Hơn 10 năm trước, tại các tỉnh xa, hầu hết các trường hợp bệnh lý cấp cứu hiểm nghèo như: nhồi máu cơ tim, đột quỵ… đều phải chuyển viện lên tuyến trên; nếu chuyển viện kịp thời thì người bệnh sẽ được cứu sống, ngược lại nếu không kịp đến nơi cần đến, người bệnh sẽ bỏ lỡ “thời gian vàng” và tốn kém chi phí điều trị.
Tuy nhiên, hiện nay nhờ sự “chỉ đường” của các bác sĩ tuyến trên, các bệnh viện tuyến dưới đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật khó cứu sống người bệnh ngay tại quê nhà.
1. Cách đây đúng 10 năm, vào tháng 2-2013, Bệnh viện 30-4 (Bộ Công an) đã thực hiện thành công ca can thiệp đặt stent mạch vành đầu tiên. Đó cũng là kết quả chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu đầu tiên về bệnh lý tim mạch mà Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM thực hiện.
Tiếp sau thành công đó, các y bác sĩ của bệnh viện đã triển khai chuyển giao kỹ thuật này cho hàng loạt các bệnh viện tại các tỉnh thành của miền Nam. Trong đó, tỉnh Ninh Thuận là một trong những địa phương đầu tiên nắm bắt được xu hướng mới và sự cần thiết triển khai tim mạch can thiệp tại tỉnh nhà. TS-BS Trần Hòa, Phó Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Trưởng Đơn vị Can thiệp nội mạch Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết, các bác sĩ trẻ được gửi đến Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM để học về nội khoa tim mạch và tim mạch can thiệp.
Sau đó, các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y dược luân phiên mỗi tuần về tại địa phương để cùng triển khai các kỹ thuật điều trị với các bác sĩ tại đây. Sau một năm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận đã trở thành trung tâm độc lập trong việc triển khai kỹ thuật chụp và can thiệp mạch vành (kể cả cấp cứu). “Chúng tôi luôn kỳ vọng có thể triển khai các kỹ thuật cao trong can thiệp động mạch vành đến các cơ sở y tế địa phương. Bên cạnh sự đầu tư máy móc trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết thì công tác đào tạo đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên là vô cùng quan trọng”, TS-BS Trần Hòa thông tin.
2. Mỗi một nơi các y bác sĩ đặt chân tới đều để lại những kỷ niệm khó quên. Khi kể về một kỷ niệm nhớ nhất trong suốt hành trình theo đuổi sự nghiệp đào tạo – chuyển giao kỹ thuật của mình, TS-BS Trần Hòa chia sẻ: “Chúng tôi còn nhớ rất rõ, một đêm khuya, vào khoảng tháng 4 năm 2017, đoàn công tác của chúng tôi trên đường Quốc lộ đến Bệnh viện Ninh Thuận để thực hiện các trường hợp can thiệp động mạch vành theo kế hoạch. Xe chở chúng tôi không hiểu vì sao lạc khỏi đường nhựa và lao xuống lề đường.
Xe ngã và dừng lại cách một hố sâu chỉ trong gang tấc, hố sâu đó là một phần đang thi công công trình thủy điện của tỉnh. Sự việc quá nhanh trong đêm tối khiến chúng tôi bàng hoàng và không hiểu chuyện gì xảy ra. Rất may mắn mọi người an toàn và chỉ xây sát nhẹ. Trong lộ trình chuyển giao – nối dài những ước mơ nhưng chúng tôi có thể đánh mất đi ước mơ của riêng mình và những kỷ niệm buồn như thế không nhiều và không vì thế mà khiến chúng tôi chùn chân”.
TS-BS Trần Hòa chúc mừng người bệnh khỏe mạnh xuất viện |
3. Theo sau sự thành công của chuyển giao can thiệp mạch vành, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM tiếp tục triển khai chuyển giao các kỹ thuật chuyên sâu khác như: can thiệp đột quỵ và mạch máu não, can thiệp mạch máu ngoại biên, can thiệp tạng… tại Bệnh viện Đại học Y dược Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng, Tiền Giang… Sau khi được chuyển giao thành công, ngày càng nhiều bệnh viện tuyến tỉnh đã trở thành các trung tâm can thiệp độc lập cho địa phương cũng như các tỉnh lân cận.
Nếu như 10 năm trước đây, số trung tâm có khả năng can thiệp tim mạch trên cả nước chỉ đếm trên bàn tay thì ngày nay, số trung tâm có khả năng can thiệp tim mạch đã hơn con số 100. Đối với các y bác sĩ, trong suốt hành trình chuyển giao kỹ thuật, có những vùng miền để lại dấu ấn và được xem là quê hương thứ hai – nơi có sự tin yêu của các đồng nghiệp và người bệnh. Không chỉ chuyển giao kỹ thuật, các y bác sĩ đã truyền đi sự nhiệt huyết tới các đồng nghiệp vì sứ mệnh chữa bệnh – cứu người.
TS-BS Trần Hòa cho biết, điều mà các y bác sĩ rất mong muốn, đó là chuyển giao cả những nét văn hóa tốt đẹp của một người thầy thuốc. Đó là sự tận tụy trong chăm sóc từng người bệnh, là sự cảm thông và thấu hiểu nỗi đau của từng người bệnh, là sự an toàn và cẩn trọng trong mọi khâu của điều trị, là sự đoàn kết yêu thương giữa các đồng nghiệp.
“Chúng tôi rất mong muốn người dân nơi đó cũng yêu quý và tin tưởng bệnh viện địa phương của họ như tình cảm mà bà con dành cho chúng tôi. Khi đó, chuyển giao mới thật sự thành công”, TS-BS Trần Hòa chia sẻ và cho rằng, việc chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực Tim mạch học can thiệp nói riêng và trong các chuyên ngành y khoa khác nói chung sẽ giúp rút ngắn khoảng cách y tế giữa các vùng miền. Đó là niềm hạnh phúc của các y bác sĩ luôn tâm huyết với công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Niềm hạnh phúc khi được người bệnh tin tưởng và được cứu chữa thành công ngay trên quê hương của họ.