Ký ức một thời tuổi trẻ

Sau khi đất nước hòa bình thống nhất, những chàng trai, cô gái Thanh niên xung phong (TNXP) đang hăng hái lao động sản xuất thì chiến tranh biên giới nổ ra. Những người trẻ ngày nào đã qua U Minh, Rạch Giá, qua miền Đông gian khổ, anh hùng, nay họ lại đi thẳng ra chiến trường tải đạn, cáng thương, góp phần giữ yên bờ cõi.

Những “vành đai trắng” nở hoa

Ngày 28-3-1976 ghi dấu một sự kiện quan trọng của TPHCM, một thời điểm đáng nhớ của phong trào thanh niên và là một kỷ niệm sáng chói của lực lượng TNXP TPHCM.

Ngày đó, hơn một vạn thanh niên thành phố trong bộ đồng phục màu cỏ úa, mũ tai bèo, chân dép lốp, dụng cụ lao động thô sơ... tập hợp tại sân vận động Thống Nhất phấn khởi làm lễ xuất quân. Tổng đội TNXP Thành đoàn và Tổng đội TNXP Xây dựng Kinh tế mới quyết tâm lên đường đến vùng nông thôn ngoại thành, những nơi núi rừng đầy gian khổ để khai hoang, phục hóa, xây dựng khu kinh tế mới.

$1a.jpg
Tuổi trẻ TNXP thành phố xung phong đi xây dựng các vùng kinh tế mới, tháng 3-1976. Ảnh: TƯ LIỆU

Trước đội ngũ trùng trùng, điệp điệp của tuổi trẻ TNXP, đồng chí Võ Văn Kiệt, lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND Cách mạng TPHCM, trao lá cờ Đoàn cho đồng chí Phạm Chánh Trực, Bí thư Thành đoàn, thay mặt tuổi trẻ thành phố nhận và giương cao lá cờ Đoàn trước các hàng quân TNXP. Lá cờ ghi dòng chữ “Đâu cần thanh niên có. Đâu khó có thanh niên”.

“Cầm chặt lá cờ trong tay của đồng chí Võ Văn Kiệt trao, tôi vô cùng cảm kích. Đó là sự tin yêu của Đảng đối với thế hệ trẻ thành phố, mà đại biểu là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Tôi xúc động trước tập hợp lạ lùng: những thanh niên là binh lính, công chức viên chức của chế độ cũ sát cánh cùng thanh niên, sinh viên học sinh cách mạng, những anh em chị em tệ nạn xã hội trước đây sát cánh cùng những công nhân lao động vừa mới cắm cờ chiếm lĩnh xưởng máy”, đồng chí Phạm Chánh Trực kể về ngày kỷ niệm sâu sắc của thanh niên thành phố.

Bà Nguyễn Thị Xuân (sinh năm 1955) là một trong hàng vạn thanh niên có mặt trong đội ngũ TNXP ngày hôm đó. Khi ấy, bà Xuân đang là giáo viên dạy lớp bình dân học vụ. Khi thấy cán bộ Đoàn vận động “đi” TNXP, bà vận động thêm 20 thanh niên cùng lên đường. “Nhà neo người, ba mẹ khó nên không đồng ý cho tôi đi. Thế là tôi nghỉ dạy học, lén cả nhà đi. Mà lúc đó chưa có cảm nhận gì về TNXP hết, tuổi trẻ thôi thúc là đi chứ chưa rõ đi đâu, làm gì”, bà Xuân nhớ lại.

Tổng đội TNXP Thành đoàn là lực lượng xung kích xóa bỏ “vành đai trắng” ngoại thành. Ở đây, những “trận địa” đầu tiên, căng thẳng nhất là việc đào kênh, tháo nước phèn, chống úng, đắp đường.

Bà Xuân không quên được những “lần đầu tiên” khi cùng đơn vị khai hoang phục vụ sản xuất ở nông trường Lê Minh Xuân. “Khi đó thiếu thốn mọi bề. Không có nhà, không có nước, chỉ có nước phèn. Hồi nào giờ mình cũng không tắm mương, rồi không ăn cơm chung 10 người một bàn đông đúc như vậy...”.

Nhưng đó vẫn chưa phải là điều khó khăn nhất của bà và nhiều anh chị em trong đơn vị. Từ cô gái thị thành chỉ biết cầm sách, bút, lần đầu tiên bà Xuân biết cầm cuốc, cầm leng, vác tre, dựng vách nhà… dưới trời nắng gắt giữa tháng ba, những nhát cuốc “bổ xuống đất là tóe lửa”. Có đơn vị, anh em thay nhau ngâm mình hàng tháng dưới nước để đào đắp đất, xây dựng kênh.

Ngày đầu tiên đi làm, do không quen với lao động, vai bà sưng phồng và bà ngất xỉu. “Mệt quá, tôi đã khóc và thầm nghĩ: hay là thôi không làm nữa. Nhưng nguyên cả đêm hôm đó, nhìn thấy mấy chục con người sốt sắng chạy đi tìm thuốc, tìm lá xông, túc trực đến sáng thì ý nghĩ đó tiêu tan trong tôi. Hai hôm sau là quen với công việc, mọi người yêu thương nhau như một gia đình”, bà Xuân nhớ lại.

Khổ cực, vất vả ấy đã nhận lại quả ngọt. Bà con nông dân không ngớt lời khen ngợi. Màu xanh đã về trên những vùng hoang hóa, góp phần xóa “vành đai trắng”, xây dựng “vành đai xanh”, bà con hăng say lao động, sản xuất trong không khí phấn khởi, vui tươi...

Từ nông trường ra biên giới

Tháng 6-1976, khi đang làm công tác Đoàn tại phường 8 (quận 3, TPHCM), bà Thái Thị Hạnh (sinh năm 1952) tham gia Tổng đội TNXP Xây dựng Kinh tế mới, lên đường đến các vùng đất mới. Đơn vị của bà đóng quân tại nhiều nơi như Dinh Điền, Sông Bé, Đồng Xoài…, với nhiệm vụ chủ yếu là làm đường, làm nhà, phát quang, làm rẫy, trồng trọt, đào giếng để chuẩn bị cơ sở vật chất cho bà con lên làm kinh tế mới.

$3a.jpg
Cựu TNXP Thái Thị Hạnh (phải) và Nguyễn Thị Xuân xúc động ngày hội ngộ

Bà Hạnh đã có 21 năm thanh xuân gắn liền lực lượng TNXP khi cùng đơn vị đóng chân trên nhiều mảnh đất khắp chiều dài đất nước. Nhận nhiệm vụ của Thành ủy, UBND TPHCM giao, khi chiến tranh biên giới nổ ra, bà cùng cán bộ, đội viên TNXP lên đường phục vụ chiến đấu và chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam.

Giọt mồ hôi cô gái TNXP rơi trên nông trường ngày nào giờ đổ xuống nơi miền biên cương. Bên cạnh những vết chai cũ được hình thành bởi những lần đào kênh, trồng lúa, giờ trên đôi vai, trên đôi tay, dưới gót chân cô lại có những vết chai mới - vết chai của những tháng ngày phục vụ chiến đấu và chiến đấu.

Bà Hạnh lúc đó là Tổng đội phó Tổng đội 3, gồm 14 liên đội với 5.000 cán bộ, đội viên. “Lãnh đạo hàng ngàn TNXP trên chiến trường biên giới là điều rất khó khăn. Trước tiên, mình phải không sợ chết và phải biết thương đồng đội, phải dũng cảm thì mới gắn bó và làm được các nhiệm vụ bộ đội yêu cầu. Mọi công việc từ làm đường, cáng thương binh, vận chuyển lương thực, súng đạn…, TNXP luôn thực hiện hết mình, để cho bộ đội chỉ cần cầm súng lên đánh giặc”, bà Hạnh xúc động nhớ lại.

Trong Tổng đội 3 năm đó có một cựu TNXP tên Trần Khánh Hòa (sinh năm 1958). Là chàng trai có vẻ ngoài hào hoa với đam mê hội họa, ông gác đam mê lên đường đi TNXP, bắt đầu tiếp xúc với những súng, đạn, bom và chằng chịt vết thương của bộ đội.

“Tôi nhớ hoài ngã ba biên giới Tây Ninh, là nơi bộ đội và TNXP hay gặp nhau nhất, nhưng có những người chưa kịp nhớ mặt, thuộc tên thì hôm sau đã hy sinh. Có trận địch ném bom chỉ cách đơn vị tôi chừng 500m, trong một tích tắc, 70 đồng chí bộ đội hy sinh. Chúng tôi thức xuyên đêm cáng thương binh, đau xót lắm”, ông Hòa kể.

Nằm trên tuyến đường đi biên giới Việt Nam - Campuchia (huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) có một Khu tưởng niệm liệt sĩ TNXP TPHCM - nơi ghi nhớ công lao to lớn của 99 liệt sĩ TNXP anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại Chiến trường biên giới Tây Nam. Cuối tháng 3, những cựu TNXP, lãnh đạo Lực lượng TNXP TPHCM và cán bộ, đội viên TNXP tề tựu về đây dâng hương tưởng nhớ.

“Bạn còn đây - người lẫn tên/ Không gì mất cả không quên được gì/ Cắt rừng dày - chúng tôi đi/ Ba lô nặng, dép mòn vì đường xa/ Mang theo mãi những màu hoa/ Bạn yêu cho cả hôm qua, bây giờ/ Rừng còn sót mấy tuần mưa/ Bạn nằm lại đón một mùa cỏ xanh/ Qua rừng le đến rừng tranh/ Ở đâu nhớ bạn cũng thành thiêng liêng...”, bài thơ tưởng niệm cất lên, những người có mặt ngậm ngùi, xúc động nhớ về những đồng đội đã nằm xuống, nhớ về tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của mình...

Theo Phó Chủ tịch Hội cựu TNXP TPHCM Ngô Long Xuân, năm 2024, hội tổ chức nhiều hoạt động hướng đến Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; phối hợp giải quyết chế độ chính sách, chăm lo đời sống cho hội viên; các hội cấp quận đã tổ chức vận động quỹ Nghĩa tình đồng đội, với kinh phí hơn 1 tỷ đồng; hỗ trợ sửa chữa nhà và tặng sổ tiết kiệm, thẻ BHYT, chăm lo các dịp lễ, tết... đến hội viên.

Các cấp hội cũng tích cực tham gia thực hiện các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, MTTQ phát động. Trong đó, đã vận động đóng góp cho Chương trình “Vì Trường Sa xanh”, ủng hộ đồng bào vùng bão lũ các tỉnh phía Bắc; hưởng ứng các hoạt động Tháng cao điểm “Vì người nghèo”...

Tin cùng chuyên mục