Hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt
Khi Việt Nam ghi nhận những bệnh nhân mắc Covid-19 đầu tiên, Chính phủ đã nhanh chóng quyết định cách ly 14 ngày đối với tất cả người về Việt Nam từ vùng dịch; chi phí thực hiện cách ly hoàn toàn do ngân sách chi trả. Cùng với đó, cách ly toàn bộ các trường hợp nghi ngờ, các khu vực có người mắc. Đây có thể là là lần đầu tiên một lệnh cách ly được ban bố rộng khắp và khẩn cấp như vậy. Điều đó đặt một gánh nặng rất lớn lên vai các bộ, ngành, chính quyền địa phương, khi phải chuẩn bị cơ sở, địa điểm, nhân lực phục vụ thực hiện cách ly.
Chỉ riêng về chi phí, theo quy định, một người cần cách ly được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/ngày, được cấp miễn phí nước uống, khăn mặt, khẩu trang và một số vật dụng thiết yếu khác với tổng trị giá 40.000 đồng/ngày, chưa tính chi phí xét nghiệm. Với số lượng người phải cách ly lớn, kéo dài đã gây áp lực đối với “hầu bao” quốc gia, vốn đang được san sẻ cho nhiều nhu cầu phát triển khác. Nhưng như chia sẻ của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, giai đoạn cao điểm, Thường trực Chính phủ họp 2-3 lần/tuần để chỉ đạo công tác phòng, chống dịch. Trong đó, quan điểm xuyên suốt là chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân.
Mà không chỉ với người dân trong nước, quan điểm ấy còn hướng đến đồng bào ta ở nước ngoài, được cụ thể hóa bằng chính sách đón công dân Việt Nam từ các vùng dịch về nước an toàn. Theo TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, WHO và các tổ chức quốc tế tôn trọng quyết định rất đặc biệt này của Việt Nam. Việc này làm cho tổng số ca mắc ghi nhận tại Việt Nam tăng nhanh nhưng không vì thế làm thay đổi kết quả, thành công trong công tác chống dịch của Việt Nam. Điều đó cũng chứng tỏ chính sách nhân đạo của Chính phủ Việt Nam, củng cố niềm tin của người dân với chính quyền. Tính đến thời điểm cuối tháng 9, Việt Nam đã tổ chức gần 300 chuyến bay đặc biệt đón khoảng 50.000 công dân Việt Nam về nước tránh dịch. Con số này sẽ tiếp tục được nối dài thêm trong thời gian tới nếu nhu cầu về nước của công dân Việt Nam vẫn còn.
Ông Bùi Văn Phương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, cho rằng, quan điểm chỉ đạo của Đảng là vì dân, coi lợi ích, mạng sống của người dân lên trên hết chính là đường hướng quan trọng trong chỉ đạo điều hành. Phải từ quan điểm như thế mới ra được hàng loạt các chính sách được lòng dân, trong đó, an sinh xã hội là quan trọng hàng đầu. Điển hình, Chính phủ đã khẩn trương báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước khoảng 36.000 tỷ đồng.
"Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động mạnh tới toàn cầu, Việt Nam nổi lên như là một ngoại lệ nhờ thành công lớn trong việc kiểm soát và xử lý dịch bệnh" - Ông JACQUES MORISSET Chuyên gia kinh tế trưởng của WB Việt Nam |
Chuyển trọng tâm với “mục tiêu kép”
Khi tình hình dịch trong nước bước đầu được kiểm soát, Chính phủ đã nhanh chóng chuyển trọng tâm thực hiện “mục tiêu kép” (vừa khôi phục, phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch hiệu quả) để kinh tế không bị suy thoái, người dân không bị dịch làm cho đói nghèo. Còn nhớ chiều 15-4, cả nước, đặc biệt là các doanh nghiệp rất hồi hộp chờ quyết định của người đứng đầu Chính phủ về việc tiếp tục hay nới lỏng giãn cách xã hội. Thủ tướng khi đó thẳng thắn cho biết đây là quyết định khó khăn, bởi nhiều ý kiến mong chờ “tháo ngòi” Chỉ thị 16 để tiếp tục làm ăn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, Thủ tướng vẫn yêu cầu 28 tỉnh, thành phố “nguy cơ cao” và “nguy cơ” lây nhiễm tiếp tục cách ly xã hội.
Một tuần sau, Thủ tướng đã quyết định cả nước chuyển sang giai đoạn chống dịch mới: nới lỏng các biện pháp hạn chế, từng bước khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, đó là bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản trị quốc gia trong những lúc khó khăn, thách thức hay yêu cầu đổi mới về tư duy phát triển kinh tế, ứng phó thảm họa. Đảng và Nhà nước đã có những chính sách kịp thời để từng bước hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn.
Phát huy kinh nghiệm ứng phó dịch có được từ đợt 1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định tình hình dịch trong đợt 2 khác xa so với đợt trước: Lần này người dân bình tĩnh hơn; cấp ủy, chính quyền các địa phương, ngành y tế chỉ đạo bài bản hơn. Thực tế, ở đợt dịch thứ 2, vẫn lại là những việc mà chúng ta đã làm như lúc trước nhưng với quy mô cục bộ: chỉ phong tỏa TP Đà Nẵng, một phần tỉnh Quảng Nam cùng một số khu vực ở các địa phương xác định ca mắc mới. Trong khi đó, tình hình thị trường, giá cả được đảm bảo ổn định, không có nạn đầu cơ, tích trữ, khan hiếm hàng hóa xảy ra; càng không có chuyện giãn cách xã hội ồ ạt, ngăn sông cấm chợ. Và sau gần 2 tháng, đến đầu tháng 9-2020, các chuyến bay đến và đi tại Đà Nẵng đã được tái hoạt động; cuộc sống của người dân trở lại với nhịp sống bình thường.
Chính nhờ sự kiên quyết và linh hoạt, đến thời điểm này, có thể nói chúng ta đã kiểm soát tốt, phòng chống hiệu quả cả 2 đợt dịch, dành mọi nguồn lực tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới đây khẳng định, Việt Nam sẽ là nền kinh tế duy nhất ở khu vực đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020. Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương ở mức 1,8% trong năm 2020 và gia tăng ở mức 6,3% trong năm 2021. Ngân hàng Thế giới (WB) thì nhận định, Việt Nam sẽ là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm nay. Kết quả đó càng minh chứng Việt Nam là một trong số ít quốc gia ứng phó hiệu quả với đại dịch, được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao.
Ở đợt dịch thứ 2, ngay sau khi có thông tin ca nhiễm ở Đà Nẵng, với quyết tâm đảm bảo tốt nhất sức khỏe của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất ca tử vong, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế cử tất cả các đội tinh nhuệ nhất từ các bệnh viện lớn của TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng chi viện cho Đà Nẵng. Tất cả các trang thiết bị cần thiết đều được đưa vào tâm dịch để phục vụ điều trị. |