Đến giờ, địa danh Truông Bồn, sự kiện Truông Bồn (tại xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) ngày càng được nhiều người biết đến dù sự kiện diễn ra đã 47 năm.
Vào sáng 31-10-1968, bom Mỹ trút xuống Truông Bồn, 13 thanh niên xung phong (TNXP) trong Đại đội 317 Tổng đội TNXP Nghệ An đã anh dũng hy sinh. Với tôi, do công việc làm báo và những cơ duyên khác nhau mà tôi được tiếp xúc với Truông Bồn nhiều lần, từ nhiều góc độ. Truông Bồn với tôi giờ đây không chỉ là một sự kiện bi hùng, mà còn là dấu son trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc…
Người dân đến viếng 13 liệt sĩ Truông Bồn
1. Truông Bồn đến với tôi ngót nghét đã 19 năm, qua một người bạn học cùng lớp quê huyện Đô Lương - “quê của Truông Bồn”. Ngày ấy, khi còn là sinh viên Khoa Văn Đại học Khoa học Huế, mỗi lần nhớ quê, nhớ nhà, anh bạn lại ngâm nga: “Anh ơi quê em, Đô Lương trăm mến ngàn thương…”. Và anh kể tôi nghe huyền thoại về các cô gái Truông Bồn.
Sau này, tìm hiểu thêm trong sử sách và có cơ duyên gặp chứng nhân Truông Bồn tôi càng dần hiểu về Truông Bồn, về 12 cô gái… Từ năm 1965, Mỹ mở rộng đánh phá ác liệt ra miền Bắc. Quốc lộ 1A bị không quân và hải quân Mỹ phong tỏa. Tuyến đường vận tải từ các nhánh theo quốc lộ 15 qua Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Đô Lương, Thanh Chương… được tận dụng triệt để. Nhưng đoạn đường qua Thanh Chương lại hiểm trở, thường xuyên bị máy bay đánh phá. Vậy nên tuyến đường 30 (quốc lộ 15A) được đưa vào sử dụng. Xe qua tuyến đường này đều phải vượt “cuống họng” Truông Bồn. Các tuyến vận chuyển khác theo quốc lộ 7, đường 34 và 46 cũng phải qua Truông Bồn. Truông Bồn trở thành điểm đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ. Chỉ từ tháng 6 đến tháng 10-1968 nơi đây đã phải hứng chịu hơn 2.692 quả bom các loại trút xuống. Những chuyến xe vượt Truông Bồn trở nên khó khăn và nguy hiểm vô cùng. Xuất phát từ thực tế ấy, Tổng đội TNXP Nghệ An đã quyết định thành lập “tiểu đội thép” nhằm đảm bảo mạch máu lưu thông qua đây. Các cô gái trong tổng đội, ban ngày san lấp hố bom, ban đêm làm “cọc tiêu sống” dẫn xe vượt Truông Bồn.
“Ô, ngày nớ hiểm nguy, vất vả nhưng vui lắm chú ạ”, bà Trần Thị Thông cười bảo. Bà Thông chính là Tiểu đội trưởng của “tiểu đội thép” ngày ấy và là người duy nhất sống sót sau trận bom ngày 31-10-1968. Bà hiện ở khối 8, phường Đông Vĩnh (TP Vinh). Mỗi lần gặp bà, những ký ức về một thời “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm” lại chầm chậm quay về. Ngày ấy, đêm đêm, dù trời nóng hừng hực hay mưa dầm, các cô gái vẫn lặng lẽ dẫn xe vượt Truông Bồn. Trước đó, “tiểu đội thép” đã có sáng kiến lấy bẹ chuối rải trên đường để xe nhận biết lối đi trong đêm tối. Nhưng biện pháp này chỉ được một thời gian ngắn, bởi đường liên tục bị bom, xe qua vài lần là bẹ chuối nát. Cuối cùng các cô nảy ra sáng kiến mặc áo may ô làm “cọc tiêu” di động dẫn xe qua truông. Không ít ngày chị em chỉ ăn khoai cầm bữa. Có khi xe bị trúng bom, đường, sữa văng ra tứ tung nhưng không ai đụng đến dù chỉ một chút, vì luôn nghĩ đó là nguồn thực phẩm quí vận chuyển vào Nam cho bộ đội và nhân dân miền Nam đánh Mỹ. Nhiều chị em lo san lấp hố bom đến nỗi 2 - 3 ngày không tắm được, đồng đội sắp xếp cho nghỉ thì ô tô lại bị bom, lại lao vào cứu người, cứu hàng. Có nhiều chị lo dập lửa, cứu thương binh, tóc và lông mi bị lửa cháy sém, đến khi về đơn vị mới phát hiện ra, soi gương rồi cười…
Sáng 31-10-1968, Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông cùng Tiểu đội 2 Đại đội 317 đang san lấp hố bom thì máy bay Mỹ ập đến ném bom. Sự việc diễn ra quá nhanh. 13 cuộc đời tươi trẻ anh dũng hy sinh. Bà Thông ngậm ngùi: “Trong số 13 người có 7 người không tìm được thân thể toàn vẹn. Cùng hy sinh với chị em có 2 anh. Anh Hạp là người được cấp trên điều xuống trợ giúp chị em đã đành, thương nhất là anh Hòa. Anh Hòa ở đơn vị khác, đang được nghỉ phép nên đến thăm người yêu là O Tâm. Anh ở lại lao động với chị em mấy bữa nớ vui lắm. Nhưng ai biết được máy bay lại ập đến… Hai người khi còn sống thì luôn phải xa cách, đến lúc trúng bom mới được ở cùng nhau”. Sau này, thường thường trước mỗi dịp kỷ niệm ngày 31-10, bà Thông lại lên viếng đồng đội. Có lần tôi chứng kiến bà đứng thật lâu, môi khẽ mấp máy…
2. Ngay sau Tết Ất Mùi vừa qua, tôi gặp nhà báo Giao Hưởng (Báo Lao động), cùng ông trò chuyện về sự ra đời của bài báo “Ngược Truông Bồn”, một bài báo mà như ông nói, nó có một sự sắp đặt kỳ lạ. Tháng 4-1997, nhà báo Giao Hưởng cùng hai bạn đồng nghiệp đi công tác ở huyện Yên Thành. Đêm đó cả 3 ngủ lại nhà khách của Huyện ủy. Trong khi đang làm việc thì hết thuốc lá, ông ra ngoài thị trấn tìm đến một tiệm tạp hóa để mua thuốc. Đến nơi thì bắt gặp một nhóm người đang bàn tán xôn xao. “Báo với chả chí. Người ta đang còn sống sờ sờ ra đó, người là nhân chứng thực thì không đưa lại đưa mô…”. “Có chuyện chi rứa các bác?”. “Chú không coi à, ti vi vừa chiếu phim về Truông Bồn đó. Mấy người còn sống, mấy người là nhân chứng thực thì không gặp lại gặp rồi đưa người ở mô lên”. “Các bác biết chuyện ni răng?”. “Biết chứ. Chúng tôi cùng là thanh niên xung phong thuộc Đại đội 317 đây, chỉ khác tiểu đội ở Truông Bồn thôi”. Sau khi nghe các cựu TNXP này nói chuyện qua, bằng nhạy cảm của người làm báo, ông biết có “cái chi đó” trong sự kiện Truông Bồn. Ngay sau đó, nhà báo Giao Hưởng đã âm thầm một mình chạy xe máy đi khắp 15 xã ở huyện Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương, TP Vinh lần tìm các nhân chứng, gia đình của các liệt sĩ Truông Bồn… Và, một sự thật đã hé lộ.
Sau khi tìm đến nhà ông Nguyễn Xuân Phương, nguyên Đại đội phó Đại đội 317, nhà báo Giao Hưởng được ông Phương đưa đến xã Sơn Thành (huyện Yên Thành) gặp ông Nguyễn Xuân Thỏa, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 317. Sau khi vào nhà, vừa nghe ông Phương giới thiệu hai tiếng “nhà báo”, lập tức ông Thỏa nói: “Các anh không gặp nhân chứng thật mà đi dựng nhân chứng giả”. Nói rồi ông Thỏa im lặng không nói thêm câu nào. Ông vẫn mời ông Phương và nhà báo Giao Hưởng vào nhà. Ông mở tủ lấy ra một chai rượu nút lá chuối, rót ra 3 chén. Ông Thỏa nâng chén rượu mời 2 người nhưng không nhìn nhà báo mà quay mặt đi hướng khác. Lúc này nhà báo Giao Hưởng đã bị sốc trước thái độ như vậy. Nhưng vừa ngay đó, ông Thỏa ngửa cổ uống “ực” ly rượu rồi bất ngờ gục mặt xuống khóc rưng rức. Ông khóc vì sự thật bị đánh tráo. Bà Trần Thị B. ở huyện Diễn Châu như truyền hình làm phóng sự không phải là người trong cuộc của sự kiện Truông Bồn, mà là bà Trần Thị Thông. Nhưng bà Thông ở đâu cũng không ai biết. Tiếp tục lần tìm ở một số manh mối, nhà báo Giao Hưởng biết được thông tin bà Thông lấy chồng và ở xã Đông Vĩnh (bây giờ là một phường thuộc TP Vinh).
Sau khi tìm gặp được bà Thông và các nhân chứng, lật lại các tư liệu, nhà báo Giao Hưởng đã viết bài “Ngược Truông Bồn”, đăng trên báo Lao động ngày 10-5-1997. Bài báo như một “quả bom” khiến lớp đất đá của thời gian, của những so đo toan tính, mê muội,… bị bung vỡ, mở đầu cho chuyến hành trình ngược - tìm lại sự thật và trả lại sự thật cho Truông Bồn.
3. Cho đến bây giờ, do công việc nên tôi không nhớ mình đã đến Truông Bồn và qua Truông Bồn bao nhiêu lần. Nhưng cứ mỗi lần ngược xuôi con đường 15A huyền thoại, đến với Truông Bồn trong tôi lại ùa về bài thơ “Mười hai cô gái Truông Bồn” của nhà thơ Quang Huy, viết tháng 5-1968. Mười hai cô gái Truông Bồn/ Nửa đêm thức dậy giữa vòm sao khuya/ Bồn chồn chân chạy lắng nghe/ Rì rầm cuối dốc tiếng xe thở dồn… Cách đây hơn chục năm, Truông Bồn hãy còn khá vắng vẻ. Mỗi lần đi qua, không hiểu sao trong tôi có cảm giác trống vắng đến lạ. Ban đêm qua tuyến đường này, cứ nghĩ đến những cái tên như dốc Kỳ Lợn, cầu Om, lèn Sót,.. lại khiến cho tôi có cảm giác lành lạnh trong người. Nhưng có một điều, nó như “ánh lửa trong đêm”, cứ mỗi lần qua, tôi ghé vào xin bà cụ Vinh - người tự nguyện trông nom ngôi mộ tập thể của 11 O và 2 chú, xin thắp nén hương. Sau khi thắp hương xong thì trong tôi ấm áp đến lạ. Tôi vượt dốc, vượt đường với hai bên là rừng là núi, ngay trong đêm vắng nhưng không còn cảm giác hoang lạnh, người và xe như chạy trong nhẹ bẫng, lâng lâng khó tả. Bà cụ Vinh ngày ấy giờ tuổi đã gần 90 và đã nghỉ, “nhường” Truông Bồn lại cho Ban Quản lý Di tích lịch sử Truông Bồn trông coi. Bây giờ con đường 15A qua Truông Bồn đã không còn thưa nhặt bóng người và Truông Bồn cũng không còn “cô quạnh”. Nhiều hạng mục trong Dự án Bảo tồn và tôn tạo Khu Di tích lịch sử Truông Bồn đã và đang được hoàn thiện. Nhưng không hiểu sao, cứ mỗi lần nhìn con đường trải nhựa với hai bên là vạt vạt hoa tràm, tôi lại không khỏi bùi ngùi nghĩ về thời của các O: Dẫn xe vượt dốc khuya rồi/ Lại về ngủ giữa một trời đầy sao…
Không ít lần lên Truông Bồn, tôi bắt gặp những nhóm các bác, các anh, các chị TNXP đến viếng đồng đội. Đứng trước ngôi mộ của 11 O và 2 chú, họ cất tiếng hát. Nhưng lần nào cũng như lần nào, chỉ được đôi lời là tiếng hát nghẹn lại, lạc đi, có người bắt đầu vừa hát vừa khóc. Một chiều cuối năm 2014 vừa qua, tôi đi công tác qua Truông Bồn và ghé vào thắp hương viếng các O các chú, bắt gặp hai cô bé Phùng Thị Khánh Vy và Nguyễn Thị Anh Thư ở xóm 10 (xã Mỹ Sơn) ra khu mộ chơi. Nhìn hai cháu vui cười chạy nhảy, rượt đuổi nhau quanh khu mộ, tôi và ông Nguyễn Công Vinh - ông của hai đứa trẻ, đứng lặng nhìn chúng không nói gì. Một hồi ông Vinh mới khẽ bảo: “Chúng nó thuộc thế hệ thứ ba nhỉ? Nếu còn sống thì các cô các chú cũng đã có cháu lớn chừng ni, lớn hơn nữa rồi”. Ngay sau đó, tôi thấy phía sau khu mộ như xuất hiện hai khối mây mang hình hai cánh thuyền buồm nổi lên che kín mặt trời. Sau đó đôi “cánh buồm” này trôi dần về phía mặt trời và tan cùng ánh hoàng hôn.
DUY CƯỜNG