Ông là một trong những người của thế hệ đầu tiên tại Việt Nam về chuyên ngành tim mạch học can thiệp, cần mẫn nghiên cứu khoa học và tìm ra các phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho người bệnh.
Từ hình ảnh người thầy trong từng con chữ
Thật khó mới có thể trò chuyện cùng GS-TS Trương Quang Bình trong những ngày này, khi cả bệnh viện đang tập trung cao độ phòng chống Covid-19. Gặp chúng tôi, ông cười hiền kể lại sự “bén duyên” thật tình cờ với bệnh động mạch vành trong chuyên ngành tim mạch.
“Những năm 1990, sau khi tốt nghiệp bác sĩ nội trú và được Bộ môn Nội phân công học tập và giảng dạy về lĩnh vực này. Thời điểm đó, tôi cùng đồng nghiệp mày mò nghiên cứu không quản ngày đêm để hoàn thành 5 công trình khoa học tiêu biểu, trong đó có những nghiên cứu được thực hiện đầu tiên trên thế giới và tại phía Nam Việt Nam như: Nghiên cứu đặc điểm rối loạn lipid, lipoprotein ở bệnh nhân bệnh động mạch vành; rối loạn lipid máu trong thực hành lâm sàng; kết quả can thiệp động mạch vành thì đầu (tiên phát) trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM; nghiên cứu hiệu quả và biến chứng của điều trị can thiệp bít lỗ thông liên thất với dụng cụ Nit Occlude Le bằng ống thông qua da; nghiên cứu hiệu quả của phương pháp đóng thông liên nhĩ lỗ thứ phát bằng dụng cụ qua thông tim can thiệp”, GS-TS Trương Quang Bình kể lại.
Không chỉ dừng lại ở đó, GS-TS Trương Quang Bình còn xác định mục tiêu cho bản thân sẽ tiếp tục gắn bó với tim mạch học can thiệp, tập trung nghiên cứu về phương tiện mới áp dụng trong đánh giá và can thiệp động mạch vành; nghiên cứu áp dụng các kỹ thuật, các dụng cụ, vật liệu mới trong can thiệp bệnh tim cấu trúc… giúp chẩn đoán chính xác, nâng cao tính hiệu quả, an toàn của thủ thuật can thiệp động mạch vành và người bệnh được điều trị tối đa bằng phương pháp xâm lấn tối thiểu.
Khi đứng trên bục giảng, ông tâm niệm rằng người thầy giáo y khoa phải nỗ lực trở thành những người vừa giỏi trong chuyên môn vừa tốt trong giảng dạy. Có như vậy thì mới có thể “cầm tay - chỉ việc”, “truyền lửa”, thúc đẩy tiến trình học tập của người học. Ông đã phối hợp làm việc với các thầy cô là những chuyên gia đầu ngành các hội chuyên ngành tim mạch và tim mạch can thiệp, thường xuyên cập nhật kiến thức, kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy…
Nhiều thế hệ học trò của ông sau khi ra trường trở thành đồng nghiệp vẫn luôn ngưỡng mộ ông, họ ví ông như một bức chân dung được tỏa sáng bởi trái tim nhiệt huyết, luôn trau dồi những kiến thức mới. Ngay khi còn học nội trú bệnh viện, ông đã tham gia hướng dẫn lâm sàng cho nhiều học viên sau đại học. Và khi là giảng viên chính thức của bộ môn, ông đã giảng dạy lâm sàng, hướng dẫn học viên cao học, bác sĩ chuyên khoa cấp II chuyên ngành nội khoa và nội khoa tim mạch.
… đến người thầy trong mỗi ca bệnh
Tâm huyết phát triển chuyên ngành tim mạch của GS-TS Trương Quang Bình không chỉ tại Đại học Y Dược mà còn được ông đa dạng bằng các chương trình đào tạo y khoa liên tục, tổ chức các hội nghị khoa học quy mô lớn tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, đào tạo - chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu cho các bệnh viện phía Nam như: Bệnh viện 30-4, Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận, Sóc Trăng, Đồng Tháp…
Bởi ông tin rằng, với mô hình đào tạo và truyền thông y học hiệu quả sẽ có thêm hàng ngàn người được cứu sống ngay tại địa phương, tránh tình trạng phải chuyển viện cũng như giảm tải cho các bệnh viện TPHCM.
Đồng hành cùng các chuyên khoa trong việc xây dựng bệnh viện đa khoa lớn với nhiều mũi nhọn chuyên khoa, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM với sự điều hành của ông đã gặt hái được nhiều kết quả đáng tự hào với 4 nhóm hoạt động chính là: nội tim mạch, phẫu thuật tim mạch, can thiệp tim mạch và nhịp tim học.
Các quy trình chuyên môn, kỹ thuật được tuân thủ nghiêm ngặt; việc quản lý chất lượng khám chữa bệnh và an toàn người bệnh được đặt lên hàng đầu; chất lượng nhân sự cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư có hiệu quả. Nhiều ca bệnh phức tạp về tim mạch đã được điều trị thành công, những kỹ thuật tiên tiến nhất được thực hiện thuần thục như phẫu thuật và can thiệp bệnh tim bẩm sinh phức tạp, phẫu thuật nội soi tim, can thiệp động mạch vành, siêu âm nội động mạch vành, đo phân suất dự trữ vành, khoan cắt mảng xơ vữa…
Là một trong những đầu tàu của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, GS-TS Trương Quang Bình và ban giám đốc luôn cố gắng mang đến cho người bệnh giải pháp điều trị tối ưu và an toàn nhất thông qua việc tạo điều kiện cho bác sĩ, điều dưỡng bệnh viện được đào tạo liên tục trong và ngoài nước để nâng cao trình độ; triển khai các kỹ thuật hiện đại; áp dụng các quy trình, quy định trong chuyên môn…
Tháng 11-2019, GS-TS Trương Quang Bình được Hội đồng giáo sư nhà nước xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư năm 2019 và được bổ nhiệm là GS của Đại học Y Dược TPHCM vào tháng 2-2020. Vinh dự này một lần nữa đánh dấu những giá trị vô hình và hữu hình mà ông đã mang lại cho bác sĩ, sinh viên và người bệnh.
“Tôi thật sự may mắn khi được bộ môn giao trách nhiệm trong lĩnh vực mình yêu thích, được sự hướng dẫn của thầy cô đi trước, được ban giám đốc và đồng nghiệp bệnh viện hỗ trợ trong quá trình công tác. Và người bệnh - cũng chính là người thôi thúc khiến tôi phải luôn cố gắng làm việc để phục vụ được tốt hơn; những sinh viên của mình - luôn nhắc nhở tôi phải nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ”, GS-TS Trương Quang Bình chia sẻ.
Nghĩ về hành trình được học, làm việc cùng GS-TS Trương Quang Bình, PGS-TS Lê Minh Khôi, Trưởng Đơn vị hình ảnh tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, anh cảm thấy thật sự may mắn khi được một người thầy nhân văn đi trước dẫn đường.
“Càng ngày tôi càng cảm nhận rõ sự quan tâm sâu sắc cũng như sự đòi hỏi về năng lực chuyên môn mà thầy dành cho thế hệ sau này. Thầy không chỉ dành sự ưu ái cho những bác sĩ trẻ có hoài bão, mà thầy còn nhắc nhở, động viên các bác sĩ chưa đạt được kỳ vọng mà thầy đặt ra bằng tất cả tình cảm và sự chân tình. Nhắc đến thầy Trương Quang Bình, tôi không cần nói nhiều về năng lực, tác phong hay sự nhiệt tình, bởi đó là điều ai cũng dễ dàng nhận thấy. Ở đây, tôi chỉ nói về khía cạnh nhân bản đằng sau những thành công ấy. Một điều khác làm tôi quý trọng hơn nữa, đó là việc thầy luôn đặt lợi ích người bệnh lên hàng đầu trong mọi quyết định của mình. Lần ấy, tôi có đề xuất giá thu của một kỹ thuật mới, thầy bảo hãy giảm xuống một cách thấp nhất có thể, vì xung quanh chúng ta còn rất nhiều người bệnh nghèo cần được hưởng kỹ thuật đó. Đây chính là câu chuyện thật về một con người thật - người luôn dùng trái tim của mình để sửa lỗi những trái tim”, PGS-TS Lê Minh Khôi chia sẻ.
80 bài báo nghiên cứu khoa học, trong đó có 7 bài báo được công bố ở các tạp chí uy tín trên thế giới; hơn 20 bài báo cáo khoa học trong các hội nghị hàng năm; chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu cấp trường, cấp Sở KHCN TPHCM; hướng dẫn thành công 21 luận văn cao học - bác sĩ nội trú, 3 luận văn chuyên khoa cấp II, 2 luận án của nghiên cứu sinh, tiếp tục hướng dẫn 1 học viên cao học và 2 nghiên cứu sinh; biên soạn 6 sách bài giảng và tham khảo về nội khoa tim mạch, đồng chủ biên 2 sách tham khảo về bệnh tim mạch và bệnh động mạch vành, chủ biên 1 sách chuyên khảo về rối loạn lipid máu trong thực hành lâm sàng; cùng với Bộ môn Nội tham gia vào quá trình đổi mới chương trình đào tạo khoa y… Đây chính là những đứa con tinh thần mà GS-TS Trương Quang Bình đã để lại cho các thế hệ mai sau, giúp các bác sĩ có những cái nhìn mới về kỹ thuật, sự an toàn, hiệu quả cho người bệnh. |