“Ký sự pháp đình” – Phía sau những bản án

“Ký sự pháp đình” – Phía sau những bản án

Ngày tôi tốt nghiệp Đại học Luật, trong vô số những món quà từ người thân, bè bạn, tôi thích nhất món quà của cha tôi – quyển sách “Ký sự pháp đình” của phóng viên Thủy Cúc do Nhà Xuất bản Trẻ ấn hành năm 1996.

Càng đọc càng thấy từng trang, từng câu chuyện pháp đình tỏa ra hơi nóng ấm áp của tình người, tình thân ái, lòng bao dung. Những bài ký sự pháp đình được tác giả viết bằng một phong cách rất mới, rất lạ, không như những bài báo viết về vụ án với lối khai thác ly kỳ, rùng rợn thường thấy.

Tôi thấy mình trưởng thành hơn, nhân ái hơn và bao dung hơn khi đi qua những trang sách với những mảnh đời tội lỗi, khốn cùng nay phải đứng trước vành móng ngựa hay những thân phận con người trước bước ngoặt của số phận. Đó là nỗi xót xa từ một phiên tòa ly hôn của hai ông bà lão đã trên 70 tuổi với lý do “chia tài sản”; là sợ cảm thương cho một người mẹ suốt 8 năm lặn lội thăm nuôi con với trái tim quặn thắt khi nghĩ đến bản án tử hình cứ treo lơ lửng trên đầu con; đó là những vụ án với bị cáo ở tuổi chưa thành niên – lứa tuổi mà lẽ ra “vẫn phải còn được ấp iu trong hơi ấm bàn tay mẹ” chứ không phải bắt đầu làm quen với “thế giới u ám và bí ẩn của những nhà tù”; đó là bản án tử hình dành cho một bị cáo can tội “giết người” mà đến khi nghe tuyên án vẫn khao khát hoài một tiếng gọi “con” của một người cha đã từ bỏ anh ta ngay khi mới lọt lòng vì nghi ngờ lòng chung thủy của người mẹ…

Có những vụ án mà nếu chỉ đọc bản án sẽ không hiểu hết những thân phận, những nỗi đau, những vết thương… mà nạn nhân hay người bị hại phải gánh chịu. Và cũng có những bản án đã tuyên rồi mà người đọc vẫn cảm nhận sự đau đớn, nỗi mất mát quá lớn của người bị hại lẫn nỗi ray rứt về lương tâm, vế cách sống của mình. Một cô gái 15 tuổi lạc đường, cầu cứu mọi người qua lại nhưng không một ai đưa tay giúp cô, không một ai tin cô đi lạc.

Và, không ai dừng lại. Cuối cùng, cô đã bị bọn xấu, trên 10 tên, thay nhau hãm hại đến ngất xỉu. Sau cơn ác mộng đó, cô gái đã hóa điên dại. Đọc những lời ray rứt của tác giả, tôi thấy như nỗi ray rứt của mình: “Tôi đã từng chạy qua luôn trước một cái vẫy tay xin đi nhờ và luôn tự hào mình hành động đúng trong thời buổi quá nhiều chuyện cần cảnh giác này… Lương tâm của mọi người liệu có thể yên ổn không, khi biết được rằng chỉ vì sự thờ ơ hay quá cảnh giác của mình, mà cuộc đời của một cô gái nhỏ bị hủy hoại?”.

Đọc “Ký sự pháp đình”, qua những vụ án đơn giản có, phức tạp có và thảm khốc cũng có, người đọc thấy sức nóng của một con tim nhân hậu, của lòng vị tha và bao dung đối với những mảnh đời lầm lỡ. Nói như tác giả “Cả xã hội tôn vinh quyền lực tối cao của luật pháp, nghiêm khắc để trừng trị tội ác, nhưng kỳ diệu thay – vẫn không quên sự bao dung đối với số phận con người”. Còn tôi, qua quyển sách nhỏ này, mới thấy rõ hơn ý nghĩa nghề nghiệp của mình.

Tôi rất thích đoạn kết của một bài ký sự: “Phép mầu của cuộc sống đôi khi bắt đầu từ một điều thật nhỏ”. Vâng, hãy bắt đầu từ những điều thật nhỏ, hãy mở rộng tấm lòng, hãy sống vị tha và chia sẻ… có lẽ tội ác, những nỗi đau, những cơn ác mộng… từ những phiên tòa sẽ không còn nhiều nữa!

NAM NGỌC
(Q1 – TPHCM)

Tin cùng chuyên mục