Sau một ngày chiến đấu kiên cường, căng thẳng, quyết liệt, quân ta đã đánh bại 5 đợt tiến công của Mỹ - ngụy, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao. Chiến thắng Ấp Bắc gây tiếng vang lớn, giáng một đòn mạnh mẽ vào chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của Mỹ - ngụy, góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”; cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh cách mạng miền Nam, mở ra phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”…
Thương nhớ đồng đội
Cầm trên tay chiếc thẻ đại biểu màu đỏ cùng với thư mời của Tỉnh ủy Tiền Giang về dự lễ kỷ niệm 60 năm Ngày chiến thắng Ấp Bắc, những ký ức về trận đánh, chiến thắng lịch sử lại ùa về, cảm xúc trào dâng nhớ thương đồng đội, về những người lính đã ngã xuống, ông Lê Văn Vĩ (82 tuổi, ấp Tân Thới, xã Tân Phú, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) rưng rưng nước mắt kể cho chúng tôi nghe về những trận chiến mà lúc bấy giờ ông là Phó trưởng Công an xã Tân Phú, huyện Cai Lậy.
Đoàn viên, thanh niên tỉnh Tiền Giang về nguồn tại khu di tích lịch sử Ấp Bắc. Ảnh: Báo Ấp Bắc |
Ông Vĩ kể: “Năm 1963, tôi tham gia trong Đại đội 1 của Tiểu đoàn 514. Lúc đó, Tiểu đoàn 261 đóng ở Ấp Bắc, còn Tiểu đoàn 514 đóng ở ấp Tân Thới theo hình chữ L. Được Bí thư chi bộ phân công nhiệm vụ làm công tác chuyển thương, nên tôi chuẩn bị sẵn sàng võng để nghỉ ở bất cứ đâu, gậy để mở đường. Hai vật này cũng là dụng cụ để khiêng các chiến sĩ bị thương”.
Lắng lại một lúc, giọng ông Vĩ bừng lên đầy dũng khí: “Có trận đánh chỉ trong 1 ngày, quân và dân dưới làn sóng bom đạn của địch vẫn dũng cảm xông lên, dẫn đường cho các đơn vị vũ trang đánh chiếm các mục tiêu, tham gia tải thương, tiếp đạn, tiếp lương thực cho bộ đội và nơi đây trở thành bãi chiến trường ác liệt. Sau một ngày kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu chống càn, quân và dân Ấp Bắc lần lượt đánh bại 5 đợt tiến công của địch, loại khỏi vòng chiến đấu 450 tên địch, bắn rơi 8 máy bay trực thăng, bắn cháy 3 xe thiết giáp và làm hư hại nhiều phương tiện chiến tranh khác của địch”.
Vừa kể những cuộc tiến công đầy tự hào, giọng ông bỗng chùng xuống, khóe mắt hằn sâu vết chân chim, ông nhìn xa xăm. Ông nghẹn ngào nhớ về những đồng đội đã hy sinh trong trận chiến ngày 2-1-1963: “Đến 8 giờ tối, địch bắn DKZ 57, anh Thanh (đồng đội ông lúc bấy giờ) đã bị thương, tôi cùng anh em bộ đội đã cố gắng vượt qua mấy làn bom đạn của địch để đưa anh Thanh vào nơi an toàn, nhưng lúc bấy giờ điều kiện quá khó khăn, y tế chưa đầy đủ trong khi vết thương quá nặng, anh ấy đã hy sinh”.
Phát huy tinh thần hào hùng năm xưa
Chúng tôi đến thăm cựu chiến binh Trần Minh Thành (84 tuổi, xã Phước Thạnh, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) sáng 26-12 cũng là lúc các cựu chiến binh tỉnh Tiền Giang nhận được thư mời dự lễ kỷ niệm 60 năm Ngày chiến thắng Ấp Bắc. Ông Thành cẩn thận đặt thư mời lên chiếc catsette cổ điển đặt ở đầu giường. Tay run chân yếu, ông vẫn lọ mọ đi mở tủ lấy ra chiếc hộp đựng huân, huy chương các loại. Ông trải tấm khăn nhỏ lên bàn rồi lau chùi từng cái một.
Vừa làm vừa kể cho chúng tôi nghe về trận chiến mà ông tham gia với vai trò là một y tá. Ông Thành cho biết, lúc ấy ông là Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3, Đại đội 1, Tiểu đoàn 261. Ông Thành dẫn dắt chúng tôi về quá khứ với những trận đánh dũng cảm, ác liệt của quân và dân ta. Nhưng vì ông không được khỏe, trí nhớ không còn như trước nên câu chuyện mà ông kể về những trận đánh, trận càn quét, cuộc rượt đuổi, lội sông năm xưa thường bị ngắt quãng.
Ông Thành nói: “Đồng đội đã hy sinh không ít nhưng tôi không nhớ hết được tên họ, người còn lại chắc cũng đã già yếu như tôi. Chiến tranh đi qua rất lâu rồi, không biết dịp này có thể gặp lại những ai. Ngày ấy, em trai tôi là Trần Văn Hào đã trốn gia đình đi lính đặc công (thuộc Tiểu đoàn 514) và hy sinh năm 1962 trong trận đánh cầu Long Định, huyện Châu Thành, chứ nó còn thì hai anh em sẽ cùng đi dự lễ”.
Nhắc về người em đã hy sinh, đôi mắt trắng đục của ông đỏ hoe. Ông Thành bước khập khiễng đến mở tủ và lấy ra chiếc áo lính màu xanh. Ông hỏi: “Chú đi dự lễ mặc áo này được không cháu?”, tôi trả lời: “Dạ, đẹp lắm chú”. Ông tiếp: “Nhờ cháu giúp tôi gắn mấy huy chương lên áo, mắt tôi không nhìn rõ, tay đã run, không cầm được vật nhỏ”.
Chúng tôi hỏi ông với tình trạng sức khỏe, đi đứng có phần bất tiện, liệu có đi dự lễ được không? Ông Thành cho biết, có xe đưa đón thì tốt, không thì ông sẽ nhờ con cháu chở đi. Đây là dịp hiếm hoi để ông có thể gặp lại đồng đội năm xưa, ôn lại quá khứ hào hùng cũng như để nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau phải đoàn kết, đóng góp trí tuệ và công sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, hai cựu chiến binh Lê Văn Vĩ và Trần Minh Thành còn dành hết thời gian và công sức của mình đóng góp cho địa phương. Kỷ niệm 60 năm Ngày chiến thắng Ấp Bắc, ông Vĩ cũng tròn 60 năm tuổi Đảng. Chứng kiến sự thay đổi của quê hương, hai ông rất phấn khởi khi di tích Chiến thắng Ấp Bắc ngày nay đã được xây dựng thành khu di tích lịch sử quy mô, xứng đáng với ý nghĩa lịch sử của trận đánh năm xưa.
Ông Võ Văn Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang, cho biết, để tinh thần chiến thắng Ấp Bắc mãi mãi trường tồn cùng dân tộc, Đảng bộ, chính quyền, quân dân tỉnh Tiền Giang tiếp tục phát huy và vận dụng sáng tạo những bài học quý báu năm xưa vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.
“Nhân dân Ấp Bắc - Mỹ Tho năm xưa đã quyết tâm kháng chiến chống Mỹ, lập nên những chiến công vang dội, góp phần giải phóng quê hương, thống nhất đất nước, thì nhân dân Ấp Bắc - Tiền Giang ngày nay tiếp tục phát huy tinh thần hào hùng của chiến thắng Ấp Bắc, với nghị lực và niềm tin tất thắng, quyết tâm chính trị cao nhằm tạo nên những thành tựu quan trọng trong công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương Tiền Giang ngày càng giàu đẹp, hiện đại và văn minh”, ông Võ Văn Bình nhấn mạnh.
Ngày 2-1-1963, đã diễn ra một trận đánh lịch sử, địch huy động một lực lượng lớn gồm 8 tiểu đoàn chủ lực, với 32 máy bay các loại, 13 xe bọc thép M-113 và 13 tàu chiến, 10 khẩu pháo 105mm, do cố vấn Mỹ trực tiếp chỉ huy, càn quét vào Ấp Bắc nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang cách mạng, bảo vệ hệ thống ấp chiến lược mà chúng lập ra dọc tuyến Đường 4 từ huyện Châu Thành đến Cai Lậy và Cái Bè.
Sau một ngày kiên cường chiến đấu chống địch càn quét, từ 5 giờ đến 20 giờ ngày 2-1-1963, quân dân ta giành thắng lợi vang dội: loại khỏi vòng chiến đấu 450 tên (có 11 cố vấn và nhân viên kỹ thuật Mỹ), bắn rơi 5 trực thăng, phá hủy 3 xe thiết giáp M-113, đánh chìm 1 tàu chiến; đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân càn quét của địch. Ở chiến trường phối hợp, ta huy động 36 đội du kích và 20.000 quần chúng tham gia đấu tranh trực diện, tiến công 30 đồn bót, phá 22 ấp chiến lược, bắn rơi 2 máy bay, bắn cháy 16 xe quân sự.
Chiến thắng Ấp Bắc khẳng định bước phát triển mới của nghệ thuật chỉ đạo tiến hành chiến tranh cách mạng và nghệ thuật quân sự Việt Nam, đánh dấu sự chuyển biến về chất của chiến tranh cách mạng và sự trưởng thành của lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam.