Từ khởi nghĩa Bắc Sơn
Sau khởi nghĩa Bắc Sơn, Xứ ủy Bắc Kỳ cử đồng chí Trần Đăng Ninh lên lãnh đạo phong trào. Giữa tháng 10-1940, ban chỉ huy khu được thành lập do đồng chí Trần Đăng Ninh đứng đầu. Ngày 13-10, cuộc họp ở rừng Tân Hương quyết định thành lập đơn vị du kích Bắc Sơn đầu tiên. Ngày 28-10-1940, quần chúng cách mạng tổ chức cuộc mít tinh ở Trường Vũ Lăng, chuẩn bị chiếm lại đồn Mỏ Nhai, nhưng bị quân Pháp đánh úp. Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn tuy thất bại, chưa biết nắm thời cơ ban đầu để mở rộng thanh thế của mình, thành lập chính quyền, nhưng đã bóc trần dã tâm của quân xâm lược và tạo ra lực lượng vũ trang đầu tiên do Đảng tổ chức và lãnh đạo, sau này phát triển thành Việt Nam Cứu quốc quân, làm nòng cốt cho việc xây dựng căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai.
ở di tích ngày Nam Kỳ khởi nghĩa tại huyện Hóc Môn, TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Có thể nói, quy mô, tính chất của khởi nghĩa Bắc Sơn nhỏ hơn nhiều so với khởi nghĩa Nam kỳ nhưng từ đó đã thành lập được lực lượng vũ trang, căn cứ địa cách mạng và làm cơ sở cả về lý luận lẫn thực tiễn cho các vấn đề này của Đảng, sẽ được hình thành vài năm sau đó. Còn trong khởi nghĩa Nam Kỳ, hầu hết các lực lượng bị tan rã, không do bị thực dân Pháp khủng bố trắng thì cũng tự giải tán. Các nhóm khởi nghĩa còn trụ được thực sự chưa hình thành nên những lực lượng chưa tạo nên được căn cứ địa như trong khởi nghĩa Bắc Sơn. Lúc bấy giờ, số du kích Hóc Môn, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc… có trên 1.000 chiến sĩ đầy đủ tinh thần chiến đấu, trên 100 khẩu súng. Phía Bắc có rừng Tây Ninh, Thủ Dầu Một; phía Đông có rừng Sác; phía Tây có Đồng Tháp Mười; ở giữa là hàng trăm làng xã có truyền thống cách mạng. Nhưng lúc bấy giờ ta thiếu chủ trương và kinh nghiệm bảo tồn lực lượng vũ trang, thiếu một đường lối chiến tranh thích hợp, cho nên không làm được những điều mà du kích Bắc Sơn đã làm được.
Bài học quý
Trong số các địa phương diễn ra cuộc khởi nghĩa mạnh nhất, Mỹ Tho là tỉnh giữ được chính quyền lâu nhất. Ngày 14-12-1940, quân địch mở cuộc tấn công lớn, có cả thủy, lục, không quân đánh vào vùng giải phóng. Nhưng mãi đến ngày 14-1-1941, địch mới chiếm lại được các bốt, đồn đã bị quân ta chiếm và kiểm soát. Quân du kích tạm rút vào Đồng Tháp Mười. Như vậy, dù giành được chính quyền trên dưới một tháng nhưng ngay ở Mỹ Tho, chính quyền cách mạng cũng chưa tạo được các căn cứ để có thể tổ chức kháng chiến lâu dài, khi biết chắc khởi nghĩa không thể giữ được chính quyền do trên khắp Nam Kỳ, địch đã hoàn toàn đàn áp được cuộc khởi nghĩa.
Có thể nói, các tính toán “dài hơi” cho cuộc khởi nghĩa cũng như các phương án sau khởi nghĩa cũng chưa được chuẩn bị kỹ càng, kể cả cho tình huống khởi nghĩa không thành công như mong đợi, nên lực lượng bị đàn áp dữ dội, nhiều nơi “trắng” đảng viên, số còn lại cũng không thể hoạt động, thậm chí sau đó, Xứ ủy cũng không được tổ chức, dẫn đến ra đời cùng lúc 2 Xứ ủy là Tiền phong và Giải phóng. Hay việc chuẩn bị căn cứ địa nhằm tiến hành kháng chiến cũng chưa được tổ chức thực hiện nên các bước rút lui cũng chỉ là một tình thế bị động chứ không phải chủ động cho một tình thế chiến tranh mới.
Cuộc khởi nghĩa để lại những cứ liệu, trải nghiệm và bài học cách mạng sống động để Xứ ủy nói riêng và Đảng ta nói chung trưởng thành hơn, vững vàng hơn, mạnh mẽ hơn. Cùng với cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (tháng 9-1940) và cuộc nổi dậy của binh lính Đô Lương (tháng 1-1941), cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã trở thành điểm son trong lịch sử dân tộc và cách mạng nước ta, như khẳng định của Đảng ta: “Là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu tranh đấu bằng võ lực của các dân tộc ở một nước Đông Dương”.
Khởi nghĩa Nam Kỳ là bài học quý báu về vấn đề chỉ đạo khởi nghĩa vũ trang, chuẩn bị cho Đảng những kinh nghiệm để giành thắng lợi trong khởi nghĩa tháng 8-1945. Một trong những bài học đó là vấn đề bảo tồn và phát triển lực lượng cách mạng.
Một điểm rất sáng từ sau khởi nghĩa Nam Kỳ là các tổ chức của Đảng đã được khôi phục rất nhanh dù bị đàn áp, ruồng bố dữ dội. Bọn cầm quyền hể hả tin rằng 15-20 năm nữa cộng sản vẫn không ngóc đầu lên được. Nhưng chúng đã lầm, vì chỉ ít năm sau, cao trào cách mạng lên rất nhanh với sự tham gia rất đông đảo của quần chúng yêu nước và sự lãnh đạo đều khắp của các đảng viên cộng sản. Từ đó, chúng ta đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 long trời lở đất, giành được chính quyền về tay nhân dân một cách trọn vẹn và gần như không có tổn thất. |