Kỳ tích hầm Hải Vân

Những ai có dịp đi trên tuyến quốc lộ 1A khu vực miền Trung, không khỏi rùng mình khi nghe đến câu: “Đi bộ thì khiếp Hải Vân. Đi thuyền thì khiếp sóng thần Hang Dơi”. Nhưng bắt đầu từ ngày 5-6-2005, câu ca ấy đã vĩnh viễn trở thành quá khứ. Sau hơn 1.600 ngày đêm nằm sương đội gió, vượt mọi khó khăn, thử thách, lao động không biết mệt mỏi của các lực lượng thi công trên công trình, hầm đường bộ Hải Vân được khánh thành và đưa vào hoạt động, bỏ lại sau lưng hơn 21km đường đèo quanh co nguy hiểm.
Kỳ tích hầm Hải Vân

Những ai có dịp đi trên tuyến quốc lộ 1A khu vực miền Trung, không khỏi rùng mình khi nghe đến câu: “Đi bộ thì khiếp Hải Vân. Đi thuyền thì khiếp sóng thần Hang Dơi”. Nhưng bắt đầu từ ngày 5-6-2005, câu ca ấy đã vĩnh viễn trở thành quá khứ. Sau hơn 1.600 ngày đêm nằm sương đội gió, vượt mọi khó khăn, thử thách, lao động không biết mệt mỏi của các lực lượng thi công trên công trình, hầm đường bộ Hải Vân được khánh thành và đưa vào hoạt động, bỏ lại sau lưng hơn 21km đường đèo quanh co nguy hiểm.

Qua Ải Vân quan

Dãy núi hiểm trở cắt ngang đất nước từ biên giới phía Tây đến tận sát bờ biển Đông - đó là đèo Hải Vân (hay còn gọi là Ải Vân quan). Được mệnh danh là “Đệ nhất hùng quan”, Hải Vân có sức hút kỳ lạ. Những cung đường đèo quanh co, khúc khuỷu men theo triền núi, uốn lượn như dải lụa vắt ngang giữa trời mây, ẩn hiện giữa cây rừng, đá núi như là bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ.

Toàn cảnh hầm Hải Vân.

Là ranh giới tự nhiên giữa Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng, có chiều dài 21km, hơn 700 năm qua, nhiều câu chuyện truyền miệng của cư dân trong vùng còn kể rằng khi chúa Nguyễn Hoàng trấn giữ đất Quảng Nam, đường qua đèo Hải Vân rất ít người dám đi lại bởi một bên là núi cao hiểm trở với những vách đá dựng đứng, một bên là biển sâu thăm thẳm. Đây là nơi cư ngụ của những loài thú dữ và bọn lục lâm thảo khấu.

Suốt mấy chục năm nay, cả hai ông Nguyễn Sinh (72 tuổi) và ông Lê Văn Định (70 tuổi) ở phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) dựng một túp lều lá nơi lưng chừng đèo Hải Vân để “tận tụy” với công việc bơm, vá những chiếc xe hư hỏng giữa đường. Mỗi khi vắng khách, cả hai ông lại lọ mọ quét dọn và hương khói cho những khóm thờ những người không may tử nạn được dựng lên ven đường.

Ông Sinh bảo bây giờ có hầm Hải Vân nên công việc “nhàn nhã”, chứ thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước trở về trước, hai ông làm không hết việc. Vừa dứt tay sửa chữa xe máy lại nhào đến cứu người trong tai nạn. Những ngày đầu gắn bó với đèo Hải Vân, hình ảnh những người chết, bị thương do lật xe, va chạm trên đèo cứ ám ảnh. Nhiều đêm, ông không thể nào ngủ được khi cứ nhắm mắt là những hình ảnh thương tâm đó lại hiện về.

Không chỉ ám ảnh về tai nạn giao thông, đèo Hải Vân còn là hiểm họa mỗi khi miền Trung bước vào mùa mưa bão. Những tảng đá, đất hàng ngàn mét khối bị sụt trượt chắn ngang đường; hàng ngàn gốc thông, bạch đàn và các loại cây rừng nguyên sinh khác bị gió bão quật gãy ngang dọc như cài răng lược trên mặt đường khiến giao thông bị chia cắt, tắc nghẽn hàng tháng trời gây nên thiệt hại về kinh tế là không thể ước tính…

Bản lĩnh những người thợ Việt Nam

Chúng tôi gặp lại những người dân tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) để nghe họ kể về khoảnh khoắc lịch sử của buổi sáng mùa thu năm 2000, khi đích thân Thủ tướng Phan Văn Khải nhấn nút phát lệnh khởi công hầm đường bộ qua đèo Hải Vân.

Ông Nguyễn Văn Bổng (84 tuổi) bảo rằng có hình dung cả đời ông cũng không dám nghĩ có một ngày lại có thể đào được đường hầm dưới ngọn núi cao sừng sững và dài ngoằn ngoèo kia. Và rồi, chính ông đã ngỡ ngàng khi mà tháng 4-2001, khi rượu được tưới lên vách núi, điểm khoan đầu tiên cắm sâu vào lòng núi tại Hói Thương (phía Bắc) do liên danh nhà thầu HAZAMA (Nhật Bản) - Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Việt Nam) và ở phía Nam do liên danh Công ty Xây dựng DONG Ah (Hàn Quốc) - Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà (Việt Nam) chính thức mở các mũi “tấn công”.

Công việc đang đi vào đường găng tiến độ thì 5 tháng sau ngày khởi công, bất ngờ xuất hiện sự cố đầu tiên: sạt lở đoạn đầu đường hầm phía Nam, một tảng đá mồ côi nặng hơn 20 tấn cùng với hơn 600m3 đất đá rơi xuống lòng hầm, tạo một lỗ hổng dài 6m trên nóc hầm chính. Chỗ đất lún sụt tạo thành hang hình ống thông lên mái dốc có đường kính rộng khoảng 3m, hang lún sụt rộng trên 100m². Một xe phun bê tông chuyên dụng đã bị tống ra khỏi cửa hầm, may mắn không công nhân nào thiệt mạng.

Các chuyên gia nước ngoài, do không tin khả năng xử lý nền đất yếu của Tổng Công ty Sông Đà nên chủ đầu tư Việt Nam buộc phải thuê Công ty Kend Tunneling Hồng Công khắc phục với giá 1 triệu USD. Sau hơn 1 tuần triển khai, Công ty Kend Tunneling đã chào thua và tức tốc rút. Tổng Công ty Sông Đà được mời vào cuộc.

Nhóm kỹ sư trẻ của Công ty Sông Đà 10 do anh Hoàng Ngọc Tú dẫn đầu được giao trọng trách hết sức nặng nề này. Kỹ sư Hoàng Ngọc Tú nhớ lại: Sau 4 tháng nỗ lực, khai đào và chống đỡ phần hầm chính gặp đất đã thành công, tiết kiệm hơn 1/3 chi phí (chỉ tốn 300.000 USD so với 1 triệu USD, chưa kể khoản vật liệu chỉ 12 tỷ đồng so với 2 triệu USD mà công ty Hồng Công yêu cầu).

Sự cố phía Nam vừa khắc phục xong thì đến phía Bắc đối diện với thách thức khi mà tháng 3-2002 lại có sự cố mạch nước ngầm tại hầm thông gió. Thử thách lần này được giao cho kỹ sư Nguyễn Vũ Anh Tú (Khoa Cầu đường Trường Đại học Bách khoa TPHCM) khi đó là giám đốc điều hành dự án của Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 6 tại hầm đường bộ Hải Vân.

Nhắc lại việc xử lý sự cố, kỹ sư Tú cho biết anh và hơn 10 kỹ sư trẻ có mặt tại đây đã dùng biện pháp bơm hút để công nhân tiếp tục khoan đào. Sau đó gia cố bằng cách bơm thẳng vữa hóa chất vào tận “hang ổ” mạch nước ngầm và xử lý thành công một số vị trí triền đứt gãy. Sự cố được xử lý xong, nhóm kỹ sư của Nguyễn Vũ Anh Tú được HAZAMA cấp chứng chỉ thi công hầm.

Bản lĩnh trong xử lý tình xuống khẩn cấp, những người thợ cầu đường hầm Việt Nam tại dự án hầm Hải Vân cũng là những người đầu tiên tiếp cận công nghệ thi công với công nghệ cực kỳ hiện đại và phức tạp của Áo, viết tắt NATM (New Austrian Tunneling Method). Công nghệ NATM được áp dụng cho việc đào hầm bằng phương pháp khoan nổ, được chống đỡ bằng néo kết hợp với bê tông phun... Từ dự án hầm Hải Vân, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong số các nước đang phát triển đã mạnh dạn áp dụng công nghệ đào hầm NATM vào thi công các công trình hầm trong giao thông, thu được hiệu quả cao và tiết kiệm chi phí.

Sau hơn 36 tháng thi công, bằng phương pháp định vị qua vệ tinh GPS, việc khoan đào hầm đạt
tiến độ dự định để đến trưa ngày 30-10-2003, loạt mìn 100 kíp với 400kg thuốc nổ đã phá thủng đoạn hầm chính giáp mối giữa 2 mũi thi công Bắc - Nam, mở thông hầm đường bộ Hải Vân với độ chính xác cao, chỉ lệch nhau 2,5cm, trong khi chỉ số sai số cho phép là 10cm.

Rượu sakê lại được tưới lên vách hầm, sâm banh bật nút ghi dấu niềm vui của những người lao động trước thành quả đầy nỗ lực. Đối với họ, đường hầm qua đèo Hải Vân không chỉ là một kỳ tích; ở đó còn là trường đại học trong lòng núi mà họ là những sinh viên xuất sắc. Sau hơn 1.600 ngày đêm nằm sương đội gió, vượt mọi khó khăn, thử thách, lao động không biết mệt mỏi của các lực lượng thi công trên công trình, hầm đường bộ Hải Vân được chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động ngày 5-6-2005.

Hàng triệu lượt xe qua hầm an toàn

Kể từ đó, tuyến đường đèo “Hải Vân thăm thẳm huyệt đêm ngày” với hơn 200 khúc cua có độ dốc tới 11 độ (trong đó có 20 đoạn cua khuỷu tay hết sức nguy hiểm), mỗi năm xảy ra hàng trăm vụ tai nạn thương tâm cho lái xe và khách đi đường đã trở thành con đường của lịch sử, con đường của kỷ niệm.

Dưới chân núi ấy, hầm Hải Vân đảm nhận nhiệm vụ thông suốt tuyến quốc lộ 1A trên hành trình tăng tốc của nước Việt Nam công nghiệp. Phó Tổng giám đốc Công ty CP Quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân (HAMADECO) Cao Bá Giang cho biết, sau 10 năm vận hành, hầm Hải Vân đã đảm bảo cho hơn 15 triệu lượt xe qua hầm an toàn. Cứu hộ, chữa cháy kịp thời cho 43 ô tô tự bốc cháy, thực hiện cứu hộ gần 10.000 ô tô bị hỏng trong hầm, chưa để gây ách tắc hầm do chủ quan gây ra…

Là công trình hầm đường bộ đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam, khi đưa vào vận hành chưa có hồ sơ, mô hình nào để HAMADECO áp dụng trong khi hồ sơ nhà thầu chuyển giao chủ yếu bảo dưỡng hệ thống. Vậy là đội ngũ vận hành và khai thác công trình đã đến các các hầm ở Pháp để tham quan, thu thập tư liệu từ các kênh để soạn thảo ra bộ quy trình vận hành, vừa khai thác vừa điều chỉnh, hiệu chỉnh phù hợp an toàn đến ngày nay.

Điều may mắn cho HAMADECO theo ông Giang là để xây dựng được bộ quy trình, khi dự án đang thi công, Bộ GTVT đã cho phép thành lập đơn vị quản lý vận hành trước 2 năm gồm 65 cán bộ nòng cốt “cắm” vào các nhà thầu, đơn vị thi công để “theo dõi” nắm bắt từng hạng mục dự án… Vì vậy, khi khánh thành và đưa vào sử dụng, HAMADECO đã tiếp cận được ngay tài liệu ban đầu nên khi nhận bàn giao là vận hành được ngay, không thuê bất kỳ chuyên gia nước ngoài nào.

Trong 65 người này sau đó lại được chia làm 2 nhóm đào tạo chuyên sâu tại Nhật Bản để tiếp nhận vận hành hệ thống thông gió và đến Phần Lan tiếp nhận hệ thống tự động hóa điều khiển giao thông. Những ngày đầu năm 2015, ông Giang khoe đang tiếp đoàn cán bộ Cục Đường bộ Nepal đến học hỏi quản lý dự án làm hầm, hệ thống dữ liệu và công tác vận hành từ Hamadeco để áp dụng vào nước bạn. Bên cạnh đó, từ thực tiễn của mình, HAMADECO đã tư vấn, hỗ trợ kinh nghiệm quản lý cho những dự án hầm đường bộ đang được xây dựng như Phước Tượng, Phú Gia (Thừa Thiên - Huế), đèo Cả (Phú Yên)…

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục