Niềm tin ấy được bắt nguồn từ đường lối kháng chiến, kiến quốc, độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta và tạo nên ý chí quyết tâm, vượt qua khó khăn, gian khổ, vững tin đánh giặc. Tự hào về chiến công năm xưa, càng đòi hỏi về trách nhiệm trong chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh, tạo thế trận lòng dân, lòng quân vững chắc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
1.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á ra đời, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân lao động Việt Nam trở thành người chủ đất nước, có quyền tự quyết vận mệnh dân tộc sau gần một thế kỷ chịu cảnh áp bức, nô dịch của thực dân, phong kiến.
Song, chính quyền cách mạng non trẻ nước ta vừa mới ra đời đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, thù trong giặc ngoài bao vây tứ phía; vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”. Nghiêm trọng hơn cả là nạn ngoại xâm, từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc, 20 vạn quân Tưởng, theo sau là lực lượng tay sai, phản động kéo vào nước ta với danh nghĩa đồng minh “giải giáp quân Nhật”, nhưng thực chất là thực hiện mưu đồ lật đổ chính quyền cách mạng; hơn một vạn quân Anh dọn đường cho quân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Ngoài ra, trên cả nước ta còn rải rác hơn 6 vạn quân Nhật; bọn phản động trong nước ngóc đầu dậy làm tay sai cho Pháp, chống phá cách mạng…
Được quân Anh trợ giúp, ngay từ khi đặt chân tới Sài Gòn, quân Pháp có hàng loạt hành động ngang ngược và liên tục có những hành động khiêu khích quân sự, đánh chiếm trụ sở Ủy ban hành chính lâm thời Nam bộ, cơ quan Quốc gia tự vệ cuộc Nam bộ, cướp ngân hàng, bưu điện..., xả súng vào các cuộc biểu tình không vũ trang của nhân dân, gây đổ máu trên đường phố Sài Gòn…
Trước hành động gây hấn của kẻ thù, rạng sáng ngày 23-9-1945, Xứ ủy, UBND Nam bộ tổ chức hội nghị tại đường Cây Mai (Chợ Lớn). Hội nghị phân tích, so sánh lực lượng giữa ta với địch, nhất trí tán thành chủ trương và ra lời kêu gọi quân, dân Nam bộ đứng lên chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ nền độc lập; quyết định thành lập Ủy ban kháng chiến Nam bộ; đồng thời báo cáo với Trung ương Đảng và Chính phủ quyết tâm kháng chiến của đồng bào miền Nam.
Thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam bộ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam bộ, tiêu biểu là nhân dân Sài Gòn, anh dũng đứng lên với ý chí quyết tâm bảo vệ chính quyền cách mạng. Ngay chiều 23-9-1945, nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn triệt để đình công, không hợp tác với giặc Pháp. Các công sở, nhà máy, xí nghiệp, hãng buôn đóng cửa, xe cộ ngừng chạy; công nhân bãi công cắt toàn bộ điện, nước. Bàn ghế, giường phản, hòm tủ... được chuyển ra khắp các phố phường dựng chiến lũy, ụ chiến đấu. Các đội du kích, tự vệ chiến đấu nhanh chóng được thành lập tại các nhà máy, xí nghiệp, công sở, trường học, phố phường, thôn ấp... kiên quyết đánh trả quân xâm lược và giành nhiều chiến công xuất sắc.
Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa, nhân dân Nam bộ đã nhất tề nổi dậy kháng chiến chống Pháp. Ảnh: Tư liệu |
2.
Tinh thần kháng chiến anh dũng của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn vang dội khắp cả nước. Cả nước hướng về Nam bộ anh hùng.
Đó là kết quả của ý chí quyết tâm, lòng quả cảm của cả dân tộc được hội tụ, kết tinh từ sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng với đường lối cách mạng đúng đắn. Trong đó, chính trị, tinh thần là nhân tố có ý nghĩa quyết định nhất đến mọi thắng lợi.
Nhân tố chính trị, tinh thần - nguồn sức mạnh để quân và dân ta đứng vững trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam bộ, là sự kết tinh và phát triển các giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, mà đỉnh cao là chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam được nâng lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh.
Sức mạnh của nhân tố chính trị, tinh thần trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam bộ được bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo và tài thao lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là động lực vô cùng mạnh mẽ, tạo ra sức mạnh tổng hợp cổ vũ, động viên quân và dân Nam bộ vượt qua mọi gian nan, vững tin đánh giặc với tinh thần và khí thế sục sôi của cả dân tộc. Bởi vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Ủy ban kháng chiến Nam bộ, nhân dân Nam bộ, tiêu biểu là nhân dân Sài Gòn, đã nhất tề đứng lên chống quân xâm lược, mở ra trang sử oanh liệt mới: Nam bộ kháng chiến.
Nhân tố chính trị, tinh thần trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam bộ cũng được kết tinh từ truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, khát vọng tự do, độc lập dân tộc. Đó là lòng yêu nước sâu sắc, tinh thần chiến đấu quả cảm, quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc của nhân dân Nam bộ cũng như nhân dân cả nước. Trong một tháng (từ ngày 23-9 đến ngày 23-10-1945), với vũ khí ít ỏi, thô sơ, nhưng tinh thần chiến đấu kiên cường, gan dạ của quân và dân Nam bộ đã làm chậm bước tiến của quân Pháp, tạo điều kiện cho cả nước chuẩn bị tinh thần, lực lượng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ Tổ quốc.
"Kỷ niệm 78 năm Ngày Nam bộ kháng chiến là dịp chúng ta ôn lại những bài học quý của lịch sử dân tộc, trong đó có bài học về phát huy nhân tố chính trị, tinh thần - nguồn lực to lớn để dân tộc Việt Nam nói chung, đồng bào Nam bộ nói riêng, đứng vững trong thời điểm hiểm nghèo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tạo tiền đề chuẩn bị tiềm lực mọi mặt cho cuộc kháng chiến trường kỳ giải phóng dân tộc giành thắng lợi. Bài học quan trọng đó cần tiếp tục được vận dụng nhuần nhuyễn, để phát huy nguồn lực to lớn của dân tộc Việt Nam trong xây dựng, phát triển đất nước hùng cường"
Thượng tướng NGUYỄN TRỌNG NGHĨA
3.
Nhân tố chính trị, tinh thần trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam bộ xuất phát từ niềm tin thắng lợi của quân và dân ta về cuộc chiến tranh tự vệ chính nghĩa. Niềm tin vào thắng lợi của dân tộc Việt Nam và đồng bào Nam bộ trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp được bắt nguồn từ đường lối kháng chiến, kiến quốc, độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta; nhất là đường lối chính trị, quân sự, biểu hiện tập trung ở đường lối quốc phòng toàn dân, đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện; đường lối xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Là ý chí quyết tâm, vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh của đồng bào Nam bộ.
Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay đang đứng trước những thời cơ và thuận lợi to lớn do công cuộc đổi mới đất nước mang lại, nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn.
Song tình hình thế giới và khu vực, nhất là vấn đề biển Đông, vẫn đang diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường; sự tranh giành ảnh hưởng, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tiếp tục thực hiện mưu đồ “diễn biến hòa bình” gây bạo loạn lật đổ, thúc đẩy “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” quân đội hòng xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với quân đội và xã hội.
Bởi vậy, chuẩn bị lực lượng mọi mặt, chủ động nắm bắt tình hình, tích cực, chủ động nắm bắt thời cơ, phát huy sức mạnh tổng hợp, trong đó có nhân tố chính trị, tinh thần không chỉ là yếu tố quyết định thành công mà còn là cách tốt nhất đẩy lùi nguy cơ, là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Tự hào về chiến công Nam bộ kháng chiến năm xưa, chúng ta càng coi trọng xây dựng tiềm lực mọi mặt của đất nước vững mạnh, trọng tâm là tiềm lực chính trị, tinh thần; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh; nâng cao chất lượng công tác xây dựng, bảo vệ Đảng, bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý của các cấp chính quyền đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó là chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa quân đội với nhân dân, quân đội với công an, tạo thế trận lòng dân, lòng quân vững chắc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.