Xử lý nghiêm việc lan truyền thông tin sai lệch
Báo cáo về công tác chuẩn bị cho kỳ thi đến thời điểm hiện tại, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho biết, tổng số thí sinh đăng ký dự thi năm nay là 1.071.393 (tăng hơn 45.000 thí sinh so với kỳ thi năm 2023). Số thí sinh đăng ký miễn thi môn Ngoại ngữ là 66.927 em, chiếm 6,25% tổng số thí sinh. Tổng số điểm thi trên toàn quốc là 2.323 (tăng 51 điểm thi so với kỳ thi năm 2023); tổng số phòng thi là 45.149.
Tại hội nghị, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, thông tin, quá trình kiểm tra cho thấy, các địa phương vẫn còn nhiều vướng mắc như: phòng để đồ dùng của thí sinh chưa bảo đảm cách xa phòng thi ít nhất 25m; một số phòng thi còn tiếp giáp với đường hoặc khu dân cư, nên cần chú trọng tăng cường an ninh, an toàn vòng ngoài; kỹ năng phát hiện thiết bị gian lận công nghệ cao ở một số nơi chưa thực sự nhuần nhuyễn…
Thiếu tướng Lê Minh Mạnh cũng cảnh báo về tình trạng gian lận thi cử bằng công nghệ cao. Theo đó, tại một số quốc gia vẫn xảy ra tình trạng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để gian lận, nhưng dùng AI phải thông qua các thiết bị công nghệ, do đó cần tiếp tục nâng cao nhận thức về phòng ngừa gian lận thi cử cho lực lượng làm công tác thi; bảo đảm bảo mật cao nhất cho công tác in sao, vận chuyển đề thi; bảo đảm nơi để đồ dùng của thí sinh phải cách phòng thi tối thiểu 25m… “Ngành công an sẽ bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi; tập trung ngăn chặn gian lận bằng công nghệ cao; xử lý nghiêm các đối tượng cố tình lan truyền thông tin sai lệch về kỳ thi trên mạng, làm lộ lọt đề thi…”, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết, tỉnh đã lựa chọn hơn 2.800 cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, phẩm chất để thực hiện công tác của kỳ thi; 100% điểm thi có máy phát điện dự phòng, có hệ thống camera để bảo mật khâu đề thi. Tỉnh Quảng Ninh cũng rà soát tất cả các nhà dân ở gần điểm thi, vận động ngắt wifi. Ngoài ra, thí sinh của những huyện khó khăn đều đã được đón về nơi tập trung, hỗ trợ kinh phí; những ngày thi không cho các xe cồng kềnh lưu thông để bảo đảm an toàn giao thông…
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho hay, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay TPHCM có hơn 90.000 thí sinh dự thi. Thành phố bố trí các điểm thi thuận lợi, riêng xã đảo ở huyện Cần Giờ đã bố trí thí sinh vào đất liền dự thi. TPHCM chủ động phối hợp các sở, ban ngành để chuẩn bị cho kỳ thi từ sớm, chú trọng khâu đề thi; thực hiện giao đề thi buổi sáng, nhận bài thi vào buổi chiều; không để đề thi và bài thi ở các điểm thi. Lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện phần mềm chấm thi. Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Hiếu, hiện nay thù lao cán bộ coi thi, chấm thi là 800.000-1.2000.000 đồng/người/ngày, nhưng thù lao dành cho cán bộ thanh tra thấp hơn, cần điều chỉnh tăng lên.
Không tự ý xử lý các tình huống bất thường
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, nhấn mạnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi lớn, có tính phức tạp, nhạy cảm cao, địa bàn rộng, quy mô toàn quốc... Kỳ thi được cả xã hội quan tâm vì kết quả thi còn được dùng để xét tuyển đại học; để đánh giá chất lượng dạy và học của thí sinh trong suốt 12 năm học.
“Thi phải nghiêm túc nhưng đề nghị không khí trường thi cũng cần bảo đảm thân thiện, ân cần với thí sinh, không gây áp lực, căng thẳng”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về kỳ thi, với tinh thần là càng chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng bao nhiêu thì tổ chức càng thuận lợi bấy nhiêu; tuyệt đối không được chủ quan. Dù kỳ thi diễn ra hàng năm, có nhiều kinh nghiệm nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ, nếu chủ quan, lơ là sẽ dễ dẫn đến sự cố, hệ lụy xấu. Cùng với đó, bảo đảm thuận lợi nhất cho thí sinh dự thi; không được để bất kỳ thí sinh nào bỏ thi vì khó khăn; đặc biệt là cần dự phòng các tình huống bất khả kháng.
Thứ tưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cũng yêu cầu tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đó là tuyệt đối không để thí sinh mang điện thoại di động vào phòng thi; thầy, cô giáo tăng cường trách nhiệm, năng lực thực thi nhiệm vụ.
“Những nơi có quy mô hội đồng thi lớn như Hà Nội, TPHCM thường có nguy cơ rủi ro lớn, nhưng thực tiễn những năm qua cho thấy lại làm rất tốt; trong khi sơ suất, sai sót lại xảy ra ở những hội đồng thi nhỏ hơn. Do đó, các địa phương cần đặc biệt lưu ý để bảo đảm đúng quy chế thi”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu. Đồng thời, đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm phương châm “4 đúng” (đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng, đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường) và “3 không” (không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng áp lực quá mức).