Trong chiến thắng này, quân và dân ta với vũ khí hạn chế, thô sơ đã đối đầu với lực lượng quân sự tối tân, hiện đại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đối phương. Chiến thắng Ấp Bắc góp phần làm rạng danh lịch sử, để lại dấu ấn sâu đậm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Chiến thuật “Trực thăng vận” của địch. Ảnh: TƯ LIỆU |
Mưu trí, sáng tạo
Đến cuối năm 1962, trên chiến trường miền Nam, tuy chúng ta đã thu được nhiều thắng lợi nhưng vẫn chưa đánh bại được chiến thuật “Thiết xa vận”, “Trực thăng vận” của địch. Để đưa phong trào cách mạng miền Nam tiến lên trong năm 1963, từ ngày 6 đến ngày 10-12-1962, Bộ Chính trị họp và ra Nghị quyết “Về tình hình, phương hướng và nhiệm vụ công tác trước mắt của cách mạng miền Nam”. Đồng thời, Bộ Chính trị nhắc nhở các chiến trường cần nắm vững phương châm hoạt động “ba vùng”, nắm vững phương châm tác chiến, đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang tập trung… Bộ Chính trị quyết định nhanh chóng đưa lực lượng chiến đấu vào miền Nam, phát triển chủ lực cơ động và các đơn vị binh chủng.
Quán triệt nghị quyết của Bộ Chính trị, của Trung ương Cục, cuối tháng 12-1962, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Mỹ Tho mở hội nghị đánh giá tình hình “Ấp chiến lược” của địch và phong trào phá “Ấp chiến lược” của quân và dân trong tỉnh. Bước vào năm 1963, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm muốn dốc mọi nỗ lực để hoàn thành cho được “Kế hoạch 18 tháng” đã đề ra.
Ngày ấy, Ấp Bắc nối liền với ấp Tân Thới, nay thuộc xã Tân Phú. Ấp Bắc nằm về hướng Đông Bắc, cách thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang 9km, cách TP Mỹ Tho hơn 20km về phía Tây; có địa hình liên hoàn với nhau, nằm cặp 2 bên rạch con lươn, hình thành thế vòng cung, chiều dài khoảng 5km. Thời điểm năm 1963, nhân dân Ấp Bắc - Tân Thới chỉ hơn 1.000 người, nhưng đây là nơi có phong trào đấu tranh mạnh.
Sau khi chống càn thắng lợi ở Vĩnh Kim (23-9-1962) và ở Mỹ Hạnh Đông (5-10-1962), Bộ Tư lệnh Quân khu 8 và Tỉnh đội Mỹ Tho điều Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 của tỉnh; Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 chủ lực của Quân khu do đồng chí Hai Hoàng (Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 261) chỉ huy về đóng quân tại Ấp Bắc để cùng bộ đội địa phương huyện Châu Thành phá “Ấp chiến lược” Giồng Dứa.
Phát hiện chủ lực của ta đóng tại Ấp Bắc, Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn cùng Bộ Tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ tại Sài Gòn, đứng đầu là tướng P. Hawkins, cấp tốc vạch kế hoạch điều lực lượng, mở cuộc hành quân càn quét quy mô lớn với mật danh “Đức Thắng 01-13” nhằm tiêu diệt đơn vị chủ lực của ta.
Ngày 2-1-1963, địch mở trận càn do Sư đoàn 7 và Chiến đoàn Bảo an thuộc tiểu khu Định Tường đảm trách. Rút kinh nghiệm các trận chống càn ở nhiều địa phương, sau khi củng cố đội hình, tại ấp Tân Thới, xã Tân Phú, trực thăng CH-21 đổ tiếp Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 12 Sư đoàn 7 quân ngụy xuống. Địch nhanh chóng tiến về Miễu Hội. Du kích và trinh sát Đại đội 1 Tiểu đoàn 514 chặn đánh từ xa. Qua 4 đợt tấn công, địch phải dừng ngoài đồng. Pháo và máy bay bắn phá ác liệt vào trận địa ấp Tân Thới và Ấp Bắc.
Trong trận chiến đấu đó, đồng chí Nguyễn Văn Đừng (Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4 Trung đội 2 Đại đội 1) lệnh cho 3 đồng chí Minh, Thúy, Dương và 2 đồng chí Hùng, Công cùng Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Đừng ra đánh xe M.113. Trong đó, 3 đồng chí bò cặp bờ ranh, bất ngờ nhảy lên xe M.113 ném thủ pháo phá xe, diệt 5 tên địch; lực lượng còn lại hốt hoảng tháo chạy; nhưng khi 3 đồng chí trở về công sự bị địch chặn đánh đã anh dũng hy sinh; các đồng chí Minh, Thúy, Dương bị thương. Với sự mưu trí, dũng cảm đó, nhân dân Mỹ Tho đặt tên cho Tiểu đội là “Tiểu đội gang thép Nguyễn Văn Đừng”.
Sau 1 ngày chiến đấu, trên toàn mặt trận, ta diệt hơn 450 tên, bắn rơi và bắn hỏng 16 máy bay, bắn cháy 3 xe M.113 và 2 tàu chiến, bẻ gãy cuộc càn quét đầy tham vọng của đối phương. Chiến thắng đó làm nức lòng quân dân cả nước, là biểu hiện rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Tầm vóc vĩ đại từ Chiến thắng Ấp Bắc
60 năm nhìn lại, với tất thảy những gì đã diễn ra và lắng đọng, trận Ấp Bắc là điển hình của một phương thức tác chiến trong thế trận chiến tranh nhân dân. Hơn lúc nào hết, tinh thần chiến đấu quả cảm, mưu trí, sáng tạo của quân dân ta được phát huy cao độ trong cuộc đối đầu với chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của địch. Sách “Từ điển bách khoa về chiến tranh Việt Nam” của Mỹ đã ca ngợi Quân Giải phóng ở Ấp Bắc là: “Những chiến sĩ có quyết tâm cao và được huấn luyện tốt”, trong khi đánh giá quân ngụy là “bất tài, hỗn loạn và hèn nhát”.
Trận Ấp Bắc không chỉ có bộ đội chủ lực mà có cả bộ đội địa phương, dân quân du kích; có cả bộ binh, công binh, đặc công; không chỉ có người cầm súng mà cả đông đảo đội quân chính trị, không chỉ đánh bằng súng đạn mà còn công tác binh, địch vận. Về sự sáng tạo, trận Ấp Bắc đã nêu một kinh nghiệm sống động, để lại bài học quý về sự “giữ mình” và “diệt địch”.
Thất bại của Mỹ và ngụy quân, ngụy quyền trong trận này không chỉ là một thất bại thuần túy về chiến thuật mà còn mang ý nghĩa chiến lược, đã làm rung chuyển giới báo chí Mỹ, làm cho nhân dân Mỹ quan tâm hơn đến cuộc chiến tranh. Chiến thắng của Quân Giải phóng tại Ấp Bắc đã đánh dấu sự thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ tại miền Nam Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên trên địa hình đồng bằng, lực lượng vũ trang giải phóng và du kích ta đã thực hiện thắng lợi trận đánh quy mô cỡ tiểu đoàn với lực lượng địch đông hơn gấp 10 lần, có trang thiết bị, vũ khí, hỏa lực và sức cơ động vượt trội; đánh thắng các chiến thuật “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận” của đối phương, mở ra khả năng hiện thực ta có thể đánh thắng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.
Từ tiếng vang của Chiến thắng Ấp Bắc, Chính phủ Cuba đã lấy tên Ấp Bắc đặt cho một làng ở Cuba, đồng thời trao tặng danh hiệu Hiron cho Tiểu đoàn 261. Và quan trọng hơn, Ấp Bắc cũng là trận thua đầu tiên của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn kể từ khi tiến hành chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam Việt Nam, mở đầu cho thời kỳ khủng hoảng về chiến thuật và thế đi xuống; là dấu hiệu phá sản của chiến lược chiến tranh này.
Đồng thời, Chiến thắng Ấp Bắc đã cung cấp cơ sở thực tiễn quan trọng trong việc hoạch định chủ trương, đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho các cấp lãnh đạo và góp phần trả lời được nhiều câu hỏi đặt ra khi đương đầu với đế quốc Mỹ trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”.
Hội thảo Khoa học “Chiến thắng Ấp Bắc - Tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”
Sáng 29-12, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Tiền Giang đã diễn ra Hội thảo Khoa học cấp Bộ Quốc phòng với chủ đề: “Chiến thắng Ấp Bắc - Tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Hội thảo do Bộ Quốc phòng chủ trì; Ban Tuyên giáo Trung ương và tỉnh Tiền Giang phối hợp tổ chức.
Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Thượng tướng - Tiến sĩ Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo hội thảo; Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang; Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thiếu tướng - Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự; Thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Thiếu tướng Hồ Văn Thái, Chính ủy Quân khu 9.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng - Tiến sĩ Lê Huy Vịnh khẳng định: “Chiến thắng Ấp Bắc đánh dấu bước phát triển về nghệ thuật quân sự Việt Nam và sự trưởng thành của lực lượng vũ trang miền Nam. Đây là lần đầu tiên ta đánh bại chiến thuật “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận” của Mỹ và Quân đội Sài Gòn, báo hiệu sự phá sản không tránh khỏi của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ; mở ra phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” trên toàn miền Nam. Chiến thắng Ấp Bắc thể hiện sự nhạy bén, sáng tạo trong vận dụng và chỉ đạo thực tiễn của Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy Khu 8, trong đó có Tỉnh ủy và Ban Quân sự tỉnh Tiền Giang.
Kết quả của hội thảo góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ và khát vọng hòa bình, nghị lực vượt qua mọi khó khăn; củng cố niềm tin và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cùng đoàn kết một lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phủ nhận giá trị lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đồng thời, giúp chúng ta nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn tầm vóc, ý nghĩa lịch sử cũng như những bài học kinh nghiệm có giá trị vận dụng vào thực tiễn sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.