Vua Bảo Đại trao ấn, kiếm
Trong không khí cả nước kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2-9, cả Cố đô Huế rợp bóng cờ hoa, biểu ngữ tung bay phấp phới. Chúng tôi ghé thăm vị lão thành cách mạng Nguyễn Trung Chính, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế giai đoạn 1989-1991, một nhân chứng của Khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8 giành chính quyền cách đây 79 năm.
Cụ Nguyễn Trung Chính năm nay 95 tuổi nhưng đôi mắt sáng rực, khuôn mặt tràn đầy hạnh phúc khi kể về khí thế sôi sục trong những ngày mùa thu lịch sử năm 1945 tại kinh thành Huế. Cụ bảo, khi có chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Trung ương Đảng vào tháng 3-1945, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế quyết định chớp thời cơ, phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền. Từ ngày 18 đến ngày 22-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa các huyện trong tỉnh Thừa Thiên Huế đồng loạt nổi dậy giành chính quyền. Tối 22-8, Ủy ban Khởi nghĩa của tỉnh Thừa Thiên Huế gửi tối hậu thư cho vua Bảo Đại, yêu cầu phải thoái vị. Hàng vạn người dân toàn tỉnh và các đội Cứu quốc quân tiến về sân vận động Huế với muôn vàn cờ hoa, cùng nhau hô vang khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Nước Việt Nam của người Việt Nam”…
Khí thế của quần chúng đã biến cuộc mít tinh của Chính phủ Trần Trọng Kim mừng việc Nhật trao trả quyền cai trị Nam kỳ cho triều đình nhà Nguyễn ở sân vận động Huế thành cuộc mít tinh biểu dương lực lượng, giành chính quyền của ta. Tại đây, đồng chí Tố Hữu, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa, đọc diễn văn và tuyên bố: từ nay chính quyền về tay nhân dân. Đồng thời, giới thiệu ra mắt Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông Tôn Quang Phiệt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời, kêu gọi toàn dân đoàn kết xây dựng và bảo vệ chính quyền nhân dân.
Một tuần sau, ngày 30-8-1945, hàng ngàn người dân tụ họp về Quảng trường Ngọ Môn, chứng kiến một sự kiện lịch sử trọng đại: vua Bảo Đại từ Điện Kiến Trung (Hoàng thành Huế) tiến về cửa Ngọ Môn để làm lễ thoái vị và trao ấn, kiếm cho đại diện Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Trong không khí nghiêm trang, cờ quẻ ly bị hạ xuống, cờ đỏ sao vàng được kéo lên, đại diện Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tuyên bố xóa bỏ chính thể quân chủ ở Huế cũng như trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, công bố chính sách của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Phát huy giá trị di tích liên quan Cách mạng Tháng 8
Điện Kiến Trung - Đại nội Huế là nơi vua Bảo Đại tiếp xúc với phái đoàn Chính phủ lâm thời để chính thức họp bàn thoái vị, trao lại quyền điều hành cho Chính phủ Cách mạng lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào chiều 30-8-1945. Đáng tiếc, vào năm 1947, do chiến tranh, công trình này gần như bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại nền móng.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho biết, sau 72 năm tồn tại ở dạng phế tích, ngày 16-2-2019, di tích Điện Kiến Trung được khởi công tu bổ, phục hồi và tôn tạo. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 123 tỷ đồng, thực hiện trùng tu, tôn tạo các công trình trong khuôn viên ngôi điện; tu bổ phục hồi lầu Kiến Trung 2 tầng. Hiện công trình đã được phục dựng gần như nguyên vẹn và mở cửa phục vụ du khách tham quan từ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế, 25 năm qua, kể từ khi Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, Điện Kiến Trung là công trình có quy mô lớn nhất được nghiên cứu phục hồi. Việc trùng tu khôi phục Điện Kiến Trung có ý nghĩa rất lớn, khẳng định năng lực của Thừa Thiên Huế trong trùng tu, bảo tồn di sản của kiến trúc cung đình Huế.
Tỉnh Thừa Thiên Huế còn hiện hữu nhiều “địa chỉ đỏ” mang đậm dấu ấn Cách mạng Tháng 8 năm 1945. Đó là Nhà lưu niệm Xứ ủy Trung kỳ; đình Bàn Môn, đình Hòa Phong, đình Hiền Sỹ, chợ Viễn Trình, chợ Mỹ Lợi, đình An Cựu, nhà ông Lê Tư Minh, nhà máy vôi Long Thọ, nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diểu, bến đò Vĩnh Tu, hội nghị đầm Cầu Hai... Những di tích, điểm di tích lịch sử này đã góp phần làm nên lịch sử khởi nghĩa Tháng 8 thành công, xóa bỏ hoàn toàn chế độ áp bức thực dân phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân.
Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, cho biết, chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan đã nỗ lực bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích, điểm di tích lịch sử liên quan đến Cách mạng Tháng 8 trên địa bàn. Trong đó, nhiều đình làng là nơi ghi lại dấu ấn của nhân dân đứng lên giành chính quyền.
“Trải qua thời gian, biến động của lịch sử, nhiều đình làng vẫn được chú trọng tôn tạo, giữ gìn. Điều đó thêm khẳng định vị thế của đình làng trong đời sống tâm linh, là “quốc hồn, quốc túy” văn hóa Việt”, ông Nguyễn Đức Lộc chia sẻ.