Theo Tổng cục Lâm nghiệp, ngày 28-11 sắp tới là kỷ niệm Ngày Lâm nghiệp Việt Nam và ngày 1-12-2022 sắp tới là kỷ niệm 77 năm thành lập ngành lâm nghiệp Việt Nam. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã có thư chúc mừng sự kiện này.
Trong thư, ông Lê Minh Hoan chia sẻ: “Trong bối cảnh thế giới đầy biến động như hiện nay, tôi nhận ra rằng, rừng là nơi che chở và là nguồn sống cho toàn nhân loại, là ngôi nhà thiên nhiên của con người và các giống loài, là không gian bảo tồn tự nhiên và bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc, là nơi thưởng thức và trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ”.
Trong hành trình 77 năm lâm nghiệp Việt Nam, hệ thống các VQG và khu bảo tồn thiên nhiên đóng vai trò vô cùng quan trọng. Những “bảo tàng sống” về thiên nhiên này là kho báu, gìn giữ và phát huy tính đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái tự nhiên; góp phần xây dựng bản sắc Việt Nam và kiến tạo hệ giá trị cảnh quan kỳ vĩ.
Trong hệ thống ấy, có một khu rừng nguyên sinh đặc biệt, thuộc loại hình rừng mưa nhiệt đới thường xanh trên núi đá vôi. Khu rừng ấy đã gây sửng sốt cho các chuyên gia và nhà nghiên cứu trong và ngoài nước ngay từ thập niên 50-60 của thế kỉ XX khi lần đầu khảo sát. Đó là Cúc Phương.
Với hệ giá trị đặc biệt, từ địa chất địa mạo, cổ sinh học, lâm sinh, cảnh quan và văn hóa bản địa, Cúc Phương được so sánh ngang hàng với những khu rừng nhiệt đới hàng đầu thế giới.
Vì vậy, ngay khi đất nước còn đang trong những năm chiến tranh chống Mỹ, ngày 7-7-1962, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập khu rừng cấm Cúc Phương để trở thành VQG đầu tiên của Việt Nam.
Trải qua 60 năm hình thành và phát triển, để ghi nhận những giá trị lịch sử cũng như đóng góp của vườn, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, đồng thời gửi thư chúc mừng nhân sự kiện kỷ niệm 60 năm thành lập VQG đầu tiên này.
Để hướng tới sự kiện kỷ niệm 60 năm thành lập và phát triển, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, vào ngày 2-12 sắp tới, VQG Cúc Phương sẽ tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Đồng thời, nhiều hoạt động đã và sẽ diễn ra gồm: cuộc thi viết về VQG Cúc Phương 60 năm xây dựng và phát triển; giải chạy Cúc Phương Jungle Paths do VQG Cúc Phương phối hợp với Công ty cổ phần Đường Đua Mới tổ chức (gần 3.000 vận động viên từ 13 nước tham gia chào mừng 4 năm liên tiếp Cúc Phương giành giải thưởng Du lịch Thế giới - World Travel Awards ở hạng mục “VQG hàng đầu châu Á”); tọa đàm về công tác quản lý rừng bền vững dựa vào cộng đồng do VQG Cúc Phương phối hợp với Dự án Hỗ trợ kỹ thuật quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học” (VFBC) tổ chức; tọa đàm về du lịch sinh thái và giáo dục môi trường; tọa đàm khoa học “Cúc Phương và sự nghiệp cứu hộ, bảo tồn loài tại Việt Nam”; sản xuất phim tài liệu nghệ thuật “Cúc Phương - Kỳ quan xứ Mường” và xuất bản 2 cuốn sách gồm: sách ảnh “Ký họa Cúc Phương” và sách “Vườn quốc gia Cúc Phương - 60 năm hình thành và phát triển”.
Ngày 1-12, VQG Cúc Phương tổ chức hội thảo khoa học “Thành tựu, bài học kinh nghiệm trong 60 năm xây dựng và phát triển của VQG Cúc Phương” và tổ chức lễ khởi công xây dựng Khu bảo tồn tê tê vàng và cầy vằn. Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận huân chươnh sẽ diễn ra sáng 2-12 tại khu du lịch Hồ Mạc - VQG Cúc Phương.
Được hình thành và nằm ở tận cùng phía Đông Nam dãy núi đá vôi chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, từ Vân Nam (Trung Quốc) kéo xuống cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) qua dãy Pù Luông (Thanh Hóa), dãy Ngọc Sơn (Hòa Bình) rồi qua Cúc Phương xuống đến dãy Tam Điệp (Ninh Bình) và kết thúc là những đảo cô đơn tại biển Nga Sơn (Thanh Hóa). Với dạng địa hình Karst trải qua hàng triệu năm, những dãy núi này đã hình thành hàng trăm hang động lớn nhỏ, hàng ngàn lỗ hút và nhiều cửa xả nước. Đây cũng chính là nơi cư trú lý tưởng của các loài động vật, kể cả con người từ thuở xa xưa. Cây cổ thụ được bảo tồn trong rừng Cúc Phương Với diện tích 22.408ha nằm trên địa bàn của 14 xã, 4 huyện thuộc 3 tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa. Địa hình Cúc Phương chủ yếu là núi đá vôi có độ chênh cao trung bình so với mặt biển từ 400 - 450m. Mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới, Cúc Phương là nơi có tính đa dạng sinh học cao của Việt Nam với nhiều loài động, thực vật quý hiếm có tên trong “Sách đỏ Việt Nam”. Tính đến nay đã ghi nhận: 2.427 loài, thuộc 931 chi, 231 họ thực vật. Trong đó, 430 loài cây thuốc, 229 loài cây ăn được, 240 loài cây có thể sử dụng làm thuốc nhuộm, 137 loài cho nhóm phân tử tanin... Có 57 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007 và Sách đỏ IUCN năm 2020, 15 loài thực vật đặc hữu như: chè hoa vàng Cúc Phương, thu hải đường Cúc Phương, lan Việt, trâm Cúc Phương, dị hùng Cúc Phương. Các loài động vật hoang dã quý hiếm được bảo tồn ở VQG Cúc Phương Bên cạnh sự đa dạng của thảm thực vật, khu hệ động vật Cúc Phương cũng vô cùng phong phú và độc đáo, kết quả nghiên cứu đã ghi nhận 669 loài có xương sống thuộc 120 họ, 35 bộ, bao gồm: 138 loài thú, 337 loài chim, 80 loài bò sát, 48 loài lưỡng cư, 66 loài cá, trong đó có 73 loài động vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục IUCN 2020, 3 loài đặc hữu là sóc bụng đỏ đuôi hoe, cá niết Cúc Phương và thằn lằn tai Cúc Phương. Vạt hoa muồng vàng ở Cúc Phương Những vạt rừng hoa trạng nguyên Cúc Phương còn là một bảo tàng thiên nhiên lưu giữ nhiều dấu tích của sự sống từ thời tiền sử. Với những cứ liệu về khảo cổ học, minh chứng Cúc Phương là nơi cư trú từ hàng ngàn năm trước của người Việt Cổ. Trẻ em tham gia các sự kiện thả động vật về tự nhiên tại Cúc Phương Hiện nay, ngoài các chức năng, nhiệm vụ chính là bảo tồn đa dạng sinh học, VQG này còn có nhiệm vụ tổ chức hoạt động du lịch sinh thái và giáo dục môi trường, hợp tác quốc tế… |