Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 - đợt 1: Chủ động xử lý các tình huống bất thường

Chiều 8-7, thí sinh cả nước đã thi môn Ngoại ngữ - môn thi cuối cùng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 - đợt 1. Bộ GD-ĐT cho rằng, với sự chuẩn bị chủ động, kỹ càng của các địa phương, tất cả các tình huống bất thường diễn ra trong kỳ thi đã được xử lý, đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, an toàn.

Số thí sinh vi phạm quy chế thi giảm mạnh 

Tối 8-7, tại cuộc họp báo đánh giá kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 - đợt 1 tại TPHCM, Phó giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng, nhưng việc sắp xếp, tổ chức kỳ thi đã thành công.

Theo đó, yêu cầu an toàn và đảm bảo giãn cách được đặt lên hàng đầu, không để phụ huynh học sinh tụ tập trước cổng trường. Song song đó, tại các điểm thi, thí sinh chấp hành đúng yêu cầu không tụ tập và thường xuyên thực hiện thông điệp 5K.

Năm nay, toàn TPHCM có 89.275 thí sinh đăng ký dự thi. Qua 2 ngày thi, có hơn 2.300 thí sinh vắng, tỷ lệ dự thi dao động 94%-98% ở từng môn thi. Có 1 trường hợp thí sinh tự do mang điện thoại chưa tắt nguồn vào phòng thi nên vi phạm quy chế, ngoài ra không có thí sinh đem tài liệu vào phòng thi hay để lọt đề thi ra ngoài. Thành phố đã huy động hơn 17.000 cán bộ, giáo viên và nhân viên coi thi, không có trường hợp vi phạm quy chế. 

Liên quan đến tình hình sức khỏe của thí sinh, trong ngày thi đầu tiên 7-7, toàn TPHCM đã xuất hiện 6 trường hợp liên quan đến dịch Covid-19 (được xác định là F0 hoặc F1). Tiếp đó, vào ngày thi thứ hai, TP đã phát hiện thêm 6 trường hợp thí sinh liên quan đến dịch Covid-19.

Phương án xử lý đối với các trường hợp này là tiến hành khử khuẩn phòng thi, bố trí các thí sinh còn lại tiếp tục tham gia các môn thi tiếp theo ở phòng thi dự phòng với số lượng được chia nhỏ để đảm bảo quy định về giãn cách.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 - đợt 1: Chủ động xử lý các tình huống bất thường ảnh 1 Thí sinh tại điểm thi Trường THCS Tùng Thiện Vương, quận 8, TPHCM phấn khởi sau khi thi các môn khoa học xã hội. Ảnh: CAO THĂNG

Cùng ngày, tại cuộc họp báo do Bộ GD-ĐT tổ chức, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho biết, tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 - đợt 1 là 1.021.340. Tổng số thí sinh dự thi 981.773, đạt tỷ lệ 96,13%. Tổng số thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên không thể dự thi là 23.569, chiếm tỷ lệ 2,31%. Kỳ thi năm nay, số thí sinh vi phạm quy chế thi giảm mạnh, chỉ có 18 thí sinh vi phạm quy chế và bị đình chỉ. Không có cán bộ vi phạm quy chế thi. 

Lùi lịch tuyển sinh chờ thí sinh thi đợt 2

Đại diện Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, kỳ thi năm nay diễn ra trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt, khi dịch Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị chủ động, kỹ càng của các địa phương, sự chuẩn bị kỹ các kịch bản ứng phó của Bộ GD-ĐT và các địa phương, tất cả các tình huống bất thường đã được xử lý khi “kích hoạt” các kịch bản đã được chuẩn bị. Một số điểm thi phát hiện trường hợp F0 trong lúc thi, lập tức đã có phương án triển khai đảm bảo sức khỏe cho thí sinh, cán bộ coi thi, đồng thời vẫn tổ chức kỳ thi theo kế hoạch bảo đảm nghiêm túc an toàn. 

Ông Mai Văn Trinh khẳng định, với thí sinh phát hiện F0 khi thi, theo quy định các em được đặc cách tốt nghiệp THPT, bảo lưu kết quả các môn thi đã thi đợt 1 và được quyền đăng ký thi đợt 2 với các môn chưa thi. Đối với những thí sinh thi đợt 2, căn cứ vào tình hình thực tế, rà soát các trường hợp thí sinh chưa thi đợt 1, địa phương đề xuất phương án, thời điểm tổ chức thi đợt 2, đảm bảo phù hợp với thực tiễn khách quan và đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Trên cơ sở đó, Bộ GD-ĐT sẽ quyết định ngày thi đợt 2. 

Về xét tuyển đại học năm nay, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy, Bộ GD-ĐT, cho biết, các thí sinh F0 được đặc cách tốt nghiệp, các em có thể dự thi đợt 2. Còn trong trường hợp xấu nhất các em không thể thi thì vẫn còn nhiều phương thức xét tuyển khác, như căn cứ kết quả học tập, chứng chỉ quốc tế.

Năm nay, tiếp tục thực hiện xét tuyển 1 lần đối với cả 2 đợt thi, lịch tuyển sinh được lùi lại để chờ thí sinh đợt 2. Còn trong trường hợp bất khả kháng, đợt thi thứ 2 quá xa, Bộ GD-ĐT sẽ có phương án để bảo đảm quyền lợi của thí sinh.

Theo kế hoạch, bắt đầu từ ngày 9-7, hội đồng thi các tỉnh thành sẽ tổ chức công tác chấm thi, công bố kết quả thi cho thí sinh vào khoảng ngày 26-7. Đáp án các môn thi được công bố theo tiến độ chấm thi từng môn, theo đó môn Văn sẽ có đáp án sớm nhất (vì chấm tự luận). Bên cạnh đó, bộ sẽ đối sánh điểm giữa kết quả thi tốt nghiệp THPT với kết quả học tập của thí sinh, nhằm đánh giá đúng chất lượng giáo dục phổ thông, tính trung thực trong tổ chức kỳ thi của địa phương. 


Không có chuyện lộ đề thi môn Toán

Chiều tối 7-7, mạng xã hội thông tin về việc đề Toán bị lộ ra ngoài khi chưa hết thời gian làm bài. Cụ thể vào khoảng 15 giờ 50 (vẫn trong thời gian thí sinh làm bài thi), một người đã đưa lên mạng xã hội hình ảnh được cho là đề thi môn Toán với đề nghị: “Giải giùm bé nhà em câu 36, 38, 40, 41 với ạ. Gấp ạ”. Hình ảnh này ngay khi phát tán đã khiến dư luận xôn xao, nghi đề thi bị lộ, có thể dẫn đến gian lận thi cử. 

Tại cuộc họp báo, ông Mai Văn Trinh xác nhận trường hợp 1 thí sinh vi phạm bằng cách mang điện thoại di động vào phòng thi, tại điểm thi trường THPT huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, chụp ảnh đề đưa ra ngoài khi thời gian làm bài chưa hết. Theo ông Mai Văn Trinh, đây không phải là lộ đề, tức đề thi không ra ngoài trước khi thi, mà đây là trường hợp lọt đề, khi thời gian làm bài chỉ còn 5 phút. “Dù đã cố gắng hết sức nhưng không thể hoàn toàn ngăn ngừa sự cố. Việc xử lý sẽ rất nghiêm minh”, ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh. 

Về vụ việc này, Sở GD-ĐT cũng đã xác định được thí sinh tuồn đề thi ra ngoài. Trong chiều 8-7, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình cũng đã nhận được công văn từ phía công an tỉnh và sở đã yêu cầu Trưởng điểm thi đình chỉ thi đối với thí sinh này trước giờ thi môn tiếng Anh.


Đề thi Khoa học tự nhiên khó, Khoa học xã hội điểm cao hơn

Nhận xét đề thi môn Vật lý, thầy Nguyễn Ngọc Thảo, Tổ trưởng Tổ Vật lý, Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 11) đánh giá, đề thi chính thức có độ phân hóa cao hơn rất nhiều so với đề minh họa. Trong đó, 30 câu hỏi đầu tiên ở mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng thấp, 10 câu hỏi còn lại yêu cầu vận dụng kiến thức ở mức độ cao. Phạm vi kiến thức trải đều ở 7 chương trong chương trình Vật lý lớp 12. Theo dự đoán, phổ điểm thi năm nay sẽ tập trung từ 5 - 7 điểm.

Đối với môn Hóa học, thầy Phan Thanh An, giáo viên Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) cho biết, nội dung các câu hỏi bám sát chương trình học với trọng tâm kiến thức lớp 12, trải đều ở cả học kỳ 1 và học kỳ 2. Trong đó, điểm mới của đề thi năm nay là có câu hỏi tích hợp kiến thức cả lớp 10, 11 và 12. Nhìn chung, độ phân hóa của đề thi năm nay cao hơn năm ngoái, thí sinh muốn đạt 9 - 10 điểm phải vận dụng nhiều kiến thức tổng hợp, áp dụng linh hoạt các định luật, công thức đã học trong chương trình, có kỹ năng vẽ sơ đồ, suy luận và giải toán mới tìm được đáp án phù hợp. 

Năm nay, môn Sinh học được đánh giá là môn thi có độ phân hóa cao nhất trong 3 môn thi thuộc tổ hợp Khoa học tự nhiên. Cô Phạm Vũ Kim Thoa, Tổ trưởng Sinh học, Trường THPT Tre Việt (quận Tân Phú) nhận định, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên trong 2 tháng qua học sinh khối 12 chủ yếu ôn tập theo hình thức trực tuyến. Từ thực tế đó, đề thi môn Sinh học được đánh giá khá nhẹ nhàng với thí sinh. Cô Kim Thoa dự đoán phổ điểm năm nay sẽ tập trung ở mức 5,5 - 7 điểm. 

Đối với tổ hợp Khoa học xã hội, ở môn Địa lý, cô Nguyễn Thị Thúy Hằng, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) cho biết, cấu trúc đề thi bám sát đề minh họa đã được Bộ GD-ĐT công bố giữa học kỳ 2. Trong đó, 70% câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, 30% còn lại ở mức độ vận dụng và vận dụng cao. Phổ điểm thi năm nay được dự đoán sẽ tập trung ở mức trung bình khá, từ 6 - 7,5 điểm.

Ở môn Giáo dục công dân, cô Phan Thị Đồng, giáo viên Trường THPT Tre Việt (quận Tân Phú) nhận định, đề thi tốt nghiệp năm nay không đánh đố thí sinh, mức độ phân hóa các câu hỏi tương đương đề tham khảo. Cũng như các năm trước, phổ điểm thi sẽ tập trung từ 8 - 8,5 điểm. Đề thi môn Lịch sử năm nay được nhiều thí sinh và giáo viên đánh giá có trọng tâm kiến thức ở lớp 12. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi yêu cầu thí sinh phải có khả năng đánh giá, phân tích và so sánh giữa hai giai đoạn, sự kiện lịch sử khiến nhiều thí sinh lúng túng, nếu không bình tĩnh sẽ nhầm lẫn trong việc chọn đáp án. 
 
Đánh giá về đề thi Anh văn năm nay, cô Trịnh Thanh Quyên, Tổ trưởng chuyên môn Anh văn, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) phấn khởi cho biết, đề thi được đánh giá dễ hơn đề tham khảo, trong đó, toàn bộ cấu trúc ngữ pháp đều nằm trong chương trình lớp 12, phần từ vựng chỉ có vài từ lạ nhưng học sinh có thể đoán nghĩa dựa vào ngữ cảnh nên không làm khó được các em. Trong các mã đề thi có 1 - 2 câu hỏi liên quan dịch Covid-19 nên tạo được hứng thú cho thí sinh. Phổ điểm Anh văn được dự đoán sẽ tập trung từ 7 - 8 điểm.

Tin cùng chuyên mục