Địa điểm lịch sử
Trong các địa điểm tổ chức lễ tưởng niệm có thị trấn Wielun, nơi phát xít Đức bắt đầu ném bom (lúc 4 giờ 40 phút ngày 1-9-1939), mở đầu cho Thế chiến II. Theo ước tính, có khoảng 1.200 người tại Wielun đã thiệt mạng trong ngày 1-9. Còn tại bán đảo Westerplatte thuộc TP Gdansk (Bắc Ba Lan), 85 năm trước, vào lúc 4 giờ 45 phút, chiến hạm Schleswig-Holstein của phát xít Đức bắt đầu pháo kích vào một kho quân sự của Ba Lan, đánh dấu trận chiến đầu tiên của cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng khoảng 75 triệu người.
Đài phát thanh Ba Lan cho biết lãnh đạo nhà nước và chính quyền địa phương sẽ dự lễ tưởng niệm được tổ chức gần tượng đài vinh danh những người bảo vệ bờ biển Ba Lan ở TP Gdansk. Năm 2019, tại lễ tưởng niệm 80 năm được tổ chức tại thủ đô Warsaw, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, Thủ tướng Đức Angela Merkel vào thời điểm đó, cùng hơn 40 đoàn khách quốc tế đã tới tham dự lễ tưởng niệm, cho thấy tầm quan trọng của sự kiện này trên trường quốc tế.
Chiến tranh kiểu mới?
Nếu như Thế chiến II là cuộc chiến toàn diện trong lịch sử, kéo theo những tổn thất vô cùng to lớn cho hầu hết mọi lục địa trên thế giới thì quan sát những biến động, xung đột đang diễn ra trên toàn cầu, trang investigaction.net có bài viết nhận định thế giới đang ở thời điểm chưa từng có.
Theo trang web này, một cuộc chiến tranh thế giới đang diễn ra, nhưng không có tên gọi cụ thể. Cuộc chiến này không được tuyên bố chính thức và không dẫn đến một cuộc tổng động viên hay các trận chiến quy mô lớn; không có ngày phát động cũng như không có triển vọng kết thúc. Đây là cuộc chiến tranh thế giới kéo dài, thường trực và là một cuộc chiến tranh kiểu mới.
Tình hình hiện tại có nhiều khác biệt, rõ ràng nhất là sự xuất hiện từ năm 1945 của vũ khí hạt nhân và sự hình thành các kho vũ khí khổng lồ do Nga và Mỹ nắm giữ (90% tổng kho vũ khí thế giới). Điều này được hiểu rằng việc tuyên bố chiến tranh trực diện và tổng lực, như Thế chiến I và II chỉ có thể là lựa chọn cuối cùng. Cuộc chiến tranh thế giới hiện nay mang nhiều hơi hướng của các cuộc “chiến tranh hỗn hợp”.
Gây mất ổn định, hỗn loạn, lật đổ chế độ, sụp đổ từ bên trong... vẫn là những phương pháp được lựa chọn. Nhưng các cuộc “chiến tranh hỗn hợp” này có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và trở thành các cuộc chiến tranh trực tiếp kéo theo những nguy cơ hạt nhân.
Trong khi đó, báo The Straits Times đã có bài viết nói về ít nhất 5 “đường đứt gãy” tại châu Á có thể dẫn đến chiến tranh, liên quan đến căng thẳng gần đây giữa các quốc gia trong khu vực như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản… Theo tờ báo của Singapore, phản ứng hợp lý của các quốc gia châu Á là nên chủ động đẩy mạnh các nỗ lực kiến tạo hòa bình hay ngăn chặn chiến tranh. Nếu một cuộc chiến xảy ra sẽ tác động về tâm lý và vật chất rất lớn, với những ảnh hưởng dây chuyền gây tổn hại đến niềm tin về đầu tư và tăng trưởng kinh tế của cả khu vực.