* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 trên địa bàn TPHCM sẽ có những điểm gì mới và công tác chuẩn bị cơ sở vật chất đã hoàn tất chưa?
* Ông NGUYỄN THÀNH TRUNG: Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, TPHCM có hơn 71.000 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có gần 4.000 thí sinh tự do. Năm nay, kỳ thi được tổ chức tại 111 điểm thi, giảm 16 điểm thi so với kỳ thi năm 2018. Riêng ở huyện Cần Giờ, năm nay thí sinh sẽ tập trung thi tại một điểm duy nhất. Học sinh ở xã đảo Thạnh An và những khu vực ở xa sẽ được tập trung tại ký túc xá một ngày trước khi kỳ thi diễn ra. Toàn bộ chỗ ở và chi phí đi lại trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi đều được UBND huyện Cần Giờ hỗ trợ.
Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất đã hoàn tất. Trước đây (kỳ thi năm 2018 trở về trước), các trường học chủ động báo cáo tình hình cơ sở vật chất, sau đó gần sát ngày thi, Sở GD-ĐT mới tổ chức các đoàn giám sát đi kiểm tra. Tuy nhiên năm nay, công tác rà soát, kiểm tra tình hình cơ sở vật chất được triển khai sớm hơn mọi năm, cụ thể là từ trước khi lên danh sách điểm thi để kịp thời điều chỉnh, bổ sung ngay những hạng mục chưa đủ điều kiện theo yêu cầu.
Trước đó, Sở GD-ĐT đã có văn bản đề nghị thủ trưởng các đơn vị trường học tiến hành kiểm tra, cắt tỉa cây xanh trong khuôn viên trường đề phòng sự cố cây ngã đổ, đồng thời kiểm tra toàn bộ hệ thống điện, các trang thiết bị điện, không để xảy ra tình trạng rò rỉ điện trong các phòng thi, nhà vệ sinh, khu vực hành lang và khu vực có liên quan đến việc tổ chức kỳ thi.
Sở cũng chỉ đạo các trường kiểm tra, kiện toàn trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, rà soát và đảm bảo cơ sở vật chất tốt nhất phục vụ kỳ thi. Riêng đối với khu vực cổng trường, tường rào tiếp giáp với các khu vực lân cận cũng được kiểm tra, sửa chữa để đảm bảo an ninh, trật tự trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi.
* TPHCM sẽ có biện pháp gì nhằm đảm bảo an ninh, trật tự và không xảy ra tiêu cực trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi?
* Năm nay, tổng số điểm thi và thí sinh tham gia kỳ thi đều giảm. Tuy nhiên, thành phố đã tăng cường lực lượng thanh tra, giám sát lên hơn 10.000 người, tăng 2.000 người so với kỳ thi năm 2018. Cụ thể, tại mỗi điểm thi sẽ có 3 cán bộ công an trực chốt, trong đó 1 cán bộ làm nhiệm vụ ở phòng bảo quản đề thi và bài thi, 1 cán bộ ở bên trong hội đồng thi và 1 cán bộ ngoài cổng.
Bên cạnh đó, các quận huyện cũng huy động lực lượng tại chỗ của địa phương để tăng cường biện pháp an ninh, đảm bảo trật tự khu vực ngoài cổng trường. Ngoài lực lượng tại chỗ, năm nay thành phố cũng tăng cường lực lượng thanh tra lưu động, đảm bảo 100% điểm thi đều được kiểm tra, giám sát đầy đủ.
Riêng đối với công tác vận chuyển và bảo quản đề thi có sự tăng cường phối hợp giữa Sở GD-ĐT và Công an TP. Năm nay, điểm mới của công tác tổ chức là tất cả phòng bảo quản đề thi và bài thi đều được gắn camera giám sát, vận hành 24/24 giờ, bắt đầu từ thời điểm nhận đề thi môn đầu tiên đến khi bài thi cuối cùng được đưa đi.
Ngoài ra, tại phòng này bố trí 1 cán bộ công an và 1 cán bộ ngành giáo dục (thuộc khối các trường đại học) làm công tác canh giữ. Khi đề thi được vận chuyển đến điểm thi, điểm thi sẽ tổ chức giao nhận đề, cất vào tủ niêm phong. Đến giờ thi các môn, đề thi sẽ được chuyển qua phòng hội đồng, công tác bàn giao có biên bản, ký nhận đầy đủ. Kết thúc giờ làm bài, bài thi được chuyển trở lại phòng lưu giữ, bỏ vào phong bì, niêm phong dưới sự chứng kiến của công an, lực lượng thanh tra và trưởng điểm thi.
* Như vậy, lực lượng thanh tra và cán bộ coi thi năm nay được huy động khá lớn. Sở GD-ĐT TPHCM đã có kế hoạch tập huấn như thế nào để tăng cường hiệu quả hoạt động? Công tác hỗ trợ thí sinh tại khu vực phòng thi có điểm gì đáng chú ý?
* Trong tuần này, Sở GD-ĐT sẽ triển khai các buổi tập huấn cho lãnh đạo 111 điểm thi cũng như lực lượng thanh tra, giám sát. Hình thức tập huấn có điểm khác so với mọi năm là không tập trung mà chia nhỏ đối tượng ra để tổ chức nhiều buổi tập huấn, đảm bảo các nội dung triển khai sát hơn, nâng cao chất lượng tập huấn. Sau mỗi ngày thi, các điểm thi sẽ họp tổng kết, rút kinh nghiệm.
Năm nay, theo quy chế mới, thí sinh hệ thường xuyên, thí sinh phổ thông và thí sinh tự do sẽ được trộn lẫn và thi chung ở các phòng thi. Riêng đối với các thí sinh khuyết tật, điểm thi đã bố trí phương tiện hỗ trợ như máy thu hình, thu âm để hỗ trợ thí sinh làm bài. Ngoài ra, tất cả điểm thi đều có lực lượng cán bộ dự phòng, sẵn sàng hỗ trợ thí sinh khi có trường hợp đột xuất.