PHÓNG VIÊN: Bà đánh giá như thế nào về những thành công và tầm vóc lịch sử của Hiệp định Paris 1973 trong tiến trình lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta?
Bà NGUYỄN PHƯƠNG NGA: Thành công của Hiệp định Paris 1973 là một mốc son chói lọi trong lịch sử ngoại giao Việt Nam cũng như trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đây là lần đầu tiên chúng ta tiến hành đàm phán trên tư cách là một Nhà nước độc lập có chủ quyền với một nước lớn, thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Thành công này chứng tỏ sức mạnh, truyền thống ngoại giao Việt Nam kết hợp với vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa đánh và đàm, giữa đấu tranh trên bàn đàm phán với những thắng lợi trên chiến trường và thắng lợi trong công cuộc bảo vệ miền Bắc Xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Thành công của Việt Nam tại Hiệp định Paris là sự tổng hòa của nhiều yếu tố. Đó là thành công của rất nhiều năm kháng chiến chống Mỹ, của các thắng lợi trên chiến trường, thắng lợi của phong trào chống xâm lược của nhân dân miền Nam và thắng lợi của nhân dân miền Bắc trong việc đập tan âm mưu của Mỹ là sử dụng sức mạnh quân sự, lực lượng phòng không đánh phá miền Bắc để đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá. Chúng ta đã mang lên bàn đàm phán sức mạnh của cả dân tộc. Nhưng, thành công của Hiệp định Paris còn ở chỗ kết hợp sống động, hài hòa, nhuần nhuyễn giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giữa ý chí đấu tranh của dân tộc ta với nguyện vọng, khát khao của nhân dân thế giới vì hòa bình và độc lập dân tộc, sức mạnh của đoàn quốc tế.
Bà đánh giá thế nào về vai trò của ngoại giao nhân dân trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris?
Đoàn kết quốc tế dành cho Việt Nam không phải chỉ đến khi quá trình đàm phán Hiệp định Paris bắt đầu được khởi động hay lúc chúng ta tiến đến việc ký kết mà đây là cả quá trình từ khi chúng ta giành được độc lập năm 1945, cũng như trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Thắng lợi này là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại nhân dân, kết hợp với truyền thống hòa hiếu của ngoại giao Việt Nam, của cha ông ta. Tư tưởng của Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế, về sức mạnh của nhân dân được vận dụng sáng tạo trong quá trình đàm phán và tiến tới ký kết Hiệp định Paris.
Ngay sau khi Việt Nam giành được độc lập, chúng ta đã thành lập những tổ chức hữu nghị đầu tiên của Việt Nam để vận động, không chỉ là nhân dân các nước bạn, các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới mà để vận động chính trong những nước mang quân đánh, xâm lược Việt Nam.
Kết quả của bài học kinh nghiệm những năm kháng chiến chống Pháp được phát huy cao độ trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Trong giai đoạn đàm phán, chúng ta đã tiến hành hàng trăm cuộc họp báo, hàng nghìn cuộc tiếp xúc với báo chí, nhân dân các nước; đã cử nhiều đoàn đi khắp nơi để vạch trần tội ác của đế quốc, làm rõ bản chất chính nghĩa của cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam và thắng lợi của ta trên chiến trường; bác bỏ những thông tin sai lệch làm cho người ta có thể hiểu sai về thiện chí của chúng ta, làm cho nhân dân thế giới nhận thức rõ thiện chí hòa bình của Việt Nam. Đó không phải là nền hòa bình bị áp đặt mà là nền hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, quyền tự quyết, toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của Hiệp định Paris còn ở chỗ Mỹ phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam. Chúng ta đã thực hiện được di huấn của Bác Hồ: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, chiến thắng từng bước để tiến tới thắng lợi hoàn toàn. Đây là bài học lịch sử quý giá về đấu tranh giữ nước cũng như đối ngoại nhân dân.
Trong công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước và quan hệ quốc tế hiện nay, chúng ta có thể học được kinh nghiệm gì từ Hội nghị Paris?
Cho đến ngày hôm nay, những bài học kinh nghiệm quý giá của quá trình đàm phán tiến tới ký kết Hiệp định Paris của Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp như hiện nay.
Thứ nhất, đó là ý chí kiên định bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Trong giai đoạn Hiệp định Paris, lợi ích quốc gia, dân tộc là hòa bình, chấm dứt chiến tranh, công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thống nhất của Việt Nam. Ý chí kiên định đó đến bây giờ chúng ta vẫn phải tiếp tục để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Đó là môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước; là bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam.
Thứ hai, đó là sức mạnh của nhân dân, của đoàn kết quốc tế và sự ủng hộ, đoàn kết của nhân dân quốc tế đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta. Muốn làm được điều này, trước hết, chúng ta phải làm tốt nhiệm vụ xây dựng đất nước để cho hình ảnh của Việt Nam luôn là hình ảnh đẹp, để những điều Việt Nam làm phải được bạn bè quốc tế cảm phục, ngưỡng mộ và ủng hộ. Đồng thời, chúng ta phải làm tốt nghĩa vụ của mình đối với quốc tế, như việc Việt Nam ủng hộ, hỗ trợ bạn bè trong phòng chống dịch Covid-19. Những việc làm tưởng chừng như rất nhỏ như ủng hộ khẩu trang, trang thiết bị bảo hộ phòng dịch nhưng có ý nghĩa rất lớn. Đó là sự thủy chung với bạn bè, sẵn sàng chia sẻ, gánh vác những trách nhiệm chung. Từ những việc nhỏ đó cho tới việc Việt Nam cử cán bộ, chiến sĩ tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc ở những quốc gia xa xôi và còn nhiều gian khó.
Thứ ba, đó là sự đoàn kết, đồng lòng, phối hợp nhuần nhuyễn giữa các lực lượng làm công tác đối ngoại cũng như các cơ quan, ban, ngành trong toàn bộ hệ thống chính trị để nội lực Việt Nam thật mạnh, có tiếng nói chung, thống nhất, đoàn kết nhất trí trong việc xử lý các vấn đề về đối ngoại, có được sự đồng thuận trong nước. Khi nào chúng ta có được sự đồng thuận cả trong nước và quốc tế thì lúc đó chúng ta có được sức mạnh vô cùng to lớn.