Toàn thắng là lẽ đương nhiên; bởi trong cuộc chiến đánh thắng một trong những “đế quốc to”, chúng ta đã thực hiện trọn vẹn lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Không chỉ thế, ngày 30-4-1975 được coi là ngày đoàn tụ; ngày cả nước chung một màu cờ cùng sát cánh xây dựng cuộc sống mới. Ngày ấy còn được coi là ngày hòa hợp dân tộc, đúng như trả lời báo chí của Thượng tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản TP Sài Gòn - Gia Định lúc bấy giờ: Kết thúc cuộc chiến kéo dài gần 30 năm, tất cả người Việt Nam đều là người chiến thắng. Chỉ có đế quốc Mỹ là kẻ bại trận…
Năm tháng qua đi, khi công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo ngày càng thu được thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước ta bước vào thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa, hội nhập quốc tế…, thì việc kỷ niệm ngày 30-4 có phần đổi mới, theo hướng hòa hợp dân tộc, tri ân những người đã hy sinh vì Tổ quốc; khơi gợi truyền thống đánh giặc giữ nước và đặc biệt nâng cao cảnh giác bảo vệ thành quả cách mạng; giữ yên từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Từ sự thay đổi nhận thức ấy, những năm gần đây kỷ niệm ngày 30-4 có nét riêng. Thay vì dẫn giải lại các cuộc tiến công; lý giải về thắng lợi của quá trình giải phóng đất nước, chúng ta tập trung bàn về việc đổi mới nhận thức, thu hút nguồn lực xã hội để làm sao “dân giàu, nước mạnh”, trong đó các vùng đất chiến trường xưa ngày càng giàu có và vững mạnh. Nhiều dự án, công trình có tầm cỡ từ quốc gia đến cơ sở, điển hình là cuộc cách mạng xanh “nông thôn mới”, đã thu hút được sức mạnh toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhiều công trình phúc lợi, dân sinh với sự vào cuộc đồng bộ của các thành phần kinh tế, trong đó kinh tế tư nhân được coi là một trong những động lực chủ yếu của nền kinh tế quốc dân, được thể hiện mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Rõ ràng, từ nhận thức đến hành động, kỷ niệm ngày 30-4, ngày thống nhất đất nước, ngày tri ân những người hy sinh vì Tổ quốc đã thiết thực hơn. Điều đó góp phần làm ấm lòng người Việt và bạn bè quốc tế; tạo động lực để thu hút mọi nguồn lực xã hội cùng chung tay xây dựng đất nước.
Kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm nay giữa lúc tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến phức tạp, khó lường. Đại dịch Covid-19 kéo dài hai năm nay để lại hậu quả thảm khốc cả về sinh mạng con người và các hoạt động kinh tế - xã hội. Đại dịch chưa dứt thì cuộc chiến giữa các thế lực lớn trên thế giới bùng nổ, gây ra sự bất an toàn cầu. Trong đó, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine là một ví dụ cụ thể.
Kỷ niệm ngày 30-4 càng có ý nghĩa dưới góc độ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân; đặc biệt bảo vệ nguyên vẹn từng tấc đất, lãnh hải, bầu trời thiêng liêng của Tổ quốc. Việc xây dựng quân đội, lực lượng vũ trang, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân cần đổi mới theo hướng chú trọng thực chất. Phải xây dựng lực lượng vũ trang mạnh cả về tư tưởng chính trị và trình độ tác chiến, đủ sức bảo vệ Tổ quốc từ xa, trong mọi tình huống. Không bao giờ để Tổ quốc bị bất ngờ khi có kẻ thù xâm lược hoặc các thế lực thù địch âm mưu lật đổ Đảng, Nhà nước, chính quyền nhân dân. Làm được như thế, việc kỷ niệm ngày 30-4 mới có ý nghĩa thiết thực; tạo động lực để thu hút mọi nguồn lực xã hội cùng chung tay bảo vệ và xây dựng đất nước.