Thật ra ước mơ về một thành phố cất cánh bay lên như các quốc gia châu Á “hóa rồng” không phải bây giờ mới có mà đã có từ rất lâu rồi. Còn nhớ ngay sau khi cải cách, mở cửa vào năm 1990, người dân TPHCM đã một thời kỳ vọng là sẽ có “kỳ tích” sông Sài Gòn như “kỳ tích” sông Hàn (Hàn Quốc) và “kỳ tích” sông Hoàng Phố (Trung Quốc).
Khi những doanh nghiệp đầu tiên của Hàn Quốc đến Việt Nam làm ăn vào năm 1992, nơi họ chọn là TPHCM chứ không phải là nơi nào khác. Họ đặt kỳ vọng mạnh mẽ vào nơi này sẽ sớm trở thành một “kỳ tích” sông Sài Gòn, tương tự người Nhật Bản nói đến “kỳ tích” sông Hồng cho Hà Nội.
Người Hàn tin tưởng vào điều đó vì họ nhìn thấy tiềm năng vô cùng lớn lao của TPHCM. Công bằng mà nói, TPHCM có đầy đủ những tiềm năng để có thể bay lên như rồng và lập nên một “kỳ tích” không kém gì so với Seoul, Thượng Hải hay Dubai, bởi TPHCM có quá nhiều lợi thế so sánh. Trước tiên, so với tất cả các thành phố và vùng miền khác trong cả nước thì TPHCM là nơi có vị thế thuận lợi nhất cho giao thương nội vùng và quốc tế, là cửa ngõ thông thương dễ dàng với thế giới bên ngoài. Nơi đây có sân bay quốc tế tỏa đến hơn 160 quốc gia, có giao thông thủy thông thẳng ra Biển Đông có thể ra phía Bắc, đến Trung Quốc và sang Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines rất thuận tiện. Hệ thống đường bộ qua cửa khẩu Mộc Bài nối với các nước Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan, Lào,... và nối với hệ thống dải thành phố ven biển miền Trung cũng như Tây Nguyên. Sở hữu giao thông thuận tiện là sở hữu tài nguyên lớn. Tới đây, có thể TPHCM sẽ có thêm cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đường sắt liên vận tốc độ cao Cần Thơ - TPHCM - Hà Nội và nối qua Trung Quốc.
Không nhiều thành phố trên thế giới có sự ổn định về địa chất, địa mạo và khí hậu tốt như TPHCM. Chính quyền và người dân ở rất nhiều thành phố lớn trên thế giới luôn có nỗi lo thường trực về thiếu nước sinh hoạt, sản xuất, trong khi đó người dân thành phố chưa bao giờ bị thiếu nước sạch sử dụng. Từ thuở khai sinh lập địa đến nay, người Sài Gòn - TPHCM vẫn sống nhờ sông Sài Gòn. Nhờ sông Sài Gòn mà có nước sản xuất và sinh hoạt. Một điều đặc biệt, dù mùa khô hay mùa mưa thì sông Sài Gòn không bao giờ cạn, nó chỉ vơi bớt đi vào mùa khô. Cha ông chúng ta và tiền nhân (kể cả người bản địa và người nước ngoài) đã lựa chọn và xây dựng nên một thành phố ở nơi được coi là “thiên thời, địa lợi”, có đủ đất đai, sông nước, rừng biển và cả gió. Nhiều thành phố muốn sở hữu một phần nhỏ trong số đó mà không được. Sở hữu sự “ưu ái” của thiên nhiên là sở hữu một tài nguyên cực kỳ quý báu.
Một điều quan trọng khác nữa không thể không nhắc đến là lịch sử của thành phố này cho thấy nó chưa bao giờ đóng cửa với ai. Bất kể người nào, dù khác biệt màu da, ngôn ngữ, chủng tộc nhưng đến đây làm ăn với thiện chí và sự tử tế, đều được đón chào. Thành phố này không quá lớn nhưng có chỗ cho tất cả mọi người. Một vùng đất hấp dẫn nhà đầu tư trước là lợi nhuận, nhưng lâu dài là quan hệ con người. Người ta nói, sở hữu một vùng đất mà con người thân thiện, tử tế, cởi mở, hào sảng là sở hữu một tài nguyên nhân văn vô giá. Bởi suy cho cùng, con người kiếm tiền để được sống tử tế với nhau chứ không phải kiếm tiền để sát phạt, hơn thua. Sài Gòn - TPHCM được coi là nơi đa dạng văn hóa - xã hội nhất cả nước và trong chừng mực nào đó nó cũng là một trong những thành phố đa dạng nhất Đông Nam Á. Chính vì điều này mà TPHCM là điểm đến của các nhà đầu tư và hàng triệu khách du lịch quốc tế.
So với các vùng miền khác trong cả nước, TPHCM là nơi tiếp nhận kinh tế thị trường với những tinh hoa sớm nhất, tiếp nhận nền công nghiệp tiên tiến với các kỹ thuật và công nghệ hiện đại sớm nhất, tiếp nhận văn minh đô thị sớm và đầy đủ nhất trong cả nước. Lịch sử Sài Gòn - TPHCM cho thấy, con người nơi đây đã nhiều lần vượt qua khó khăn, chưa bao giờ chịu bó tay, thúc thủ trước bất kỳ thách thức nào. Chính từ nơi đây, những cái mới, cái đầu tiên xuất hiện, sau đó mới lan tỏa khắp nước, như khu chế xuất đầu tiên, thị trường chứng khoán đầu tiên, bệnh viện tư nhân đầu tiên, đường hoa xuân đầu tiên, khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên… Gần đây nhất là đường sách đầu tiên. Những sáng kiến cộng đồng, những sáng tạo trong sản xuất luôn là điểm sáng của cư dân trong mọi giai đoạn phát triển như sáng kiến xây dựng nhà tình nghĩa, hiến đất mở hẻm, cây ATM gạo, bữa cơm 0 đồng…
Sau gần 50 năm, thành phố này đã đi được những chặng đường dài, có được nhiều thành tựu. Tuy nhiên để cho TPHCM như một con rồng cất cánh bay cao, bay xa, chúng ta cần những đột phá mạnh mẽ hơn nữa, táo bạo hơn nữa để cho toàn bộ năng lượng được giải phóng.