PGS-TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT báo cáo tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã nhấn mạnh đến công tác in sao, vận chuyển đề thi; phòng chống gian lận công nghệ cao… Những khâu này cần được làm tốt trong kỳ thi tuyển sinh năm 2024 cũng như các năm tới.
Qua phân tích phổ điểm cho thấy, phổ điểm năm 2023 cùng hai năm trước tương đối ổn định. Điều này nói lên việc ra đề của Bộ GD-ĐT khá chắc chắn, tạo sự ổn định cho xã hội, cho học sinh, phụ huynh cũng như công tác xét tuyển vào đại học. Các môn Toán, Vật lý, Hóa học phổ điểm không thay đổi so với các năm trước. Môn Giáo dục công dân có nhiều điểm khá giỏi thể hiện năng lực của học sinh, sự quan tâm đến xã hội và hiểu biết về giáo dục công dân của học sinh đã tốt hơn.
Hội nghị tổng kết công tác thi tốt nghiệp THPT 2023, triển khai công tác thi tốt nghiệp THPT 2024 |
Từ kết quả kỳ thi cho thấy, kỳ thi ổn định và dần dần đã có những cải tiến để tốt hơn. Bộ GD-ĐT cho rằng, đây là kỳ thi đáng tin cậy nhất trong thời điểm hiện tại để các trường đại học tin tưởng dùng kết quả để xét tuyển. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn quốc năm 2023 là 98,88%.
Những hạn chế, bất cập của kỳ thi được PGS-TS Huỳnh Văn Chương nêu ra để khắc phục trong thời gian tới là trong quá trình coi thi, còn một số thí sinh cố tình vi phạm quy chế thi (sử dụng điện thoại trong khu vực thi) và một số giáo viên chưa thực hiện đúng, đủ quy trình khi coi thi; việc điều động giảng viên, giáo viên thực hiện nhiệm vụ quốc gia trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, ra đề thi còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến công tác ra đề thi và xây dựng ngân hàng câu hỏi thi; một số Sở GD-ĐT chưa thực sự chủ động xử lý công việc thuộc thẩm quyền, vẫn còn tình trạng xin ý kiến Bộ GD-ĐT những công việc thuộc phạm vi và thẩm quyền của các Sở GD-ĐT.
Theo PGS-TS Huỳnh Văn Chương, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023 về hình thức tổ chức, mô hình kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ vẫn giữ ổn định trong năm 2024. Tuy nhiên, kỳ thi năm 2024 sẽ có một vài điều chỉnh về mặt kỹ thuật để khắc phục các hạn chế bất cập của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
PGS-TS Huỳnh Văn Chương cũng công bố nội dung bước đầu của phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025. Theo đó, mục đích tổ chức thi là nhằm đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở GDPT và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 |
Về môn thi, tổ chức thi theo môn gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Trong đó, có một số môn bắt buộc và một số môn lựa chọn.
Nội dung thi bám sát mục tiêu của chương trình GDPT 2018, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với quy định và lộ trình triển khai chương trình GDPT 2018. Hình thức thi môn Ngữ văn theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.
Về thời gian tổ chức thi, Bộ GD-ĐT quy định khung thời gian tổ chức thi (lịch thi chung), phù hợp với kế hoạch thời gian năm học để bảo đảm thống nhất trong cả nước, nhưng sẽ tập trung vào tháng 6, khoảng từ 20-6 đến 30-6. Phương thức xét công nhận tốt nghiệp là kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp.
Về phương thức tổ chức thi và lộ trình thực hiện, giai đoạn 2025 - 2030, giữ ổn định phương thức thi trên giấy; đồng thời tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Giai đoạn sau 2030, phấn đấu để đến khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện để tổ chức thi trên máy tính sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.
Về phân cấp, phân quyền tổ chức thi, Bộ GD-ĐT chỉ đạo chung, ban hành quy chế và hướng dẫn tổ chức kỳ thi; xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi cung cấp cho các địa phương tổ chức thi; quy định lịch thi chung; thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT. Các địa phương chỉ đạo, tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT; thanh tra, kiểm tra, giám sát tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương theo lịch thi chung của Bộ GD-ĐT.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, một nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025 là chuẩn bị, bồi dưỡng lực lượng tham gia làm đề thi.
Phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025 sẽ được Bộ GD-ĐT công bố trong thời gian sớm nhất.