Ngành Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp – KTHTCN là ngành học mới mở đầu tiên ở Việt Nam từ năm 1999 tại Trường Đại học Bách khoa TPHCM, đào tạo kỹ sư KT-HTCN có các khả năng: Điều hành các hệ thống công nghiệp trong sản xuất và dịch vụ; thiết kế mới các hệ thống công nghiệp trong sản xuất và dịch vụ; phát hiện, mô hình hóa, tìm lời giải và đề xuất các thay đổi cần thiết để cải tiến hệ thống công nghiệp; phân tích, đánh giá, mô hình hóa và hỗ trợ ra quyết định cho các cấp quản lý.
Tất cả các môn học chuyên ngành đều sử dụng giáo trình là sách chuyên ngành bằng tiếng Anh phục vụ giảng dạy ngành KTHTCN ở các trường nổi tiếng trên thế giới. Sinh viên tốt nghiệp có thể công tác ở nhiều cơ quan, nhà máy, công ty, phòng thí nghiệm, văn phòng, trường đại học, viện nghiên cứu khác nhau.
Trong lĩnh vực công nghiệp: Kỹ sư KTHTCN có thể làm việc trong các xí nghiệp dệt, may xuất khẩu, các nhà máy liên doanh lắp ráp thiết bị điện tử, xe hơi, sản xuất hàng dân dụng, công nghiệp, các công ty thương mại, công ty xây dựng, cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng...
Trong lĩnh vực dịch vụ, kỹ sư KTHTCN làm việc ở bộ phận kế hoạch, điều độ ở các công ty dịch vụ, công ty hậu cần, công ty outsorcing... Theo thống kê của Trường ĐH Bách khoa, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp khoa này làm việc trong các công ty liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài rất cao. Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đến nay là 115/115 (100%).
- Nhiều trường đại học và cao đẳng có đào tạo ngành viễn thông, vậy chuyên ngành này của Trường ĐHKHTN có gì khác với các trường khác không? (nguyenthinhuquyen @yahoo.com)
- Chuyên ngành Viễn thông chuyên về truyền thông dữ liệu và truyền thông di động. Đây là 1 trong 3 chuyên ngành đặc trưng của ngành Điện tử - Viễn thông của Trường ĐHKHTN. Nội dung mang tính hiện đại và thực tế, chương trình không trùng lặp với các trường khác.
- Trường CĐ BC Hoa Sen đào tạo ngành công nghệ thông tin như thế nào, khi ra trường khả năng có việc làm cao không? (brightlightsolid@gmail.com)
- Ngành Công nghệ thông tin của CĐ Bán công Hoa Sen đào tạo cử nhân cao đẳng CNTT, có khả năng phân tích, thiết kế, lập trình để xây dựng hệ thống thông tin học hóa cho các tổ chức; sử dụng công nghệ web để phát triển ứng dụng trên môi trường Internet/Intranet; quản trị cơ sở dữ liệu…
Ngoài phần kiến thức chung của hệ CĐ, sinh viên theo học ngành này còn được cung cấp thêm kiến thức về tin học, kiến thức về quản lý; kiến thức về ngoại ngữ. Sinh viên tốt nghiệp có khả năng làm việc trong các tổ chức, công ty… có sử dụng máy tính. Tham gia phân tích, lập trình và điều hành, khai thác các hệ chương trình quản lý, cơ sở dữ liệu tại cơ quan; các công ty phần mềm, các công ty triển khai dự án mạng…
Bạn đọc có thắc mắc xin gửi thư về địa chỉ: giaoduc@ sggp.org.vn.
NHÓM PVGD