Đây là nhà máy chính cung cấp nước cho người dân các quận huyện khu vực Tây và Tây Nam TPHCM, đồng thời là trung tâm điều phối tiếp nhận nước từ các nhà máy khác.
Nỗ lực đạt công suất tối đa
Vào thời điểm những năm 2000, khi nguồn cung cấp nước sạch chủ yếu cho cả TPHCM chỉ có Nhà máy nước Thủ Đức, các quận huyện phía Tây và Tây Nam thành phố (phía cuối nguồn) thường xuyên gặp cảnh nước yếu và bị thiếu nghiêm trọng. Vào những lúc Nhà máy nước Thủ Đức bảo trì thì gần như cả khu vực quận 8, huyện Bình Chánh sẽ bị cúp nước vài ngày.
Trước nhu cầu bức bách ấy, dự án Nhà máy nước Tân Hiệp được khởi động. Thực tế thì vào thập niên 1990, dự án này đã khởi động, nhưng đến năm 1997 bị ngưng lại do không còn vốn viện trợ.
Năm 2002, nhà máy được xây dựng lại trên nền tảng trang thiết bị, máy móc tồn kho hơn 5 năm, đồng thời khôi phục lại các tuyến ống để đưa nguồn nước đến các điểm tiêu thụ. Việc xây dựng nhà máy phức tạp, xây dựng tuyến ống cũng khó khăn không kém.
Từ sự cố gắng của tập thể cán bộ, công nhân viên, Nhà máy nước Tân Hiệp chính thức vận hành đúng tiến độ yêu cầu của UBND TPHCM vào năm 2004.
“Nếu không có sự thống nhất, đồng tâm hiệp lực của cả tập thể thì không thể trong thời gian cực kỳ ngắn và nền tảng trang thiết bị tồn kho mà chúng tôi có thể vực dậy được nhà máy này. Anh em vẫn thường đùa với nhau rằng, đó là một kỳ tích”, ông Trần Duy Khang, Giám đốc Nhà máy nước Tân Hiệp, chia sẻ.
Khi đi vào hoạt động, ban đầu công suất nhà máy chỉ đạt 150.000m3/ngày đêm, nhưng nhờ đó người dân các huyện Hóc Môn, Bình Chánh và quận Tân Bình, Bình Tân, Tân Phú cùng một phần quận 8 và quận 12 có nước sạch ổn định.
Sau 15 năm, đến nay công suất nhà máy đạt 300.000m3/ngày đêm. Từ đó góp phần vào thực hiện chỉ tiêu 100% hộ dân thành phố được sử dụng nước sạch.
Không chỉ thực hiện chức năng sản xuất, xử lý nước sông Sài Gòn thành nước sạch phục vụ cho người dân TPHCM, nhà máy còn phối hợp với các Công ty cổ phần Cấp nước Tân Hòa, Phú Hòa Tân, Chợ Lớn, Nhà Bè, Trung An, Xí nghiệp Truyền dẫn nước sạch trong vận hành sản xuất nước, điều chỉnh công suất phát nước theo yêu cầu của Sawaco nhằm đảm bảo điều hòa áp lực nước trên mạng.
Ngoài ra, nhà máy còn là trung tâm điều phối khi thực hiện tiếp nhận nước từ Công ty cổ phần Cấp nước Kênh Đông, phối hợp Công ty cổ phần Đầu tư nước Tân Hiệp điều hòa áp lực và lưu lượng cung cấp nước cho các nơi.
Ứng dụng khoa học - công nghệ nâng chất lượng nước
Trong những năm gần đây, chất lượng nước đầu vào từ sông Sài Gòn diễn biến phức tạp, khó xử lý, mùa khô nước bị nhiễm mặn vượt quy chuẩn. Thực tế này đòi hỏi Nhà máy nước Tân Hiệp phải điều chỉnh quy trình công nghệ, thay đổi vị trí và nồng độ châm hóa chất, để đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng nước đạt tiêu chuẩn.
Ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng giám đốc Sawaco, cho biết đội ngũ kỹ sư, công nhân tại Nhà máy nước Tân Hiệp đã nghiên cứu, cải tiến công nghệ, ứng dụng các sáng kiến cải tiến.
Nhờ ứng dụng khoa học - công nghệ mà chất lượng nước sản xuất luôn đạt chuẩn, đặc biệt các chỉ tiêu về sắt, mangan trong nước đo được từ đầu ra tại nhà máy luôn thấp hơn rất nhiều so với ngưỡng tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế.
Theo ông Bùi Thanh Giang, việc thúc đẩy phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ được Sawaco và các đơn vị thành viên đặc biệt quan tâm. Riêng tại Nhà máy nước Tân Hiệp, công tác đầu tư đổi mới công nghệ và phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật luôn được đặt lên hàng đầu.
“Từ yêu cầu công việc và trang thiết bị có những bất cập, đòi hỏi người lao động phải có những cải tiến để nâng cao chất lượng cũng như công tác vận hành nhà máy. Bên cạnh đó, sự động viên, khuyến khích, khen thưởng kịp thời của lãnh đạo nhà máy cũng là nguồn động viên phong trào sáng kiến tại đơn vị”, ông Giang chia sẻ.
Chính từ các sáng kiến cải tiến của người lao động đã giúp nhà máy đảm bảo sản xuất nước an toàn, liên tục đạt sản lượng theo kế hoạch.
Ông Bùi Thanh Giang cho rằng, trong tương lai, nhà máy cần đầu tư về công nghệ để sẵn sàng xử lý khi nguồn nước xấu hơn. Bên cạnh đó, cũng cần hiện đại hóa công tác điều hành. Sawaco sẽ tham mưu lãnh đạo thành phố để có bước xử lý triệt để nhằm đảm bảo an toàn nguồn nước sông Sài Gòn.
Ngoài ra, để đối phó với việc nguồn nước sông Sài Gòn ngày càng ô nhiễm và nhiễm mặn vào mùa khô, nhà máy cần triển khai nghiên cứu thực hiện phương án khai thác nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng, hoặc di dời điểm lấy nước lên cao phía thượng nguồn và bổ sung bể dự trữ nước thô.
Để Nhà máy nước Tân Hiệp hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu đặt ra, điều cốt lõi, quan trọng chính là sự đoàn kết của tập thể người lao động tại đây. Hiểu người lao động là vốn quý làm nên thành công của Tân Hiệp, ban giám đốc cùng ban chấp hành công đoàn nhà máy luôn có sự chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho anh em công nhân lao động. Nhờ đó giúp người lao động an tâm làm việc, cống hiến hết mình vì sự phát triển của nhà máy. |