Kỷ niệm 67 năm Ngày Nam bộ kháng chiến - Sức sống mới trên chiến khu xưa

Vùng đất Bình Chánh - chiến khu cách mạng sục sôi trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến - đang đổi mới từng ngày. Con đường sình lầy, ngoằn ngoèo ngày nào giờ đã thành quốc lộ, đường cao tốc láng nhựa thẳng tắp. Vùng bưng hoang hóa cách đây 2/3 thế kỷ nay trên đà đô thị hóa và người dân nơi đây đang dồn sức xây dựng nông thôn mới.

Vùng đất Bình Chánh - chiến khu cách mạng sục sôi trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến - đang đổi mới từng ngày. Con đường sình lầy, ngoằn ngoèo ngày nào giờ đã thành quốc lộ, đường cao tốc láng nhựa thẳng tắp. Vùng bưng hoang hóa cách đây 2/3 thế kỷ nay trên đà đô thị hóa và người dân nơi đây đang dồn sức xây dựng nông thôn mới.

Ký ức hào hùng

Tiếp chuyện chúng tôi, cũng như nhiều người cùng thời, bà Huỳnh Thị Trượng, cán bộ lão thành cách mạng (ngụ ấp 2 xã Tân Kiên) bồi hồi nhớ lại: chỉ sau 21 ngày Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập (ngày 2-9-1945), thực dân Pháp lại nổ súng tấn công Sài Gòn với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Nhân dân Nam bộ chưa kịp hưởng niềm vui thanh bình, lại tiếp tục tay súng, tay mác, tay gậy tầm vông vùng lên kháng chiến. Vào thời điểm Nam bộ kháng chiến nổ ra, bà đang công tác trong hội phụ nữ và tham gia dạy các lớp bình dân học vụ tại xã Tân Kiên. Khu vực Chợ Đệm lúc đó là vùng đất phù sa gồm 4 xã Tân Kiên, An Phú Tây, Tân Nhựt và Tân Túc. Tân Kiên lúc đó là cửa ngõ của căn cứ Láng Le - Vườn Thơm đi vào nội thành và ngược lại.

“Khi đó, thi hành lệnh của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, chợ búa không họp, cửa tiệm không mở, công nhân các nhà máy đồng loạt nghỉ việc. Các đường phố chính đều ngổn ngang bàn ghế, tủ giường, cây xanh, trụ đèn bị hạ... để cản bước tiến của quân địch. Người dân Chợ Đệm hào hứng tham gia đào đường, đắp cảng, đắp ụ trên sông, đào giao thông hào, dựng chiến lũy, lập chướng ngại vật để ngăn giặc Pháp tấn công vào căn cứ của ta ở Tân Kiên” - bà Trượng nhớ lại.
 
Còn cụ Kiều Tùng Mậu, năm nay đã ngoài 90 tuổi, hồi tưởng những ngày đầu Nam bộ kháng chiến, người dân Chợ Đệm nhất tề đứng vào hàng ngũ cứu quốc, thi nhau làm nghĩa vụ hậu phương, góp hũ gạo kháng chiến, thanh niên, đàn ông đều nhập ngũ. Chiến khu Chợ Đệm lúc này trở thành căn cứ đứng chân của lực lượng kháng chiến Nam bộ với 10 ban công tác Thành Sài Gòn - Gia Định hoạt động.
 
Người dân Chợ Đệm và các làng xung quanh đã đóng góp hàng ngàn con heo, bò; hàng trăm tấn lương thực, chưa kể thuốc men, ghe thuyền, nhà ở để nuôi bộ đội. Người dân nơi đây đã không tiếc thứ gì cho kháng chiến và nhiều nhà dân là cơ sở cách mạng như nhà bà Trần Thị Hai (xã Tân Nhựt), ông Nguyễn Văn Hinh (Tân Túc)… “Quốc lộ 4 lúc đó (nay là quốc lộ 1A) là mạch máu nối liền Sài Gòn và Tây Nam bộ và có ý nghĩa sống còn đối với căn cứ “Vườn Thơm” (xã Bình Lợi) và chiến khu Láng Le - Bàu Cò (xã Tân Nhựt). Do vậy, Pháp quyết tâm đánh chiếm Bình Điền, Chợ Đệm để làm bàn đạp tấn công các tỉnh miền Tây. Ngược lại, phía ta cũng quyết giữ căn cứ trọng yếu này để tiêu hao sinh lực địch.

Tình thế căng thẳng khi địch đánh chiếm cầu Bình Điền, căn cứ cách mạng lùi sâu vào trong vùng bưng Láng Le - Vườn Thơm. Tại Chợ Đệm, lúc đó còn nổi tiếng với trung đội “cảm tử quân” được thành lập do đồng chí Lê Văn Lược chỉ huy, sẵn sàng hy sinh để ngăn chặn giặc Pháp tấn công vào Chợ Đệm” - cụ Mậu cho biết.

 Tại nhà lưu niệm của Khu di tích Láng Le - Bàu Cò (xã Tân Nhựt) vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ vật trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến như những chiếc mõ, chiêng đồng, cây tầm vông vạt nhọn, cây súng kíp thô sơ, là những phảng, xẻng, cọc sắt gỉ…

Diện mạo nông thôn mới

 

Về lại chiến khu xưa, vùng đất hoang hóa trong kháng chiến ngày nào đang chuyển mình thành nơi đô thị, những con đường sình lầy, khó đi nay đã thành đường nhựa thẳng tắp, ban đêm đèn điện sáng trưng. Xã Tân Nhựt - nơi nổi tiếng với trận đánh Láng Le - Bàu Cò - nay là một trong 5 xã thí điểm thực hiện nông thôn mới của TPHCM.

Ngoài sự thay đổi về hạ tầng cơ sở, người dân nơi đây không những thoát nghèo mà nhiều hộ đã vươn lên làm giàu. Hầu hết các trục đường chính tại các xã đều đã được nhựa hóa, bê tông hóa. Đây là thành quả của phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó người dân đã tự nguyện đóng góp hàng chục tỷ đồng cùng hàng ngàn mét vuông đất để làm đường giao thông nông thôn.

Anh Võ Văn Huệ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Nhựt, phấn khởi cho biết, đó là hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Trên 400 hộ nông dân làm lúa trước đây đã tận dụng vùng địa lý có nhiều sông rộng, chuyển sang nuôi nhiều loại cá trên diện tích 196ha mặt nước. Chính việc chuyển đổi này đã giúp nhiều hộ nông dân trở nên khá giả hơn nhiều so với trước đây.

“Các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn cho hiệu quả rất cao so với trồng lúa trước đây. Nếu mỗi hécta lúa bình quân chỉ cho thu nhập khoảng 26 triệu đồng/năm, hiện mỗi hécta sau khi chuyển đổi cho thu nhập bình quân 66,5 triệu đồng/năm, đặc biệt có những mô hình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Hiện tại xã đang thực hiện trồng lúa cao sản, trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP và liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm rau” - anh Võ Văn Huệ bày tỏ.
 
Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Lê Văn Hòa cho biết, phát huy nguồn lực của cộng đồng, cùng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị đang làm thay da đổi thịt vùng nông thôn ngoại thành. Phấn đấu thu ngân sách năm 2012 của huyện vượt chỉ tiêu pháp lệnh 740,6 tỷ đồng và đạt chỉ tiêu đề ra là trên 1.000 tỷ đồng. Diện mạo nông thôn mới theo đề án thí điểm theo 19 tiêu chí quốc gia tại xã Tân Nhựt sắp về đích và đang tiếp tục triển khai ở các xã còn lại.

Đến nay, mô hình xây dựng nông thôn mới xã Tân Nhựt cơ bản đã hoàn thành 15/19 tiêu chí. Các xã khác như: Bình Chánh đạt 11/19 tiêu chí; Lê Minh Xuân đạt 9/19 tiêu chí; Tân Quý Tây đạt 9/19 tiêu chí; Tân Kiên đạt 8/19 tiêu chí; Phạm Văn Hai đạt 7/19 tiêu chí... Nước sạch cũng đã được đưa đến từng hộ dân nông thôn. Hiện tại, tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,1%. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,5%...

HỒ THU

Tin cùng chuyên mục