Kỹ sư nông dân Chín Nghĩa

Chúng tôi đi từ thị trấn Thủ Thừa theo đường 818, dọc theo kênh Bo Bo, rồi men theo đường N.2 để đến Cơ sở Cơ khí Chín Nghĩa tại ấp 1, xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa (Long An). Con đường từ thị trấn vào xã bây giờ đã được khoác lớp nhựa bóng bẩy. Xe máy qua đây không còn phải đi zic zăc để tránh ổ voi, ổ gà lầy lội như trước. Hai bên đường các ruộng lúa đang vào mùa thu hoạch, tiếng cười nói vang vang của những nông dân được mùa giữa trưa như làm dịu bớt cái nắng tháng ba hanh hao.
Kỹ sư nông dân Chín Nghĩa

Chúng tôi đi từ thị trấn Thủ Thừa theo đường 818, dọc theo kênh Bo Bo, rồi men theo đường N.2 để đến Cơ sở Cơ khí Chín Nghĩa tại ấp 1, xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa (Long An). Con đường từ thị trấn vào xã bây giờ đã được khoác lớp nhựa bóng bẩy. Xe máy qua đây không còn phải đi zic zăc để tránh ổ voi, ổ gà lầy lội như trước. Hai bên đường các ruộng lúa đang vào mùa thu hoạch, tiếng cười nói vang vang của những nông dân được mùa giữa trưa như làm dịu bớt cái nắng tháng ba hanh hao.

Ông Chín Nghĩa và máy vùi rơm rạ tại xưởng sản xuất

Lão nông dân… hoang tưởng!

- “Thôi, ông đừng làm nữa! Người ta kỹ sư, nhà bác học người ta làm được, còn mình nông dân sao đủ kiến thức, trình độ mà nghiên cứu chế tạo ra cho được cái máy. Ông làm không được thì lại tốn kém chi phí, công sức. Để thời gian đó đi làm việc khác thực tế hơn, có đồng ra đồng vô phụ tui nuôi mấy đứa nhỏ chớ…”.

- “Trời ơi, người ta kỹ sư gọi là “bác” học, mình nông dân gọi là “thất” học… thua có một nút chớ bao nhiêu đâu hà”.

Lão nông dân Bùi Hữu Nghĩa, còn gọi là Chín Nghĩa quê ở Long Thạnh kể lại cuộc trò chuyện của hai vợ chồng trong chương trình Người đương thời của VTV cách đây mười mấy năm mà khán giả cười rần rần.

Ông Chín Nghĩa xuất hiện trên tivi hồi đó cũng là lúc ông thành công với máy gặt xếp dãy, đến nay sản xuất được khoảng 10.000 cái tiêu thụ trong cả nước. Nhớ lại những ngày đầu mới tập tành sáng chế, ông bảo không ít người miệt Long Thạnh quê ông nói ông nông dân mà sao ảo tưởng quá, có người còn cho ông bị bất thường… nên mới bỏ công, bỏ tiền đi làm chuyện của mấy nhà kỹ sư, nhà khoa học.

Người ta nói cũng có cái lý. Bây giờ vào miệt đó còn xa huống hồ gì trước năm 1986, Long Thạnh vẫn là nơi “khỉ ho cò gáy”, phải bơi xuồng gần mấy mươi cây số mới ra tới lộ. Còn đường bộ phải đi qua hàng chục chiếc cầu gỗ, mà mùa nắng còn di chuyển được, chứ mùa mưa thì chịu… Điện đài không có, phải dùng máy phát điện. Ấy vậy mà, ở cái miệt ấy vào thời ấy, ông Chín Nghĩa lại “đụng tay” vào công việc của mấy ông kỹ sư chế tạo máy móc. Nhiều người nghĩ ông làm không được, nên lúc làm ra được cái máy gặt xếp dãy đầu tiên, họ cho rằng ông thành công ít nhiều do may mắn, ngẫu nhiên.

Những năm 80, mùa nông nhàn, ông hì hục chế tạo máy gặt xếp dãy, tới mùa vụ ông đi gặt thuê, bằng chính máy đó. Ông Chín nhớ như in cái lần đầu đưa máy gặt xếp dãy đi làm không ai chịu thuê. Dù trước đó ông đã đưa máy chạy thử nhiều lần trên đám ruộng nhà. Chạy thử, rồi sửa đi sửa lại cho hoàn chỉnh mà cũng bị nhiều người dị nghị, lo sợ máy cắt sẽ bị thất thoát lúa. Ông Chín kể: Có lần, đi cắt cho ruộng nhà ông Tám ấp bên. “Con ổng kêu mình đi mà ổng không cho cắt với lý do, người ta cắt còn đổ lúa, huống hồ nó đem máy móc xuống, đổ hết lúa lấy gì mà ăn. Con ông Tám phải thuyết phục mãi ông mới cho tôi cắt thử”. Nhưng khi ông Chín chạy máy đi đằng trước, nhìn lại phía sau thấy ông Tám chống cây gậy đi theo, khom lưng lượm bất cứ cái gì rớt ra từ phía sau máy gặt mà bỏ đầy vào gáo dừa.

Ông Chín kể tiếp: “Xong một đường, ổng kêu tôi đừng cắt nữa, vô ổng cho coi lúa rụng. Tôi cũng vào xem, nhưng trong gáo dừa không phải là lúa bị sót mà là số gốc rạ li ti bị cắt qua cắt lại nhiều lần. Sau khi mọi người khẳng định không phải lúa ông Tám mới ngạc nhiên: “Ủa, hổng phải lúa hả? Trời ơi, hay quá ta. Vậy mà tao tưởng cái máy cắt đổ lúa chớ, tao tính không cho cắt rồi. Coi vậy hổng phải ha…”.

“Vậy chứ, sau lần đó, mỗi lần có đám tiệc ở đâu, ổng cũng đều khen: “Trời ơi, bữa nay công gặt ăn thua gì. Thằng Nghĩa nó có cái máy cắt ngon lành””. Nhờ đó mà bà con nông dân ở xã Long Thạnh ai cũng biết, ông Chín Nghĩa nhớ lại.

Máy gặt xếp dãy của ông Chín có năng suất làm việc 1ha/2 giờ, tương đương 100 lao động/2 giờ. Ông Cao Văn Lô, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thủ Thừa cho biết: “Thời điểm đó, máy gặt của ông Chín chế tạo đã giúp ích rất nhiều cho bà con nông dân không chỉ riêng tỉnh Long An, mà còn ở các vùng lân cận trong việc giảm sức lao động, thời gian. Giải quyết được tình trạng thiếu lao động trong mùa vụ, số lượng lúa chín khô ngã đổ cũng giảm hẳn”.

Lần chế tạo máy thành công đó, ông Chín Nghĩa chỉ mới là một anh nông dân trẻ, chưa có xưởng sản xuất. Muốn làm gì cũng phải chạy ghe xuồng ra ngoài lộ lớn rồi mới bắt xe về thị xã Tân An mua máy móc cũ, phế liệu hoặc đặt xưởng cơ khí làm các bộ phận máy móc đem về nghiên cứu, lắp ráp. Tới năm 1995, ông Chín mới đủ thiết bị để mở cơ sở sản xuất chính thức ngay tại nhà.

“Cái gì mình quyết chí thì mình sẽ làm được. Hơn nữa lúc đó tôi thấy cứ tới thu hoạch là thiếu hụt nhân công cắt lúa. Hễ thiếu phải để lúa chín khô, gây thất thoát. Vậy nên, tôi càng quyết tâm làm. Làm thành công mới thấy vui chứ lúc đầu nhiều người cũng lời ra, tiếng vào. Vợ tôi còn nói nữa, huống hồ là người dưng”, ông tâm sự.

Vào những năm 1996 - 1997, để tạo bước đột phá, tỉnh Long An chủ trương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng nhà máy, khu công nghiệp. Lao động nông nghiệp thu nhập thấp chuyển dần sang lao động công nghiệp. Những người trẻ khỏe quê ông cũng lần lượt rời quê đi làm tại các khu công nghiệp. Vậy là, tới mùa vụ mới nhân công lại càng thiếu. Để giải quyết vấn đề đó, ông tiếp tục chế tạo ra chiếc máy gặt đập liên hợp. Tới năm 1998, máy chính thức được đưa vào sản xuất và trở thành hàng hóa buôn bán cho thị trường cả nước. Trung bình mỗi năm xuất xưởng khoảng 20 chiếc.

Với máy gặt đập liên hợp, giai đoạn ban đầu để hoàn thiện ý tưởng, máy cũng có nhiều mẫu mã, nhiều thử nghiệm. Cho đến khi sàng lọc được mẫu thì cũng mất khoảng 3 năm. Ông Chín cho biết: “Mình phải chỉnh sửa, đưa đi thu hoạch, qua từng mùa, từng vụ, từng loại giống lúa, từng thổ nhưỡng đất mềm, cứng, chua phèn khác nhau mới ra được sản phẩm hoàn chỉnh”.

Không ngủ quên trên danh hiệu anh hùng

Năm 2002, ông Chín được đặc cách phong Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đến nay, trong lĩnh vực chế tạo máy móc phục vụ nông nghiệp, góp phần cơ giới hóa nông thôn, chỉ có mình ông Chín Nghĩa được nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng. Ông là một trong những người đi tiên phong từ khi bắt đầu đổi mới và qua từng mốc son lịch sử phát triển của kinh tế nông thôn. Nhờ những đóng góp của ông, đánh giá về cơ giới hóa, Long An được đánh giá cao hàng đầu cả nước. Ông sáng tạo phục vụ cho bà con Long An, sau đó thành công lan ra các tỉnh, nhiều nhất là các tỉnh ĐBSCL và miền Đông Nam bộ. Ông Chín cho biết: “Hồi đó, có rất nhiều người đến mua máy. Có người, tận ngoài Bắc cũng lặn lội vào đây đặt mua số lượng lớn”.

Không ngủ quên trên vinh quang, rất nhiều năm qua, ông đã lần lượt cho ra đời thêm rất nhiều loại máy móc hỗ trợ nông nghiệp khác, đạt rất nhiều giải sáng tạo tại các cuộc thi của tỉnh, khu vực: máy gặt xếp dãy (1986), máy gặt đập liên hợp (1996); máy thu hoạch đay (2012); máy gieo xạ đay, mè, đậu xanh, đậu phộng, bắp (2013); máy đánh rãnh thoát nước, máy bón phân, máy vùi rơm rạ (2014);… “Trước đây, tôi chỉ là một nông dân bình thường, phục vụ cho nông nghiệp nông thôn ở địa phương, thấy những công việc nào cần máy móc hỗ trợ thì cố gắng chế tạo. Mình làm vì đam mê. Nhưng sau được phong anh hùng lao động tôi lại thấy mình cần phải có trách nhiệm nhiều hơn”, ông chia sẻ.

Vùng Đồng Tháp Mười, diện tích đất phèn khá lớn. Long An quê ông Chín có diện tích đất nông nghiệp chiếm 2/3 vùng Đồng Tháp Mười. Do đó, một phần diện tích sản xuất lúa hè thu kém hiệu quả, nông dân chuyển sang trồng cây đay làm nguyên liệu bột giấy. Khâu thu hoạch đay rất vất vả, máy móc trong nước không thể đáp ứng, lao động nông thôn ngày càng thiếu. Nhận được sự quan tâm của Sở Công thương Long An, ông bắt đầu sáng chế máy gặt đay.

Để tìm hiểu sâu quá trình sinh trưởng, phát triển của cây đay so với cây lúa, ông bơi xuồng vô các xã vùng sâu ở huyện Thạnh Hóa, Mộc Hóa gặp nông dân trồng đay hỏi han. Khi đã nắm tương đối đầy đủ về những vấn đề liên quan đến cây đay và người trồng đay, ông bắt tay thực hiện sáng tạo của mình. Năm 2012, máy thu hoạch đay đã ra đời phục vụ cho vùng nguyên liệu đay của tỉnh Long An. Máy thu hoạch đay là giải pháp mới nhất trong nước năm đó. Loại máy này giá trị sản phẩm hơn máy gặt đập liên hợp. Nói về lợi ích kinh tế, máy thu hoạch đay đem lại rất lớn, năng suất làm việc 0,8 - 1ha/giờ, tương đương 25 lao động thủ công và chỉ tốn 6 - 8 lít nhiên liệu. Máy tách nguyên liệu thành từng bó trọng lượng 30kg theo luồng, không ảnh hưởng diện tích chưa gặt. Khi máy đưa vào thu hoạch, bà con nông dân rất phấn khởi.

Năm 2013, máy thu hoạch đay do ông Chín phát minh đã đạt giải nhất hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Long An. Gắn bó với nhà nông nên những chiếc máy sáng tạo của ông đều rất thiết thực cho nông dân. Gần đây nhất, năm 2014, ông làm ra chiếc máy vùi rơm rạ. Tại nhiều địa phương, sau khi thu hoạch lúa hầu hết bà con nông dân phơi rơm rồi đốt đồng. Việc đốt đồng sẽ làm cho đất nhanh chóng bạc màu đồng thời gây ảnh cho môi trường. Hàng đêm, ông nằm suy nghĩ làm thế nào để khuyến khích nông dân sau khi thu hoạch không đốt đồng mà vùi rơm rạ lại để giữ mùn, giữ chất hữu cơ lại, tăng độ phì cho đất. Đất đảm bảo sẽ không bạc màu, sử dụng lâu dài.

Xuất phát từ ý nghĩa đó, ông Chín tiếp tục bắt tay vào chế tạo máy và đã thành công. Ngoài những giờ lao động ở xưởng, ông còn tham gia công tác xã hội, có nhiều đóng góp trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ông ấp ủ nhiều dự định, trăn trở “làm sao để nông dân làm giàu được trên chính mảnh đất của mình”.

Chia tay ông Chín, chúng tôi ra về mà trong lòng cứ khắc khoải cái nhìn trầm ngâm, lặng lẽ của ông. Cái lặng lẽ của một nông dân chân chất, sáng tạo, biết làm chủ mình, biết chiến đấu và biết chiến thắng bằng tấm lòng và niềm tin.

VÕ THẮM - HỒNG LỢI

Tin cùng chuyên mục