
Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, Chơn Thành là nơi diễn ra nhiều trận đánh quyết liệt trên tuyến quốc lộ 13, 14. Đáng chú ý, trong cuộc chiến Đông - Xuân năm 1974-1975, mặt trận Chơn Thành - Bình Long là nơi quân ta đánh nghi binh để kìm chân, chặn đường tiếp tế của địch nhằm hỗ trợ cho Chiến dịch đường 14 - Phước Long, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long vào ngày 6-1-1975.


Chiến tranh đã lùi xa, nhưng chiến thắng ngày 2-4-1975 - Ngày Giải phóng Chơn Thành sẽ mãi là niềm kiêu hãnh, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước nói chung và thị xã Chơn Thành nói riêng.
Trải qua nửa thế kỷ giải phóng, 22 năm xây dựng và phát triển, gần 3 năm Chơn Thành trở thành thị xã đã có rất nhiều đổi thay. Từ một huyện nghèo với xuất phát điểm thấp, thuần nông, tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng lạc hậu, nhân lực hạn chế, Chơn Thành đã và đang trở thành cực tăng trưởng quan trọng ở phía Tây Nam của tỉnh Bình Phước với các khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển mạnh mẽ.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm giai đoạn 2020-2025 ước đạt 14-15%, cao hơn mức bình quân của tỉnh; thu nhập bình quân đầu người đạt 92 triệu đồng. Năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thị xã đạt 33.480 tỷ đồng, tăng gấp 239 lần so với năm 2003; đăng ký đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn là 255 dự án, với 5.181 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và gần 2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ, hiện đại và ngày càng được hoàn thiện; văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được chăm lo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh còn 0,02%. Đây chính là những tiền đề, điều kiện quan trọng để Chơn Thành viết nên những trang sử mới trong giai đoạn mới, khi cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.