Ký ức tiến vào Sài Gòn của Trung tướng Nguyễn Văn Thái

Trung tướng Nguyễn Văn Thái kể, tháng Giêng năm 1975, sau khi giải phóng Phước Long, Sư đoàn 7 (mật danh Công Trường 7) nơi ông làm Phó Chính ủy sư đoàn, đã được bổ sung quân số, vũ khí, khẩn trương bước vào huấn luyện, đồng thời hỗ trợ địa phương xây dựng, củng cố vùng giải phóng.

Lần đầu tôi gặp ông Nguyễn Văn Thái khi ông vào làm việc với Cục Chính trị Quân khu 7 và ghé thăm Tòa soạn Báo Quân khu 7 của chúng tôi. Đó là cuối năm 1984. Là Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị), ông kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện, trong đó có việc báo chí nên thông tin nhiều hơn về các sự kiện của quân tình nguyện Việt Nam đã tham gia giúp đỡ nhân dân Campuchia hồi sinh, xây dựng lại đất nước; những hình ảnh tốt đẹp về bộ đội Cụ Hồ; phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động… Trong những câu chuyện, ông cũng kể về những ký ức không thể nào quên của những ngày cuối tháng 4-1975 lịch sử.

Đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc

Trung tướng Nguyễn Văn Thái kể, tháng Giêng năm 1975, sau khi giải phóng Phước Long, Sư đoàn 7 (mật danh Công Trường 7) nơi ông làm Phó Chính ủy sư đoàn, đã được bổ sung quân số, vũ khí, khẩn trương bước vào huấn luyện, đồng thời hỗ trợ địa phương xây dựng, củng cố vùng giải phóng. Đầu tháng 3-1975, đồng chí Lê Đức Anh, Phó Tư lệnh Miền, tới giao nhiệm vụ, động viên Sư đoàn 7 khẩn trương hoàn thành việc cơ động lực lượng đến khu vực đường 20.

Ngày 2-4-1975, từ Lâm Đồng, Sư đoàn 7 nhận lệnh của Quân đoàn 4 thực hiện nhiệm vụ tiến công tiêu diệt Xuân Lộc - tiểu khu Long Khánh. Ngày 9-4-1975, Sư đoàn 7 cùng Sư đoàn 341 tấn công vào Xuân Lộc (căn cứ và sở chỉ huy của Sư đoàn 18 ngụy).

Cuộc chiến đấu ở Xuân Lộc trong các ngày 9, 10, 11-4 diễn ra rất quyết liệt. Ngoài lực lượng Sư đoàn 18 ngụy ở đây, địch tăng cường một lữ dù, 2 lữ đoàn thủy quân lục chiến, một trung đoàn thiết giáp; các trận địa pháo chi viện cho Xuân Lộc và gần 100 lượt máy bay hàng ngày ném bom bắn phá trận địa ta… Địch đã dùng đến cả loại bom CBU (loại bom cấm) ném vào đội hình của ta gây thương vong lớn. Ngày 18-4, địch rút dần bằng máy bay trực thăng từ Xuân Lộc. Đêm 19-4, lợi dụng đêm tối, trời mưa, lực lượng địch ở Xuân Lộc rút chạy theo đường số 2 về phía Bà Rịa rồi sang Long Bình. Ta truy kích, diệt một bộ phận, bắt sống Tỉnh trưởng tỉnh Long Khánh. Xuân Lộc đã được giải phóng.

Tại rừng cao su gần Dầu Giây, tướng Hoàng Cầm, Tư lệnh Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long), đã trao cho Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7 Lê Nam Phong và Phó Chính ủy Sư đoàn 7 Nguyễn Văn Thái lá cờ quyết chiến quyết thắng của quân đội ta để cắm trên Dinh Độc Lập.

Sau khi các sư đoàn bạn (Sư đoàn 341, Sư đoàn 6) đánh chiếm các mục tiêu Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa, rạng sáng 30-4, Sư đoàn 7 tiến qua Biên Hòa nhưng gặp trở ngại. Cầu Hóa An yếu, xe tăng không qua được, nên sư đoàn trưởng Lê Nam Phong quyết định đơn vị phải cắt sang cầu Đồng Nai, chuyển hướng khác tiến công vào Sài Gòn.

Trong khi đó, mũi thọc sâu của Quân đoàn 2 do lữ đoàn xe tăng mang số hiệu 203 và một bộ phận của Trung đoàn bộ binh 66, Sư đoàn 304 thuộc Quân đoàn 2 do tướng Nguyễn Hữu An làm Tư lệnh từ hướng Đông Nam tiến công vào Sài Gòn, đến Dinh Độc Lập sớm hơn.

Và thời khắc lịch sử ấy như mọi người đã biết, 11 giờ 30 ngày 30-4-1975, lá cờ quyết chiến quyết thắng của quân đội ta do các chiến sĩ Lữ đoàn xe tăng 203 của Quân đoàn 2 đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Thành phố Sài Gòn - Gia Định đã được giải phóng, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đầu hàng không điều kiện.

giaiphong.jpg
Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường mừng chiến thắng. Ảnh: TƯ LIỆU

Năm tháng qua mau, vị tướng trận năm xưa nay đã bước vào tuổi 96, sức khỏe không còn như trước nhưng đầu óc Trung tướng Nguyễn Văn Thái vẫn minh tuệ. Ký ức những năm tháng chiến trận, đặc biệt thời khắc lịch sử trưa 30-4-1975 tại Dinh Độc Lập cách đây tròn 50 năm, ông còn nhớ như in.

Buổi họp báo đầu tiên tại Dinh Độc Lập

Ngày 1-5-1975, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, Chính ủy Quân đoàn 4, tới Sở chỉ huy Sư đoàn 7 giao nhiệm vụ cho Sư đoàn trưởng Lê Nam Phong và Phó Chính ủy sư đoàn Nguyễn Văn Thái tổ chức họp báo cho Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định tại Dinh Độc Lập vào chiều 2-5-1975 để công bố quyết định của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trả tự do cho các thành viên nội các Dương Văn Minh.

Buổi họp báo do đồng chí Cao Đăng Chiếm thay mặt Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định (sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an) và đồng chí Đại tá Vương Thế Hiệp (sau này là Thiếu tướng), Phó Chính ủy Quân đoàn 4, chủ trì. Họp báo kết thúc, Thượng tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định, chỉ thị chúng tôi đưa 3 thành viên nội các: Tổng thống Dương Văn Minh, Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu gặp đồng chí. Có một số phóng viên đi theo, sau khoảng 10 phút quay phim, chụp ảnh, đồng chí Trần Văn Trà nói: “Anh Nam Phong mời các đồng chí phóng viên xuống lầu 1, chuẩn bị đưa các thành viên nội các về với gia đình, Thái ở lại đây”. Trong căn phòng rộng lớn lúc này chỉ còn đồng chí Trần Văn Trà, 3 thành viên nội các Sài Gòn và tôi phục vụ.

Mở đầu, đồng chí Trần Văn Trà với giọng nói chậm rãi, đanh sắc: “Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã quyết định trả tự do cho các ông về với gia đình. Giờ đây, miền Nam Việt Nam đã được hoàn toàn giải phóng, nước Việt Nam độc lập và thống nhất, cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai đã toàn thắng”. Đồng chí Trần Văn Trà nói tiếp: “Như các ông đã biết, quân Nguyên Mông ở thế kỷ XIII đã thắng như chẻ tre từ châu Á sang châu Âu nhưng 3 lần đánh Việt Nam đều thất bại, phải ôm đầu tháo chạy. Bây giờ đất nước Việt Nam đã độc lập và thống nhất, không phải là lúc nói chuyện thắng thua mà mỗi người Việt Nam lúc này hãy thực hiện tốt chính sách hòa hợp dân tộc, đem hết sức lực và trí tuệ của mình để góp phần xây dựng lại đất nước sau 30 năm chiến tranh tàn phá…”.

Nghe Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định nói, Dương Văn Minh xin phát biểu: “Thưa Ngài chủ tịch, chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã cho chúng tôi về với gia đình, chúng tôi rất trân trọng những lời nói của Ngài, tôi vô cùng cảm kích, thật sự hân hoan vì đến tuổi 60 tôi mới được trở thành công dân của nước Việt Nam độc lập tự do…”. Cuộc họp mặt khoảng 20 phút kết thúc, Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định một lần nữa nhắc lại: “Đất nước Việt Nam đã hoàn toàn độc lập và thống nhất, mỗi người Việt Nam lúc này phải cùng nhau hợp tác, xây dựng lại đất nước…”. Trời gần tối, tôi đưa các vị về phòng, sau đó đồng chí Lê Nam Phong đã giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 141, mà trực tiếp là đồng chí Đại, Chính trị viên phó tiểu đoàn, cùng một số chiến sĩ đưa các thành viên nội các về với gia đình.

Tin cùng chuyên mục