Ngày 14-5, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã chủ trì hội nghị trực tuyến về kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2019 tại điểm cầu ở Bộ GD-ĐT.
Thông tin tại đây cho thấy, công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia đang được tích cực triển khai, nhiều công việc đã hoàn thành. Không ít địa phương, ngoài Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh còn thành lập Ban chỉ đạo cấp quận/huyện để cộng đồng trách nhiệm, tổ chức tốt nhất kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Nhiều địa phương cũng khẳng định sẽ nỗ lực hết sức mình để bảo đảm kỳ thi năm 2019 diễn ra trung thực, khách quan.
Tại TPCM, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, Sở GD-ĐT đã tổ chức 20 đoàn kiểm tra 111 điểm thi. Ngoài chuẩn bị các điều kiện tổ chức thi, đảm bảo an toàn điểm thi; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể lên phương án hỗ trợ thí sinh, tạo điều kiện tối đa cho thí sinh dự thi.
Tại Hà Giang, sau sự cố gian lận điểm thi năm 2018, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang thể hiện quyết tâm hoàn thành tốt kỳ thi THPT quốc gia năm 2010.
“Chúng tôi đã thành lập cả Ban Chỉ cấp tỉnh và cấp huyện. Với 11 huyện, địa bàn phức tạp, tỉnh đã chuẩn bị phương án, giao nhiệm vụ cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo, không đưa vào Ban Chỉ đạo những thành viên có liên quan đến tiêu cực thi cử năm 2018. Hà Giang cũng lựa chọn kỹ nhân sự tham gia công tác thi; có phương án hỗ trợ thí sinh... Với bài học của năm 2018, Hà Giang chắn chắn không để tồn tại của năm trước xảy ra” – ông Trần Đức Quý nói.
Đây cũng là tinh thần của địa phương để xảy ra tiêu cực trong thi cử như Sơn La, Hòa Bình. Còn ông Nguyễn Bạch Đằng, Phó Cục trưởng Cục an ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an cũng cho hay, Cục đã tham mưu Bộ Công an xây dựng kế hoạch tổng thể để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị vụ cục và công an địa phương trong phối hợp tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, dù đã chuẩn bị chu đáo đến mấy cũng tuyệt đối không được chủ quan. Cùng với đó, khâu kiểm tra, thanh tra phải được coi trọng – đây là khâu không thể thiếu được trong tất cả các quy trình.
Bộ trưởng yêu cầu 3 nhóm việc phải được đặc biệt lưu ý: nhận diện rất rõ công việc phải làm; phân công đúng người, đúng việc và từng người phải biết trách nhiệm, yêu cầu công việc của mình; từng việc phải có quy trình. 3 nhóm việc trên đều phải tăng cường thanh, kiểm tra để phát hiện sơ hở, thiếu sót, từ đó nhanh chóng khắc phục. Cùng với đó, lưu ý lựa chọn nhân sự tham gia công tác thi, không chỉ đáp ứng yêu cầu về chuyên môn mà cả phẩm chất đạo đức.
Bên cạnh đó, cần chú trọng khâu coi thi; chấm thi; thanh tra, kiểm tra; đảm bảo an ninh trong và ngoài phòng thi, đảm bảo cả thể chất và tinh thần cho thí sinh, cán bộ làm thi; công tác hậu cần.
“Kỳ thi năm nay phải đạt mục tiêu là giảm áp lực, an toàn, công bằng, khách quan, tạo được niềm tin trong xã hội. Vì vậy, chúng ta tuyệt đối không chủ quan, dù là khâu nhỏ nhất” – Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.
Về khâu xét tuyển, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Phụng lưu ý các trường ĐH-CĐ thực hiện “điểm sàn” chỉ tiêu sư phạm, ngành sức khỏe để bảo đảm tuyển sinh các ngành này có chất lượng.
“Đề nghị các tỉnh rà soát lại nhu cầu đào tạo giáo viên các cấp học ngành học... theo chương trình giáo dục phổ thông mới để làm căn cứ xác định, giao chỉ tiêu sư phạm trong các năm sau”, bà Phụng đề nghị.