Kỷ niệm làm phim “Ông Cố vấn” với nhà văn Hữu Mai

Kỷ niệm làm phim “Ông Cố vấn” với nhà văn Hữu Mai

Tôi thật sự bàng hoàng khi hay tin nhà văn Hữu Mai đã qua đời ngày 17-6-2007 tại Hà Nội. Anh sinh năm 1926, tuổi thọ tuy đã cao, nhưng đối với nền văn học nước nhà sự ra đi của anh đến quá sớm trong lúc anh còn nhiều dự án quan trọng chưa kịp hoàn thành. Sự mất mát lớn này đã gây niềm thương tiếc vô cùng cho rất nhiều người ái mộ, nhất là cho tôi, luôn giữ mãi trong tâm khảm hình bóng người anh thân thiết, người bạn vong niên gương mẫu trong lao động tri thức.

Với cương vị đạo diễn điện ảnh suốt chiều dài gần nửa thế kỷ, tôi đã hợp tác với rất nhiều văn nghệ sĩ để hoàn thành hơn 30 bộ phim truyện. Nhưng có thể nói tôi giữ được kỷ niệm sâu đậm nhất chính là trong dịp cùng đồng hành với nhà văn Hữu Mai để thực hiện phim Ông Cố vấn.

Kỷ niệm làm phim “Ông Cố vấn” với nhà văn Hữu Mai ảnh 1

Cảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu trong phim “Ông Cố vấn”.

Vào khoảng gần cuối năm 1994, tôi đến tỉnh Đắc Lắc để tìm thêm tư liệu hoàn tất hai kịch bản điện ảnh Bác sĩ Yersin và Đam San. Trong dịp ấy, tôi gặp lần đầu tiên anh Hữu Mai ở Nhà khách của tỉnh, chỉ trao đổi được với anh vài câu chuyện văn nghệ.

Nhưng hôm sau, trước khi từ giã nhau, bỗng nhiên anh Hữu Mai hỏi tôi có thể nhận lời làm đạo diễn cho một bộ phim sắp thực hiện của Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam không? Tôi đã trả lời rằng lời mời ấy là niềm vinh hạnh đối với tôi, nhưng tôi đang sắp sửa thực hiện sớm phim Người con gái Đất đỏ cho Xưởng phim Công an Nhân dân dự kiến đến đầu năm 1995 mới xong.

Anh Hữu Mai cho biết thời gian ấy rất thích hợp, vì còn phải chuẩn bị trước thật kỹ cho bộ phim sắp làm, phim truyền hình nhiều tập Ông Cố vấn. Thế là chúng tôi đã ký kết với nhau một bản “hợp đồng miệng”: hợp tác với nhau làm phim.

Về sau, qua một cuộc phỏng vấn đăng trên báo, tôi mới hiểu rõ lý do chọn lựa của anh Hữu Mai: “Về việc chọn đạo diễn cho phim, ông Hữu Mai cho biết ông Lê Dân và ông Phạm Kỳ Nam là hai đạo diễn Việt Nam được đào tạo ở Paris. Ông Lê Dân lại sống và làm việc ở miền Nam trước ngày giải phóng và cũng từng tham gia hoạt động cách mạng, từng ngồi qua các khám ở Sài Gòn. Tham khảo ý kiến của nhiều người trong nghề, đa số đều cho đó là một quyết định chính xác”.

Chọn một đạo diễn chưa hề quen biết trước, không thiên vị bạn bè, không bị ràng buộc bởi áp lực nào, mà chỉ vì lòng tin tưởng vào người có khả năng hoàn thành nhiệm vụ, thái độ ấy của anh Hữu Mai đã khiến cho tôi vô cùng kính phục, và sự kính phục đó chuyển dần thành lòng quý mến chân thành đối với anh, trải qua thời gian cùng nhau sát cánh thực hiện tác phẩm chung.

Trước hết, tôi quý anh Hữu Mai vì anh biết tôn trọng địa vị và quyền hạn của đạo diễn điện ảnh. Là giám đốc hãng phim, có trách nhiệm chính về quản lý tài chính, lại còn là tác giả kịch bản văn học xuất phát từ bộ tiểu thuyết tình báo rất nổi tiếng “Ông Cố vấn”, nhưng anh Hữu Mai không hề lấn sang lĩnh vực của đạo diễn, trái lại anh dành cho tôi trọn quyền chọn ê kíp kỹ thuật và toàn quyền tuyển lựa diễn viên, quyền điều khiển đoàn phim ở hiện trường, có chăng là đôi khi anh nhỏ nhẹ gợi ý, nhưng quyền quyết định cuối cùng vẫn thuộc về tôi.

Nhờ có thái độ lịch lãm của anh Hữu Mai, tôi đã quy tụ được những chuyên viên giỏi, làm việc rất ăn ý với nhau. Có thể nói tôi đã có cơ may được làm việc với một đoàn phim tuyệt vời, gồm những thành phần đầy đủ khả năng, rất hòa hợp, biết tôn trọng kỷ luật chung, luôn phấn khởi trong không khí anh em của một gia đình đoàn kết.

Riêng anh Hữu Mai, tác giả kịch bản văn học và biên tập chính của bộ phim, anh đã sát cánh cùng tôi suốt nhiều tháng ngày dong ruổi từ Bắc chí Nam, qua những thành phố lớn Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh để đi theo từng bước hoạt động của nhân vật chính: nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ, tức “ông Cố vấn”. Mỗi ngày, anh Hữu Mai đều có mặt bên cạnh tôi ở hiện trường.

Anh khiêm tốn nói: đi theo tôi để học cách làm phim của tôi. Thật ra, anh đã giúp tôi rất nhiều. Ở hiện trường, anh ít nói, thường im lặng để xem tôi làm. Chờ đến tối, trong bữa cơm chung giữa vợ chồng anh và vợ chồng tôi, anh mới góp ý đôi điều cho các phân đoạn sau chưa quay, nhất là anh xin được chỉnh một số lời thoại do anh viết cho hay hơn.

Cuối cùng, 10 tập đầu của bộ phim Ông Cố vấn đã ra mắt khán giả truyền hình toàn quốc, có tiếng vang tốt trong hai năm 1995-1996. Tôi còn đang giữ được một tập hồ sơ dày cộm hàng trăm bài báo viết về phim này. Bộ phim đã được Nhà nước tài trợ bằng cách đặt hàng cho 10 tập đầu tiên trong số 50 tập dự kiến. Nhưng sau 10 tập ấy, mặc dù được nhiều người hoan nghênh và “Hãng phim Hội Nhà văn” nhắc nhở, vận động mãi vẫn không được Nhà nước tài trợ tiếp, đành phải ngưng cuộc hành trình vất vả.

Anh Hữu Mai ơi! Thôi đành xem phim Ông Cố vấn của chúng ta là “Một đường tơ chưa dứt”, chưa dứt nhưng hy vọng sẽ còn được người đời nhắc đến, như bản Symphonie inachevée của nhạc sĩ Schubert!  

Đạo diễn - NSƯT LÊ DÂN

Tin cùng chuyên mục