Chiều tối ngày 7-7, mạng xã hội thông tin về việc đề Toán bị lộ ra ngoài khi chưa hết thời gian làm bài. Cụ thể vào khoảng 15 giờ 50 (vẫn trong thời gian thí sinh làm bài thi), người này bình luận một hình ảnh được cho là đề thi môn Toán: "Giải giùm bé nhà em câu 36, 38, 40, 41 với ạ. Gấp ạ". Đáng nói là hình ảnh được chụp vẫn được đặt trên bàn, trong phòng thi và còn nguyên số báo danh lẫn phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh đó. Hình ảnh này ngay khi phát tán đã khiến dư luận xôn xao, nghi đề thi bị lộ, có thể dẫn đến gian lận thi cử.
Về thông tin đề Toán bị lọt ra ngoài, tại cuộc họp báo, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT xác nhận trường hợp 1 thí sinh vi phạm bằng cách mang điện thoại di động vào phòng thi, tại điểm thi trường THPT huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, chụp ảnh đề đưa ra ngoài khi thời gian làm bài chưa hết. Hiện nay, cơ quan điều tra đang tiến hành điều tra, các cơ quan liên quan phối hợp để làm rõ, khi có kết luận cuối cùng sẽ được công khai. “Ngay sau khi có thông tin, Ban chỉ đạo quốc gia về thi đã phối hợp với cơ quan công an và các cơ quan chức năng để điều tra làm rõ, tinh thần là xử lý nghiêm”, ông Mai Văn Trinh nói.
Về vụ việc này, Sở GD-ĐT Quảng Bình cũng cho hay, đã xác định được thí sinh tuồn đề thi ra ngoài. Trong chiều 8-7, sở cũng đã nhận được công văn từ phía công an tỉnh và sở đã yêu cầu trưởng điểm thi đình chỉ thi đối với thí sinh này trước giờ thi môn tiếng Anh.
Ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh, kỳ thi năm nay diễn ra trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt, khi dịch Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị chủ động, kỹ càng của các địa phương, sự chuẩn bị kỹ các kịch bản ứng phó của Bộ GD-ĐT và các địa phương, tất cả các tình huống bất thường đã được xử lý, “kích hoạt” các kịch bản đã được chuẩn bị. Một số điểm thi phát hiện trường hợp F0 trong lúc thi, lập tức đã có phương án triển khai đảm bảo sức khỏe cho thí sinh, cán bộ, đồng thời vẫn tổ chức kỳ thi theo kế hoạch bảo đảm nghiêm túc an toàn. Đây là kết quả của sự chủ động của các địa phương trong việc xây dựng kế hoạch tổng thể của kỳ thi trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Bài học của kỳ thi là sự chuẩn bị chủ động của ngành giáo dục và các địa phương, là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ngành và các địa phương; đặt an toàn và lợi ích của thí sinh lên trên hết. “Thể hiện rõ nhất ở việc TPHCM xin ý kiến thí sinh, phụ huynh thí sinh về việc có thi tốt nghiệp đợt 1 hay không. Quan điểm chỉ đạo của chúng ta là lấy học sinh làm trung tâm” ông Mai Văn Trinh nói.
Thực tế cho thấy, các địa phương đã rất chủ động để ứng phó với tất cả tình huống bất thường xảy ra, đơn cử như việc TPHCM phát hiện thí sinh F0.
Với thí sinh phát hiện F0 khi thi, theo quy định các em được đặc cách tốt nghiệp THPT, bảo lưu kết quả các môn thi đã thi đợt 1 và được quyền đăng ký thi đợt 2 với các môn chưa thi. Còn trong trường hợp xấu nhất các em không thể thi thì vẫn còn nhiều phương thức xét tuyển khác, như căn cứ kết quả học tập, chứng chỉ quốc tế...
Về đề thi, ông Mai Văn Trinh khẳng định đã bám sát chương trình, không đánh đố, có sự phân hóa tốt. Cũng có ý kiến nói đề thi tổ hợp khoa học tự nhiên năm nay khó hơn đề tham khảo, còn đề thi tổ hợp khoa học xã hội thì dễ hơn, vậy có bảo đảm công bằng đối với thí sinh đăng ký thi tổ hợp? Trả lời, ông Mai Văn Trinh cho rằng, ngân hàng đề thi được chuẩn hóa. Việc đánh giá khó - dễ hiện chưa thể đưa ra kết luận chính xác, mà phải chờ kết quả chấm thi mới phân tích rõ được.
Kỳ thi năm nay, số thí sinh vi phạm quy chế thi giảm mạnh, chỉ có 18 thí sinh vi phạm quy chế và bị đình chỉ. Không có cán bộ vi phạm quy chế thi. Công tác phòng, chống dịch bệnh được tăng cường bảo đảm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, chất lượng, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho thí sinh và tất cả những người tham gia tổ chức thi.
“Cho đến thời điểm này, công tác coi thi được thực hiện nghiêm túc bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy chế”, Bộ GD-GD khẳng định.
Bộ GD-ĐT đã tổ chức xây dựng hệ thống phần mềm quản lý thi và tuyển sinh, phần mềm chấm thi trắc nghiệm năm 2021; phần mềm chấm thi trắc nghiệm bảo đảm chấm thi chính xác, ngăn ngừa sự can thiệp từ phía người sử dụng. Các phần mềm này đã được nghiệm thu và tập huấn cho các địa phương, đơn vị. Tất cả các tỉnh, thành, đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng tham gia tổ chức, hỗ trợ tổ chức kỳ thi.
Theo kế hoạch, bắt đầu từ ngày 9-7, hội đồng thi các tỉnh thành sẽ tổ chức công tác chấm thi, dự kiến công việc này sẽ kết thúc vào ngày 17-7 để công bố kết quả thi cho thí sinh vào khoảng ngày 26-7. Việc chấm thi với hình thức làm phách 2 vòng độc lập. Bên cạnh đó, bộ sẽ đối sánh điểm giữa kết quả thi tốt nghiệp THPT với kết quả học tập của thí sinh, nhằm đánh giá đúng chất lượng giáo dục phổ thông, tính trung thực trong tổ chức kỳ thi của địa phương.
Đối với những thí sinh thi đợt 2, căn cứ vào tình hình thực tế, rà soát các trường hợp thí sinh chưa thi đợt 1, địa phương đề xuất phương án, thời điểm tổ chức thi đợt 2, đảm bảo phù hợp với thực tiễn khách quan và đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Trên cơ sở đó, Bộ GD-ĐT sẽ quyết định ngày thi đợt 2. “Chúng ta đã có kinh nghiệm thi đợt 2 trong năm 2020. Bộ GD-ĐT và các địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ để tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, bảo đảm quyền lợi của thí sinh”, ông Mai Văn Trinh khẳng định.
Về lộ trình đổi mới thi, theo ông Mai Văn Trinh, năm 2021, Bộ GD-ĐT sẽ báo cáo với Chính phủ lộ trình đổi mới thi cử cho giai đoạn tới, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Năm nay, cả nước có hơn 1.021.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, nhiều hơn năm trước khoảng 100.000 thí sinh. Trong đó, số vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học gần 759.000 thí sinh. Chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm 55% và xét tuyển bằng hình thức khác chiếm 45%. |