Công tác tổ chức yêu cầu cao hơn
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) Huỳnh Văn Chương, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều điểm mới. Trong đó, điểm mới nổi bật đầu tiên là giảm số lượng buổi thi từ 4 buổi xuống còn 3. Thứ hai, đề thi được ra theo hướng đánh giá năng lực học sinh, có các môn thi mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, riêng môn Ngữ văn có thể chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Thứ ba, công tác tổ chức thi đẩy mạnh chuyển đổi số, 100% thí sinh đăng ký dự thi qua hệ thống trực tuyến.

Thứ tư, kỳ thi tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập 3 năm ở cấp THPT của học sinh vào xét công nhận tốt nghiệp từ 30% lên 50%. Thứ năm, thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ được miễn thi ngoại ngữ nhưng không quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. Thứ sáu, toàn bộ quy trình coi thi, chấm thi được điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với phương án tổ chức thi mới. “Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn từng khâu tổ chức kỳ thi cho các địa phương theo tinh thần “cầm tay chỉ việc”, có dự báo một số khó khăn, rủi ro có thể phát sinh nhằm giúp các địa phương chủ động bố trí phương án ứng phó khi cần thiết”, Cục trường Huỳnh Văn Chương cho biết.
Về phía các địa phương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc nêu thực tế, TPHCM là một trong những địa phương có số lượng thí sinh tham gia dự thi tốt nghiệp THPT lớn nhất cả nước, trong đó chỉ tính riêng thí sinh tự do đã lên đến gần 10.000 thí sinh. Năm nay, kỳ thi được tổ chức trong bối cảnh chuyển tiếp giữa 2 chương trình GDPT, do đó thí sinh tự do có thể lựa chọn đăng ký thi theo chương trình GDPT 2006 hay chương trình GDPT 2018. Tất cả các khâu từ in sao đề thi, bố trí thí sinh trong phòng thi, huy động cán bộ coi thi, phát mã đề thi, chấm thi đều phải tính toán phương án cho 2 nhóm thí sinh thi theo 2 chương trình khác nhau. Yêu cầu đó đòi hỏi đội ngũ nhân lực thực hiện cũng như trang thiết bị kỹ thuật đi kèm phải hùng hậu hơn, dự phòng các tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
- Ông TRẦN ĐÌNH CHUNG, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an):
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 diễn ra trong bối cảnh cả nước đang thực hiện sắp xếp bộ máy quản lý hành chính, trong đó không tổ chức hoạt động hành chính cấp huyện. Do đó, năm nay, lực lượng trực tiếp phụ trách công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi tập trung đầu mối về Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an.
Để đảm bảo an toàn cho kỳ thi, Cục An ninh chính trị nội bộ đề nghị ngành giáo dục sớm ban hành quy định về xây dựng ngân hàng câu hỏi ra đề thi, hạn chế tối đa nguy cơ can thiệp dẫn đến lộ, lọt đề thi; ban hành quy trình vận chuyển đề thi, tổ chức tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ phụ trách nhằm hạn chế tối đa sai sót. Song song đó, các địa phương tổ chức tập huấn chuyên sâu cho cán bộ, giáo viên về những điểm mới liên quan đến yêu cầu đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi, quan tâm việc phát hiện thiết bị gian lận công nghệ cao; chủ động nghiên cứu các phương án tổ chức thanh tra, kiểm tra; phối hợp nghiệp vụ với Bộ Công an xây dựng quy chế phối hợp mới đảm bảo yêu cầu an toàn cho kỳ thi.
Ở góc độ khác, bà Lê Thị Thanh Xuân, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, cho rằng, kỳ thi diễn ra trong bối cảnh cả nước đang thực hiện sắp xếp bộ máy quản lý hành chính nên biến động rất nhiều về nhân sự, đồng thời gây xáo trộn tâm tư đội ngũ nhà giáo. Do là kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo chương trình mới nên đòi hỏi nhiều yêu cầu mới và khó hơn so với kỳ thi các năm trước. Trong bối cảnh đó, để giữ vững chất lượng tổ chức kỳ thi, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau Tạ Thanh Vũ nhận định, từ công tác chỉ đạo đến phân công nhiệm vụ cho từng bộ phận đều không được lơ là, phải rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, nếu không sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi thí sinh, gây mất niềm tin trong xã hội.
Đề cao tinh thần trách nhiệm của địa phương
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các địa phương trong việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Trong đó, các khâu chuẩn bị đã được triển khai từ khá sớm, huy động sự tham gia của nhiều lực lượng có liên quan nhằm đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, công bằng, hiệu quả, đúng quy chế, đồng thời giảm áp lực, tốn kém cho xã hội, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho thí sinh, giáo viên và các lực lượng tham gia kỳ thi. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương chỉ đạo 100% đơn vị trường học tổ chức các kỳ thi thử nhằm giúp học sinh và giáo viên làm quen với cách thức tổ chức thi mới, đồng thời sử dụng kết quả thi thử để đánh giá kết quả dạy và học, phân loại học sinh.

Bên cạnh công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc tổ chức dạy học, ôn tập đối với học sinh lớp 12. “Địa phương nào cho rằng Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm khiến chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT giảm xuống là hết sức sai lầm, chưa hoàn thành trách nhiệm dạy và học đối với phụ huynh, học sinh. Bộ GD-ĐT dự kiến năm 2026, kỳ thi sẽ diễn ra sớm hơn, sau khi kết thúc năm học là diễn ra kỳ thi tốt nghiệp trên tinh thần nhẹ nhàng, không gây áp lực cho học sinh, giáo viên”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT thông tin.
Tại hội nghị tập huấn, đại diện Sở GD-ĐT TP Hà Nội và Sở GD-ĐT TPHCM đề nghị Bộ GD-ĐT có phương án tổ chức linh hoạt cho các địa phương có số lượng thí sinh dự thi lớn. Trong đó, đại diện Sở GD-ĐT TP Hà Nội thông tin, năm nay, địa phương có khoảng 126.000 thí sinh đăng ký dự thi, tăng 17.000 em so với năm ngoái. Thành phố đã huy động 16.000 người tham gia công tác coi thi. Do số lượng thí sinh dự thi lớn, phần lớn thí sinh tự do đăng ký dự thi vào những ngày cuối gây áp lực cho đội ngũ phụ trách, công tác sắp xếp phòng thi khá vất vả. Đặc biệt, trong công tác in sao đề thi, năm ngoái, TP Hà Nội có 11 ngày in sao đề thi nhưng mọi việc rất gấp gáp. Từ thực tế đó, Sở GD-ĐT Hà Nội đề xuất được cung cấp đề thi sớm hơn 2 ngày so với các địa phương khác để có thời gian chuẩn bị.
Tương tự, tại TPHCM, số lượng thí sinh đăng ký dự thi chương trình GDPT 2006 khá lớn, dẫn đến áp lực cho khâu tổ chức. Sở GD-ĐT TPHCM kiến nghị Bộ GD-ĐT ưu tiên chuyển đề thi cho học sinh thi theo chương trình GDPT 2018 trước rồi mới đến đề thi theo chương trình GDPT 2006 để tránh nhầm lẫn trong công tác in sao và phân phối đề thi. Ngoài ra, do có số lượng thí sinh lớn thứ hai cả nước, TPHCM phải huy động số lượng lớn máy móc, trang thiết bị kỹ thuật để phục vụ công tác in sao đề thi. Do đó, Sở GD-ĐT TPHCM đề nghị được linh hoạt bố trí thêm nhân sự kỹ thuật đề phòng trường hợp máy móc bị hỏng hóc trong quá trình thực hiện.
- Từ ngày 15 đến 18-4, thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT thử trên hệ thống.
- Từ ngày 21 đến 28-4, thí sinh chính thức đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến.
- Trong 2 ngày 26 và 27-6, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đồng loạt diễn ra tại 63 tỉnh, thành trên cả nước.
- Ngày 16-7, Bộ GD-ĐT công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh sử dụng kết quả này để được công nhận xét tốt nghiệp THPT, đồng thời làm cơ sở tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 dự kiến có hơn 1,1 triệu thí sinh tham gia dự thi, chưa tính thí sinh tự do.