Đó là những tô mì mà nước nấu còn chưa kịp sôi trong những lần xung phong thực hiện công tác chữa cháy, cứu người, cứu tài sản… giữa đêm khuya, mưa dông, gió lạnh ở khắp các tỉnh, thành. Gần đây nữa là 2 đợt công tác gian nan tìm xác người bị nạn trong hang sâu ở các tỉnh miền núi Cao Bằng, Hà Giang.
Tarzan trầm mình chống… muỗi!
Sinh ra và lớn lên ở quê hương “đất thép thành đồng” xã An Phú, huyện Củ Chi, Thiếu tá Nguyễn Chí Thành, Phó đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Phòng Cảnh sát PCCC, Công an TPHCM có khả năng leo trèo, bơi lặn giỏi. Vào ngành công an, anh Chí Thành chọn ngay vào lực lượng phòng cháy, chữa cháy. Không lâu sau đó, cháy lớn xảy ra tại rừng U Minh. Công an TPHCM được lệnh chi viện, anh lính “trẻ tuổi đời, non tuổi nghề” liền xung phong nhận nhiệm vụ trinh sát chữa cháy.
Chí Thành nhớ lại: “Hiện trường đám cháy ở sâu trong rừng, nơi không có dân sinh sống. Không có đường đi đến đám cháy, chúng tôi được các đồng chí Công an tỉnh Minh Hải lúc đó đưa đi xuyên rừng bằng vỏ lãi. Nhiệm vụ của tôi là trèo lên cây tràm nước để xác định hướng đi của lửa, hướng gió để phục vụ công tác chữa cháy. Mấy chú thấy vậy đặt cho biệt danh là Tarzan thành phố. Cả một vùng rộng lớn, đầy sình lầy trơn trợt và lún sâu, chúng tôi vô cùng khó khăn trong di chuyển và vận chuyển máy móc”.
Nào giờ vẫn nghe danh Cà Mau là mũi đất tận cùng của Tổ quốc, là nơi “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh”, nhưng mãi đến khi tham gia chi viện, các anh lính thành phố mới tận mắt chứng kiến thực tế. Nhưng gian nan không làm nhụt chí người lính thành phố.
Chí Thành tâm sự: “Chúng tôi chi viện hơn một tháng mới hoàn thành nhiệm vụ. Công tác chữa cháy rừng chỉ làm được ban ngày. Ban đêm chúng tôi được vỏ lãi chở ngược ra nơi đóng quân, cách đó khoảng 10 cây số. Nhiều hôm hư máy hay vì lý do nào đó mà vỏ lãi vào chậm, anh em phải nhảy xuống sình, chỉ dám đưa cái lỗ mũi lên thở để mà tránh muỗi. Muỗi nhiều vô kể! Ở nơi đóng quân, mọi sinh hoạt đều diễn ra trong mùng. Thời buổi khó khăn, mùng mền thiếu thốn, anh em chúng tôi cả chục người ngủ chung một cái mùng. Chúng tôi nghĩ ra trò oẳn tù tì, ai thua thì chịu nằm ngoài bìa. Tay chân, mặt mũi người nằm bìa thành mồi ngon cho muỗi. Sáng ra, chỗ bị muỗi đốt bầm tím như bị đòn!”. Hơn chục ngày sau, “Tarzan thành phố” bị sốt rét. Chí Thành được chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Minh Hải. Vừa hạ sốt, anh lại nằng nặc đòi trở lại rừng để cùng đồng đội chiến đấu với giặc lửa!
"Chiến công của Nguyễn Chí Thành đúng là kỳ tích! Đây là lần đầu tiên lực lượng Công an TPHCM nói riêng và cả nước nói chung tổ chức tìm thi thể người bị nạn dưới hang sâu. Thành tích này một lần nữa khẳng định lực lượng PCCC, cứu hộ, cứu nạn đã từng bước trưởng thành với phương châm: Chính quy, tinh nhuệ, hiện đại!" - Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC, Công an TPHCM |
2 ngày cầm lăng phun nước
Đến giờ, nhiều người vẫn còn nhớ như in vụ cháy tòa nhà Trung tâm thương mại quốc tế tại quận 1, TPHCM (gọi tắt là ITC) vào tháng 10-2002. Thế nhưng, ít người biết những chiến sĩ chữa cháy quả cảm đã phải 5 giờ liên tục cầm lăng phun nước trên xe thang 32m.
Chí Thành nhớ lại: “Lúc ấy, tôi đang là chiến sĩ nghĩa vụ, xông xáo lắm! Tòa nhà ITC khi xưa là ngân hàng, có kiến trúc khá đặc biệt, các ô cửa kiên cố bằng bê tông khó phá vỡ. Khi chúng tôi tiếp cận thì các ô cửa bị nung nóng, chỉ có thể phun nước làm mát cho những người thoát ra bằng đường sân thượng hay hành lang. Ấy vậy mà lâu lâu lửa lại phụt ra hung tợn. Tôi vì né ngọn lửa, suýt trượt chân mấy lần. Khi có đồng đội thay thế cầm lăng, tôi lại xung phong vào đội đi tìm thi thể nạn nhân. Cả 2 ngày phun nước liên tục, hiện trường vẫn hầm hập nóng, đồ vật bị cháy nghiêng đổ. Quyết tâm tìm đủ thi thể người bị nạn, chúng tôi đã cố công len lỏi vào mọi ngóc ngách tòa nhà. Tôi đã bươi cật lực trong đống bàn ghế cháy dở và tìm được thi thể một nạn nhân nữ ở lầu 5. Sau này, khi giảng dạy ở một lớp tập huấn, tôi mới biết đó là thi thể của một cô giáo dạy bảo hiểm. Nghe kể lại thì lúc xảy ra sự cố, cô giáo đã tới lui hướng dẫn các em chạy ra lối thoát nạn an toàn. Cô thiệt mạng có lẽ do kiệt sức giữa làn khói dày đặc”.
Sau này, đợt tham gia tìm thi thể người bị nạn trong vụ chìm tàu Dìn Ký (Bình Dương) cũng ấn tượng không kém. Đưa tay lau vội khóe mắt, Chí Thành chùng giọng, tâm sự: “Tàu du lịch 5 tầng, không có bản đồ mô hình của tàu. Khi chúng tôi tiếp cận thì bàn ghế bị nước xô nghiêng ngả. Lối đi nhỏ hẹp, nhiều ngóc ngách. Hầm tàu tối tăm, dù có đèn lặn nhưng vùng nước có quá nhiều bùn sình… cũng không đủ sáng. Chúng tôi mò mẫm trong đêm khuya lạnh giá để tìm thi thể nạn nhân. Tôi mò được xác một phụ nữ và đưa ra khỏi tàu. Khi được đưa lên bờ, vòng tay người mẹ vẫn ôm cứng đứa con thơ trong lòng. Ôi! Tình mẫu tử thiêng liêng quá!”.
Hình ảnh cô giáo liều chết cứu học trò và xác người mẹ ôm chặt con đã đeo đẳng Chí Thành đến tận bây giờ. Hình như nhờ đó mà Thành có thêm bản lĩnh, thậm chí là liều lĩnh để quyết tâm mỗi khi thực hiện nhiệm vụ. Cuối tháng 11-2019, Bộ Công an chỉ đạo Công an TPHCM chi viện tìm xác một nạn nhân trong hang sâu tại tỉnh Cao Bằng. Chí Thành cùng đồng đội lên đường với tâm trạng đầy hoang mang, lo lắng. Bởi lẽ, đây là lần đầu tiên các anh tiếp cận hang sâu và không có đầy đủ thiết bị hỗ trợ. Công an TPHCM phải nhờ Công an tỉnh Bình Dương chi viện thêm ròng rọc máy. Địa điểm là hang Cốc Chia, trên núi đá tai mèo ở xã Mã Ba, huyện Hòa Quản.
Chí Thành cho biết: “Xác người đàn ông tên Hoàng Văn Thái, dân tộc Mông, mất tích từ năm 2016. Trước đó, người nhà phát hiện chiếc xe đạp của ông Thái ở ngay cửa hang. Gần 1 năm sau, có đoàn khách quốc tế xin phép chính quyền địa phương khảo sát hang Cốc Chia. Khi trở lên, họ trình báo là phát hiện một xác chết ở dưới đáy hang. Gia đình biết tin nhờ đoàn khảo sát đưa xác chết lên, nhưng việc này ngoài khả năng của họ”.
Chiều 29-11-2019, đoàn Công an TPHCM đến hiện trường. Lúc ấy, nhiệt độ ngoài trời khoảng 100C, mưa lất phất. Buổi họp trong đêm đưa ra nhiều phương án, Chí Thành đề nghị khảo sát thực tế tại hiện trường. Phương án được chỉ huy chấp thuận. Sáng hôm sau, đoàn ra hiện trường và thả một con gà xuống hang. Đến độ sâu 80m, kéo lên con gà vẫn… sống. Vậy là có dưỡng khí. Dù vậy, đó mới chỉ là đoạn đầu của hang. Hang nhỏ hẹp, không thể xuống nhiều người, Chí Thành xung phong một mình tiếp cận. Một trạm cung cấp thiết bị được bố trí ở độ sâu 50m, và chỉ một mình Chí Thành ở dưới đó. 10 phút sau khi xuống hang thì có cơn mưa đá. Mọi người nín thở, hồi hộp chờ thông tin từ máy bộ đàm. “Ổn không Thành ơi?”. “Em vẫn khỏe!”. Thông tin là vậy, thực tế lại khác xa.
Chí Thành kể: “Dưới hang rất lạnh, nhũ đá trơn trợt, nước tuôn ào ạt khiến nhũ đá bị vỡ rơi trên đầu, trên cổ tôi. Hơn 80m, lối đi bắt đầu khó khăn. Hang ngoằn ngoèo, tối tăm, hình xoắn ốc, zic zắc… Tôi trườn từng chút một. Không ít lần tôi tưởng mình đã cận kề cái chết. Lúc đó nếu xảy ra sự cố gì thì đồng đội cũng không thể kéo dây đưa tôi lên. Đến độ sâu 220m, mưa như trút nước, bộ đàm mất tín hiệu và ròng rọc điện bị hư. Còn vài mét nữa là xuống đến đáy hang mà tôi lại bị treo lơ lửng không biết bao lâu. Trong giây phút sinh tử ấy, tôi nghĩ nhiều đến gia đình, vợ con. Càng suy nghĩ, tôi càng quyết tâm phải tìm bằng được thi thể người bị nạn để đưa về gia đình!”.
Sau nhiều lần khởi động lại, cuối cùng bộ đàm và ròng rọc cũng hoạt động trở lại. Chí Thành vội vận hành máy tiếp cận đáy hang. Không có dụng cụ, anh phải dùng tay bới móc đất đá đang đổ đè lên thi thể nạn nhân. Vội vàng tìm kiếm, nhặt từng mảnh xương vào túi vải, Chí Thành khấn to: “Tôi đã cố gắng nhiều lắm rồi! Xin lỗi ông, nếu có sót thì ông đừng đòi tôi nha!”.
Khó có thể diễn tả được sự mừng vui của gia đình ông Thái. Họ quỳ sụp xuống vái lạy tứ phương và rót rượu mời Chí Thành. Dù không biết uống rượu, nhưng lạnh quá, Chí Thành cũng đỡ ly, uống cạn. Sau này, Chí Thành mới biết đó là những hành động, cử chỉ trân trọng nhất bày tỏ lòng ngưỡng mộ, biết ơn của đồng bào dân tộc Mông…