Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, đã đọc diễn văn ôn lại quá khứ hào hùng đã làm nên chiến công của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.
Theo đó, 60 năm về trước, chiếc tàu gỗ mật hiệu “Phương Đông 1” do thuyền trưởng Lê Văn Một, cùng chỉ huy là đồng chí Bông Văn Dĩa làm chính trị viên và 11 chiến sĩ đã rời bến Ðồ Sơn (Hải Phòng), chở theo hơn 30 tấn vũ khí đã cập bến Vàm Lũng an toàn sau 5 ngày đêm vượt biển, mở ra con đường huyền thoại trên biển Đông gắn với đoàn tàu không số.
Sau thành công từ chuyến tàu đầu tiên ấy, những chuyến tàu không số mật hiệu “Phương Ðông 2”, “Phương Ðông 3”… lần lượt vượt biển an toàn, mang theo vũ khí tập kết tại 4 cụm bến dã chiến ven biển, gồm: Vàm Lũng, Bồ Đề, Vàm Hố (tỉnh Cà Mau); Long Vĩnh, Trường Long Hòa (tỉnh Trà Vinh); Thạnh Phong, Cồn Rừng (tỉnh Bến Tre) và Rạch Chanh (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Riêng tại bến Vàm Lũng, trong vòng 10 năm (từ năm 1962-1971), Đoàn 962 (sau này là Trung đoàn Hải quân 962) đã tiếp nhận hơn 70 chuyến hàng với hơn 4.200 tấn vũ khí các loại, phục vụ đắc lực cho cuộc chiến tranh vệ quốc của quân và dân miền Nam, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển đi vào lịch sử và mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc ta, là biểu tượng cao đẹp của tình quân dân thắm thiết. Truyền thống tốt đẹp ấy tiếp tục được thế hệ trẻ địa phương hôm nay hun đúc, tiếp nối, phát huy bằng việc tăng gia lao động, sản xuất vì sự đi lên của quê hương, để những con tàu không số, những bến cảng không tên ở chiến tích Vàm Lũng mãi trường tồn cùng thời gian.
Dịp này, thay mặt Đảng ủy Quân chủng Hải quân, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Duy Tỷ, Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đã trao tặng 27 suất quà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng tại huyện Ngọc Hiển và khởi công xây dựng căn nhà tình nghĩa (trị giá hơn 80 triệu đồng) hỗ trợ gia đình chính sách trên địa bàn huyện Năm Căn.