Kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam (9-1-1950 - 9-1-2024): Nhập cuộc để trưởng thành

Với tinh thần dấn thân vì cộng đồng, không ít bạn trẻ đã nỗ lực vươn lên từ hoạt động phong trào sinh viên, học sinh. Bên cạnh đó, nhiều chương trình hoạt động sôi nổi của tuổi trẻ chính là bệ đỡ cho các bạn học sinh, sinh viên có cơ hội trưởng thành, cống hiến sức trẻ cho xã hội.

Truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp nối

Trong hàng trăm học sinh, sinh viên có mặt tại chương trình kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam vào tối 7-1 tại TPHCM, chúng tôi ấn tượng với cô sinh viên Trần Thị Kiều Anh (Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TPHCM), gương mặt nhận giải thưởng “Sao tháng Giêng”. Kiều Anh vừa có nét của một cô gái trưởng thành vừa có sự sôi nổi của tuổi trẻ, và đặc biệt Kiều Anh thể hiện rõ nhiệt huyết dành cho công tác Hội.

i1f-5942.jpg
Sinh viên Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính, Trường ĐH Bách khoa TPHCM chia sẻ cùng trẻ em tại Làng trẻ mồ côi Picasso (TP Thủ Đức, TPHCM)

Kiều Anh chia sẻ, bản thân bén duyên với công tác Hội ngay từ năm nhất, với ngôi vị quán quân cuộc thi “Thủ lĩnh Sinh viên Kinh tế - Luật”. Công tác Hội đã giúp Kiều Anh có được hành trình trải nghiệm rất đặc biệt và trưởng thành hơn qua từng ngày. Suốt hơn 3 năm gắn bó với công tác Hội, điều Kiều Anh tâm đắc là hoạt động của Hội ngày càng gắn liền với đời sống sinh viên, giải quyết được nhu cầu vừa học tập, vừa tham gia các hoạt động phong trào, rèn luyện kỹ năng sống cho sinh viên.

Với Kiều Anh, dấu ấn lớn nhất trong chặng đường hoạt động Hội của mình là đã tích cực kiến tạo để Hội Sinh viên Việt Nam Trường Đại học Kinh tế - Luật nhận giải thưởng “Bồ câu trắng” cho mô hình, giải pháp tuyên truyền về hội sinh viên trường trên không gian mạng. Từ đây, các hoạt động của Hội ngày càng lan tỏa, thu hút nhiều sinh viên tham gia.

Trước ngưỡng cửa vào đời, nhìn lại những năm hoạt động sôi nổi của mình, điều Kiều Anh mong mỏi là truyền và tiếp thêm cảm hứng hoạt động Hội cho các em sinh viên khóa tiếp nối. Vì vậy, cô bạn đã ấp ủ dự án về cuốn tập san, chuyên san nhật ký làm công tác Hội. Thời gian đầu làm công tác Hội, Kiều Anh khá bỡ ngỡ vì phải tự mày mò tìm hiểu nhiều nội dung. Do vậy, khi đã có kinh nghiệm, Kiều Anh sẽ tập hợp thành một “tài nguyên” để các cán bộ Hội sau này kế thừa và phát triển. Điều này giúp các bạn định hình rõ hơn, không bị mơ hồ khi thực hiện các hoạt động, phong trào.

Giải thưởng “Sao tháng Giêng” không phải là danh hiệu đầu tiên mà Kiều Anh nhận được trong suốt quãng thời gian hoạt động Đoàn, Hội của mình. Khi đang là học sinh lớp 11, Kiều Anh đã vinh dự là một trong 68 học sinh đầu tiên trên cả nước nhận danh hiệu “Học sinh 3 tốt” cấp Trung ương khóa đầu tiên.

Góp sức tô đẹp cộng đồng

Chiến dịch “Xuân tình nguyện” lần thứ 16, năm 2024 của Trường ĐH Bách khoa TPHCM (ĐH Quốc gia TPHCM) vừa khởi động đã thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia. Các sinh viên Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính của trường đã có một ngày cuối tuần đầy ý nghĩa tại Làng trẻ mồ côi Picasso (TP Thủ Đức). Không chỉ đến thăm, phát quà cho trẻ đang sinh sống tại đây, các sinh viên còn dọn dẹp, trang trí góc tết tại các phòng và khu vực chung.

“Chúng em rất vui khi đã hoàn thành được một hoạt động ý nghĩa và chứa đựng nét đẹp của tình yêu thương trong cuộc sống. Chương trình không chỉ mang lại niềm vui cho các em kém may mắn, mà còn là một kỷ niệm gắn bó với tuổi trẻ của chúng em”, bạn Xuân Thanh chia sẻ.

i3b-54.jpg
Sinh viên tại huyện Nhà Bè trồng cây xanh trong chiến dịch “Xuân tình nguyện”

Ở Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam trường Phạm Ngọc Quý cho biết, từ thực tế nhiều xe bán hủ tiếu gõ, xe bánh mì… trên địa bàn khu vực trường học đã cũ, nhóm sinh viên trường lên ý tưởng và thực hiện công trình “Tết vẽ nụ cười” để khoác “áo” mới cho các xe bán hàng có biển hiệu đã cũ tại TP Thủ Đức trong ngày 9-1.

“Chúng mình biến những chiếc xe đã cũ trở nên sinh động hơn với hình ảnh tô hủ tiếu gõ, ổ bánh mì đầy màu sắc mùa xuân. Đây sẽ là món quà tinh thần sinh viên chúng mình gửi đến cô chú, với mong muốn cô chú có một mùa xuân tươi mới”, Ngọc Quý bày tỏ. Theo Ngọc Quý, thông qua chương trình tình nguyện mùa xuân này, các bạn sinh viên không chỉ được trải nghiệm không khí ngày tết mà còn được thực hiện những việc ý nghĩa, thiết thực, hiểu hơn về truyền thống của cha ông, giúp đỡ những người kém may mắn… từ đó giúp trau dồi tình yêu thương trong mỗi học sinh, sinh viên.

Còn tại huyện Nhà Bè, nhiều học sinh, sinh viên đã bắt tay thực hiện nhiều hoạt động trong chiến dịch “Xuân tình nguyện” bằng những việc làm thiết thực. Sau một ngày cùng làm việc vừa mệt vừa vui, nhóm học sinh, sinh viên đã thay “chiếc áo” mới cho ngôi nhà của bà Thạch Thị Hồng Niêm (ấp 4, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè). Gia đình bà Niêm thuộc diện hộ nghèo, nhà đã cũ và xuống cấp. Qua bàn tay và sức trẻ của các chiến sĩ “Xuân tình nguyện” huyện Nhà Bè, ngôi nhà được sơn mới để gia đình bà Niêm vui xuân, đón tết.

Theo Phó Bí thư Huyện đoàn Nhà Bè Trần Thị Thanh Thảo, ngay trong ngày ra quân chiến dịch “Xuân tình nguyện”, học sinh, sinh viên trên địa bàn huyện đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, như: ngày hội “Sống xanh” và ra quân dọn dẹp, khơi thông dòng chảy tại rạch Chùa Lớn, rạch Mười Ngon; tuyên truyền phòng chống tội phạm và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội cho chiến sĩ “Xuân tình nguyện”; dọn dẹp, tổng vệ sinh sân chơi thanh niên xã Long Thới; sơn mới nhà cho hộ khó khăn, hộ nghèo; trao quà đến các hộ dân khó khăn; viếng và dọn dẹp vệ sinh khuôn viên nhà truyền thống huyện; trồng cây xanh… Chị Thanh Thảo chia sẻ, thông qua các hoạt động, học sinh được trải nghiệm các việc làm ngoài lớp học, từ đó giúp các em được trưởng thành.

Tin cùng chuyên mục