* PHÓNG VIÊN: Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến về một số nội dung mang tính kỹ thuật để sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp THPT. Vậy những thay đổi mang tính kỹ thuật của Quy chế thi tốt nghiệp THPT có bảo đảm sự ổn định cho kỳ thi ở mức cao nhất?
* PGS-TS HUỲNH VĂN CHƯƠNG: Các năm 2020, 2021, 2022 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, Bộ GD-ĐT đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT, bảo đảm mục tiêu kép: vừa nghiêm túc, khách quan vừa an toàn phòng chống dịch bệnh.
Qua 3 năm, kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT chỉ đạo chung, các tỉnh, thành chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương, cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra. Do đó, Bộ GD-ĐT chủ trương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm 2023, 2024 theo hướng giữ ổn định như các năm 2021, 2022.
Để chuẩn bị tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Bộ GD-ĐT đã dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung quy chế thi hiện hành theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo tổ chức thi và đang xin ý kiến các chuyên gia và dư luận xã hội.
Theo đó, phương thức tổ chức thi và các quy định cơ bản như bài thi, ra đề thi, coi thi, chấm thi, cách tính điểm xét tốt nghiệp, phúc khảo... về cơ bản vẫn giữ nguyên như các năm 2021, 2022; chỉ thực hiện điều chỉnh một số nội dung mang tính kỹ thuật, nghiệp vụ để tăng cường kỷ cương, nền nếp phòng thi, đáp ứng tốt hơn yêu cầu tổ chức kỳ thi an ninh, an toàn.
* Ông cho biết về định hướng đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cũng như dự kiến thời gian tổ chức thi?
* Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức theo định hướng giữ ổn định như các năm 2021, 2022, do đó, đề thi bám sát định hướng này. Bộ GD-ĐT đang căn cứ vào kế hoạch thời gian năm học để xem xét lựa chọn thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT phù hợp và sẽ công bố trong thời gian tới đây.
* Để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 nghiêm túc, khách quan, Bộ GD-ĐT sẽ chú trọng vào triển khai các giải pháp nào, thưa ông?
* Bên cạnh những điều chỉnh nêu trên, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi; tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, các bên liên quan tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi, nhất là việc thực hiện các biện pháp phòng chống, ngăn chặn gian lận thi cử, nhất là gian lận bằng các thiết bị công nghệ cao.
Chúng tôi cũng sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong chỉ đạo tổ chức thi. Trong đó, đề nghị các địa phương chủ động thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi theo đúng tinh thần chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương.
* Ông đánh giá gì khi ngày càng có thêm nhiều trường đại học tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển?
* Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT cũng nêu rõ chủ trương “giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học”. Các cơ sở giáo dục đại học được quyền xây dựng, công bố và thực hiện đề án tuyển sinh riêng; theo đó có thể cân nhắc nhiều mặt để tự tổ chức các kỳ thi riêng để tuyển sinh. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm giải trình và cam kết đối với thí sinh, cơ quan quản lý nhà nước và xã hội về các hoạt động của mình, trong đó có việc tuyển sinh, việc tổ chức các kỳ thi riêng để tuyển sinh.
Thực tế hiện nay cho thấy, một cơ sở đào tạo tổ chức thi nhưng có nhiều cơ sở đào tạo khác sử dụng kết quả kỳ thi của đơn vị tổ chức thi để xét tuyển. Chính vì vậy, tôi cho rằng các kỳ thi này cần phải có sự quản lý chặt chẽ từ các bên liên quan; đồng thời cần được thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm công bằng, khách quan, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh.