Chuyển tiền AM
Có thể hiểu thế này: A là USD, M là tiền mặt - phương thức chuyển tiền AM là chi viện trực tiếp tiền mặt cho chiến trường miền Nam. Từ B.29, tiền được chi viện vào Nam theo 3 con đường - đường Hồ Chí Minh trên biển và đất liền, đường hàng không. Ngày ấy, cùng với những đoàn người, đoàn xe “xẻ dọc Trường Sơn”, có những chuyến xe chở “binh chủng tiền”, chi viện cho miền Nam.
Việc đóng gói và vận chuyển tiền vào chiến trường miền Nam do C100 - đơn vị vận tải của Đoàn 559, Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm. B.29 phối hợp với C100 chế tạo ra những thùng đặc biệt chống cháy để vận chuyển tiền.
Ông Lê Văn Châu (nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) kể: “Tiền sau khi cho vào thùng kẽm, tiếp tục được cho vào thùng gỗ ngụy trang… Trong lớp lớp những đoàn xe chở hàng ra mặt trận, có những chuyến xe đặc biệt chở những hòm sắt hàn kín được giao nhận theo những quy định nghiêm ngặt, có mật danh là “hàng Z”. Đó chính là những hòm ngoại tệ chi viện cho miền Nam, vào các chiến khu, các chiến trường ở Nam bộ cũng như Tây Nguyên, Tây Ninh…”.
Con đường thứ 2, tiền đi theo các đoàn tàu không số trên đường Hồ Chí Minh trên biển vào Nam. Cả 2 cách vận chuyển trên, dù tiền được đóng thùng và ngụy trang cẩn thận, tuy nhiên vẫn có nguy cơ bị địch phát hiện và mất khá nhiều thời gian.
Theo tài liệu giải mật từ năm 2009, chuyển tiền AM theo 2 con đường trên có nhiều nhược điểm: chậm, dễ bị lộ vì tiền phải qua nhiều trung gian sau đó mới đưa vào Trung ương Cục bằng tiền mặt; đường đi rất chậm, dễ bị ách tắc, dễ bị địch phát hiện qua theo dõi thị trường Sài Gòn và Hồng Công. Khối lượng vận tải ngày càng lớn trong khi Mỹ tăng cường đánh bom phá hoại, nên có lúc không tránh khỏi thiệt hại trong quá trình vận chuyển. B.29 đã nhận lại các loại tiền giấy ngoại tệ và biệt tệ bị cháy, tổ chức sắp xếp lại và bí mật mang đi tiêu thụ hơn 1,2 triệu USD trên thị trường tiền tệ quốc tế, đây là kết quả quan trọng về nghiệp vụ đặc biệt của B.29. Tuy nhiên, có hơn 4 triệu USD mặc dù thận trọng cẩn mật trong các hòm sắt, hòm thiếc nhưng đã bị địch đánh bom.
“Khi dỡ ra, tờ USD còn nguyên dạng nguyên hình, nhưng đụng vào tơi ra như bột”, ông Lê Văn Châu nhớ lại.
Con đường thứ 3 nhanh hơn, đó là đường hàng không. “Tiền được đặt trong “vali ngoại giao” hoặc nếu nhiều thì đóng vào các thùng ghi ngụy trang như đồ hộp xuất khẩu, đi theo tuyến hàng không Hà Nội - Phnom Penh hoặc Hà Nội - Quảng Châu - Phnom Penh. Cán bộ B.29 bề ngoài đóng giả là cán bộ ngoại giao, bay 3 giờ đến Phnom Penh. Từ Phnom Penh lại lấy ô tô biển đỏ ngoại giao của sứ quán ta chạy hướng đến Trung ương Cục miền Nam giao cho đồng chí Phạm Hùng mất thêm 3 giờ nữa. Như vậy 30 ngày đêm, rút xuống còn 6 giờ. Gần như hàng quý đều có chuyến “hàng mẫu” từ Hà Nội sang Phnom Penh và cứ như thế, nhiều chục triệu đô la Mỹ đã về đến Trung ương Cục miền Nam an toàn, nhanh chóng”, ông Lê Hoàng - nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nguyên Phó Tổng Giám đốc - Chủ tịch Vietcombank, kể lại.
Bác Bảy Thu (82 tuổi, tên thật Võ Hồ Việt) làm công tác chăm sóc sức khỏe cán bộ N.2683 và kiêm luôn một tay phụ tá việc văn phòng cho bác Mười Phi kể: “Hơn 10 năm hoạt động, N.2683 gần như hoạt động bí mật tuyệt đối, kẻ địch không thể nào phát hiện được. Chính các bác, các chú, các cô là đồng đội còn không ai biết ai, giải phóng vô mới biết, rồi lâu lâu mới gặp”. Vợ bác Bảy Thu, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Kim Cúc (80 tuổi), từng làm việc cho Văn phòng Ban Tài chính đặc biệt, nói thêm: “Công việc đơn vị các bác là công việc đơn tuyến. Có nghĩa việc ai nấy biết, giao tiền nhưng không ai biết ai. Thậm chí trong 1C (đơn vị nhỏ) cũng không được biết nhau. Như hai bác, là vợ chồng nhưng không hề nói cho nhau biết công việc của mình. Hồi bác nghỉ hộ sản 3 tháng, nhận nhiệm vụ xong dẫn 2 đứa con nhỏ đi làm mà bác trai đâu có biết. Đó là quy định bí mật tuyệt đối. Để chi? Để nếu địch có phát hiện thì cũng không kiếm được người thứ 2. Tới hòa bình bác mới dám kể lại cho ổng…”. |
Những người sống trong kho tiền
Buổi họp mặt truyền thống của N.2683 được tổ chức tại TPHCM vào giữa tháng 4-2021. Từng người có mặt trong buổi gặp gỡ đó, được bác trưởng ban liên lạc giới thiệu, nhưng không phải ai cũng biết nhau, dù từng hoạt động cùng đơn vị. Điều đó nói lên sự bí mật tuyệt đối của đơn vị này.
Chúng tôi gặp một số cô chú ở đây, để được hiểu về những con người từng “sống trong kho tiền” ở Trung ương Cục miền Nam. Cô Năm Hoa (Mai Kim Bé, 74 tuổi, ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) là một người như vậy. 15, 16 tuổi, cô Hoa tham gia cách mạng, làm giao liên, đến năm 17 tuổi thì theo B6 (tiền thân của N.2683)... bắt đầu bằng việc nhận nhiệm vụ viết thư mật giao cho ông Mười Phi (Nguyễn Văn Phi, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Tài chính đặc biệt - N.2683), Ba Châu (Lữ Minh Châu, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó trưởng Ban Tài chính đặc biệt - N.2683).
Tiền chi viện từ B.29 về đến Trung ương Cục miền Nam và bắt đầu được chia nhỏ về các căn cứ của ta để mua sắm vũ khí, thuốc men, nuôi quân…
“Tui với má xếp vàng miếng Kim Thành cả một cần xé, rồi phủ bầu bí lên trên, có bữa thì xếp tiền rồi có một bộ phận khác nhận chuyển về Cầu Muối, quận 4, Sài Gòn. Hồi đó, thiệt tình hông biết là tiền, vàng ở đâu quá trời, nhà mình thì nghèo rớt mùng tơi, chứ không có suy nghĩ túi riêng túi tư gì hết, chỉ mong hòa bình”, cô Hoa nhớ lại.
Và cũng như B.29, những ai tham gia vào N.2683 cũng hoàn toàn bí mật và hoạt động đơn tuyến. Cô Hoa kể tiếp: “Tui được giao nhiệm vụ ngụy trang tiền, vàng vậy đó, rồi sẽ có người khác mang đi tới những điểm cần và làm những phần việc tiếp sau. Làm nhiệm vụ nên không được phép tò mò, thắc mắc, cấp trên chỉ đạo sao thì làm y vậy. Tới sau này hòa bình mấy chục năm rồi, nhiều lần họp mặt mấy anh chị em, kể ra mới hay hóa ra hồi xưa tụi này chung đơn vị... Hồi đó nhà cô ở Tây Ninh, có hầm luôn bây, hầm đó là giấu cán bộ lẫn tiền luôn, hầm này ông Ba Trung (đảng ủy viên của N.2683) ra vô thường xuyên. Có một bữa, ông Mười Phi tới, trước nhà là địch nó lùng, sau nhà là ruộng lúa, đâu có trốn được. Tui dẫn ông Mười Phi xuống hầm liền. Tui bị quở, khoan tính chuyện cho vô Đảng vì chuyện này. Hầm của ai nấy trốn, không được có người thứ 2, vì nguyên tắc hoạt động đơn tuyến, để rủi lỡ có bị bắt thì cũng không có khai. Nhưng mà tình thế đó thì biết làm sao hơn. Tui nghĩ, hầm có lộ thì mình đào hầm khác, tính mạng lúc đó phải giữ được trước rồi tính tiếp. Tui giải thích vậy, ông Mười Phi cười ngất: “Con nhỏ này nhỏ mà lanh ghê”, sau đó cấp trên xem xét tình huống lúc đó, nên tui vẫn được kết nạp Đảng”.
Sau lần thăm lại chiến khu xưa cùng các cô chú của N.2683, chúng tôi ghé nhà thăm cô Liên, người mà các cô chú của N.2683 vẫn thường gọi vui là: “Bả hồi xưa sống trên đống tiền”. Cô Liên tên thật Trần Thị Kim Liên (74 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) là thủ kho ngay Trung ương Cục miền Nam. Hai chữ “trách nhiệm” và “tuyệt mật” gần như gắn với cô Liên suốt đời.
Cô Liên dặn chúng tôi: “Bây hông được hỏi khó cô nghen, có những chuyện bí mật khi làm nhiệm vụ lúc đó, bây giờ lớn tuổi cũng ít theo dõi tin tức, cô không biết có được công bố hay chưa, nên cô hông kể, đừng giận nghen”. Làm sao mà chúng tôi có thể giận cô, một người mà đã một lần làm nhiệm vụ thì suốt đời trung thành và bảo vệ tổ chức như vậy. Cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng một phần cũng là nhờ những người như cô.
“Phía dưới trụ sở Trung ương Cục là hầm giữ tiền, lúc đó rừng tới 3 tầng cây, rậm lắm, cô làm thủ kho, nên sau này mấy ổng mấy bả mới ghẹo là sống trong đống tiền là vậy đó. Mà thiệt là không sai, tiền nhiều lắm, đứa con gái lớn cô cũng sinh nó hồi ở rừng luôn, vậy tính ra là nó cũng sinh ra trên đống tiền luôn”, cô Liên hóm hỉnh.
Những năm chống Mỹ, địch càn quét, đánh phá dữ dội, dọc theo sông Vàm Cỏ Đông, máy bay địch oanh tạc, tiền vận chuyển về bị ướt nhẹp. “Cô tranh thủ bằng mọi cách phơi khô, rồi lấy nồi, chảo, xoong, bàn ủi, mấy cái bằng kim loại, rồi hơ cho nóng, để tiền lên cho nhanh khô. Tiền giấy mà, ướt lâu thì dễ rách mà điều kiện dưới hầm, nếu không khô thì tiền bốc mùi thúi không chịu nổi”, cô Liên nhớ lại.
Bài 4: Mưu trí và dũng cảm