Giai điệu bài hát “Xa khơi” lan tỏa khắp toa tàu, “Nắng tỏa chiều nay, chiều tỏa nắng đôi bờ…” không gian mênh mang tràn ngập khắp toa tàu.
***
Ngày ấy, những ai đi tàu xuyên Việt đều háo hức chờ đợi đến “ga gà” ở Quảng Ngãi. Gà thuộc loại “gà ri”, chỉ nặng chừng 1kg, thịt mềm, xương mềm, dai và ngọt, béo, giá cả rẻ hơn các vùng khác. Ở ga Vinh có rất nhiều món ăn bày bán dọc đường tàu. Tôi đã ăn món bánh cuốn xứ Nghệ từ hồi hành quân đi B, nó không giống như bánh cuốn ở Hà Nội. Bánh làm bằng bột gạo, dày dặn, không có nhân nhị gì hết. Độ dày của bánh khiến người ăn cảm nhận hết được sự thơm, béo, ngọt ngào đậm đà của thứ gạo đơm bông kết trái trên đất khô hạn cằn cỗi. Thứ bánh này chỉ thật ngon khi được chấm với nước chấm mằn mặn, chua chua, ngọt ngọt, cay cay. Hết thẩy mùi vị nhân gian hội tụ ở đó.
Ngày ấy, ga Vinh giống như một khu đất trống trải hoang hóa. Gió lạnh thổi hun hút, tôi ăn một đĩa bánh đầy có ngọn. Cô gái bán hàng mặc áo mưa, trùm khăn len kít mít, bảo tôi ra phía sau lưng cô ngồi ăn cho bớt gió, bớt lạnh. Quả thật ở phía sau cô, tôi thấy bớt lạnh hơn. Cô đã chắn gió, che lạnh cho tôi. Một món ngon để đời. Ông thợ điện bàn thêm: “Có tình người, cái gì cũng ngon cả…”.
Trong suốt cuộc hành trình ra Bắc ngày ấy, tôi cũng như mọi người đều háo hức nhìn ngắm phong cảnh, trầm trồ tán thưởng với cái đẹp của núi đá, biển xanh ở Phan Thiết, Nha Trang, Phú Yên, đèo Hải Vân, đèo Ngang, xứ Nghệ, xứ Thanh… Cảnh sắc thiên nhiên mỗi nơi đều có nét đẹp riêng, hùng vĩ, đồ sộ hay tao nhã thơ mộng, rực rỡ hoặc kín đáo… Cảnh sắc thiên nhiên luôn gợi mở cho người ta những suy tưởng về sự hoàn hảo, vui tươi, trong cuộc sống.
Trên chuyến tàu Thống Nhất ngày ấy, tôi đã gặp một cảnh sắc không thể nào quên. Tuyến đường sắt từ Huế ra Nghệ An do mới hoàn thành, chất lượng chưa ổn định nên tốc độ tàu chạy rất chậm. Hành khách có đủ thời gian để nhìn rõ dấu tích ác liệt của chiến tranh. Cỏ dại đã che lấp hố bom, suốt một vùng mênh mông, hoang hóa. Ở đoạn đường vùng thượng nguồn sông Gianh có một xóm dân mới lập nghiệp. Con tàu đi chầm chậm qua những vườn mía, vườn sắn, và những mái nhà tranh vách đất xiêu vẹo.
Đám trẻ con chạy theo, hò reo: Tàu đến! Tàu đến rồi! Bọn nhỏ vận quần áo sơ sài, cười vui hớn hở, không biết giá rét là gì. Có bé trai chừng 4-5 tuổi chạy theo tàu, một tay vẫy vẫy, một tay giữ quần không để tụt xuống. Tôi thẫn thờ nhìn lại rất lâu cái xóm dân cư nhỏ bé ấy! Hình ảnh đứa bé nắm giữ cái quần hô reo vui vẻ và làn khói xanh đen lan tỏa trên những mái nhà lúc chiều muộn đã in sâu trong tâm khảm. Một cái đẹp về sức sống, gợi mở cho người ta về niềm tin và sự hướng thiện…
Giai điệu bài hát Xa khơi lại vang lên “Nắng tỏa chiều nay, chiều tỏa nắng đôi bờ…”.
Hơn 40 năm trôi qua, tôi đã đi nhiều lần trên tàu hỏa Bắc - Nam, nhưng ấn tượng về chuyến tàu đầu tiên vẫn không hề phai nhạt. Mỗi lần nhớ lại, như mới xảy ra hôm qua. Rồi đến một lúc nào đó, người ta sẽ nhận ra ký ức là một loại dinh dưỡng nuôi sống con người.