90 năm lịch sử, màu cờ của Đảng, màu cờ Tổ quốc đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, đi cùng với quá trình đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam.
Ký ức màu cờ gồm 3 chương, trải qua 3 thời kỳ: kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và thời kỳ xây dựng đất nước sau năm 1954. Nhân vật của chương trình đều là những người giản dị và họ là những chứng nhân của lịch sử…
Một nhân vật khác - bà Đỗ Thị Phấn, cựu nữ sinh Trường Trưng Vương, bị bắt vào nhà tù Hỏa Lò khi đang treo cờ cách mạng tại sân trường. Bị bắt và tra tấn, nhưng sau khi ra tù chỉ 2 ngày, bà đã liên lạc lại với tổ chức để tiếp tục hoạt động. Sau này, bà trở thành lứa học sinh khóa 1 của Trường Đại học Bách Khoa và tham gia xây dựng nhiều công trình lớn của đất nước như công trình Bắc Hưng Hải, thủy điện Hòa Bình với tư cách chuyên gia thủy lợi.
Ở chương 2 sẽ là cuộc gặp gỡ với Đội nữ lái xe Trường Sơn - trung đội nữ lái xe duy nhất trên đường Trường Sơn những năm kháng chiến chống Mỹ. Họ là những cô gái tuổi đôi mươi từ lực lượng thanh niên xung phong vào Trường Sơn năm 1967 - 1968, gồm 40 người, lái xe Zin130, Gaz 51, Gaz 69… vượt núi băng rừng, tải thương, tải đạn, chở lương thực, thuốc men, súng ống, đạn dược từ Vinh theo đường Trường Sơn vào đến Quảng Bình, đi qua những cung đường khốc liệt nhất của Trường Sơn, những túi bom như bãi Dinh, Cổng Trời, phà Xuân Sơn, cầu Trạ Ang, Ngã ba Đồng Lộc... suốt những năm chiến tranh ác liệt.
Đặc biệt, khán giả sẽ gặp gỡ ông Tư Cang, Chỉ huy trưởng Cụm tình báo H63, cụm tình báo đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Trong câu chuyện, khán giả sẽ phần nào giải mã về ý nghĩa Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 dẫn đến việc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải bước vào Hiệp định Paris; hay chiến công thầm lặng của những chiến sĩ tình báo chiến lược Việt Nam…
Câu chuyện trong chương 3 là về thời kỳ xây dựng đất nước. Khán giả sẽ nghe ông Thái Phụng Nê, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng, Trưởng ban Quản lý dự án thủy điện Hòa Bình, kể về “Lá thư gửi thế hệ mai sau” được mở ra vào ngày 1-1-2100, một sáng kiến của những cán bộ, kỹ sư xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình.
Trong Ký ức màu cờ, khán giả còn được nghe lại những ca khúc cách mạng đi cùng năm tháng, mà khi giai điệu vang lên, tất cả chúng ta sẽ được sống lại một ký ức hào hùng, ký ức của vinh quang.