Chủ động trên các mặt trận
Sách lược “vừa đánh - vừa đàm” là một trong những nội dung quan trọng trong đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng Lao động Việt Nam áp dụng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Hiệp định Paris áp dụng sách lược đó, thực hiện một cách sáng tạo, linh hoạt và kiên trì, được Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 13 xác định từ đầu năm 1967.
Ngày 13-5-1968, Hội nghị Paris về kết thúc chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức khai mạc đúng vào thời điểm trên chiến trường, quân và dân miền Nam bước vào đợt 2 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Kết quả của đòn tiến công quân sự trong đợt 2, đợt 3 của chiến dịch Mậu Thân được phản ánh khá rõ nét trên bàn đàm phán. Từ tháng 5 đến tháng 8, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dùng đàm phán để tranh thủ dư luận, tạo sức ép hỗ trợ chiến trường; Mỹ dùng đàm phán để ổn định nội bộ, thăm dò các giải pháp. Trải qua nhiều phiên họp kín căng thẳng, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ bước đầu đạt được thỏa thuận về 2 vấn đề lớn: Mỹ chấm dứt hoàn toàn việc ném bom miền Bắc mà không kèm theo điều kiện; mở hội nghị 4 bên để tìm giải pháp cho vấn đề miền Nam Việt Nam.
Ngày 25-1-1969, hội nghị 4 bên bắt đầu diễn ra. Tại diễn đàn này, lần đầu tiên, đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã đưa ra đề nghị hòa bình (còn gọi là giải pháp toàn bộ 10 điểm). Trong đó, đề nghị xoáy vào 2 vấn đề lớn là Mỹ rút hết quân và lập Chính phủ liên hiệp. Với đề nghị này, Việt Nam đã giành được lợi thế trong đàm phán, góp phần củng cố thêm cho cục diện “đánh - đàm”. Phối hợp với mũi tiến công quân sự, trên bàn đàm phán ở Paris lúc này, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên án mạnh mẽ chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, vạch rõ đó là chỉ là thủ đoạn để kéo dài chiến tranh của Mỹ. Những gì diễn ra trên bàn đàm phán cho thấy, Mỹ vẫn đang tràn trề hy vọng vào “Việt Nam hóa chiến tranh”, chưa muốn giải quyết nghiêm chỉnh thông qua thương lượng để đi đến một giải pháp chính trị hợp tình, hợp lý mà 2 bên có thể chấp nhận được.
Trên mặt trận đàm phán, tranh thủ phát huy những kết quả mà đòn tiến công quân sự mang lại trong 2 năm 1970-1971, thông qua các cuộc họp công khai hay các cuộc gặp riêng giữa lãnh đạo các đoàn, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã nắm thế chủ động tiến công. Sau thắng lợi vang dội của chiến dịch Đường 9 Nam Lào đầu năm 1971, đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã đưa ra đề xuất Sáng kiến hòa bình 7 điểm. Trong đó có việc đòi Mỹ rút hết quân trong năm 1971, thay chính quyền Nguyễn Văn Thiệu bằng một chính quyền mới để tiến tới thành lập Chính phủ hòa hợp gồm 3 thành phần... Tuy nhiên, đáp lại những sáng kiến thiện chí đó, phía Mỹ vẫn né tránh, cố tìm cách tách vấn đề quân sự và vấn đề chính trị.
Nắm bắt thời cơ quân đội Việt Nam Cộng hòa đang lúng túng và bộc lộ sự suy yếu sau thất bại ở Đường 9 Nam Lào, đế quốc Mỹ cũng đang bế tắc về chiến lược, làn sóng phản đối chiến tranh ở Mỹ dâng cao trong bối cảnh năm 1972 lại là năm bầu cử tổng thống Mỹ, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên toàn chiến trường miền Nam, trong đó mặt trận Trị - Thiên được xác định là hướng tiến công chủ yếu. Chủ trương của cuộc tiến công chiến lược này là kết hợp 3 mặt trận đấu tranh: quân sự, chính trị và ngoại giao. Giữa lúc cuộc tiến công chiến lược của quân và dân miền Nam trên hướng Trị - Thiên đang thắng lớn thì ngày 6-4-1972, đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 đánh phá miền Bắc. Cuộc chiến tranh phá hoại lần này có quy mô và cường độ đánh phá lớn hơn nhiều so với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất với mục tiêu tàn phá hậu phương chiến lược, cứu nguy cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, ngăn chặn đà thua ở miền Nam; gây sức ép với Việt Nam trên bàn đàm phán.
Tranh thủ tối đa những kết quả mà cục diện “đánh - đàm” đạt được trong 4 năm trước đó, cùng với những thắng lợi to lớn trên mặt trận đấu tranh quân sự mà cuộc tiến công chiến lược năm 1972 mang lại…, mùa hè năm 1972, Bộ Chính trị quyết định “đưa đàm phán đi vào thực chất để kết thúc chiến tranh trong năm 1972, năm bầu cử ở Mỹ”. Trong suốt 3 tháng (7, 8 và 9-1972), trong khi trên chiến trường, chiến sự bùng nổ hết sức khốc liệt, đặc biệt là ở mặt trận Quảng Trị với tâm điểm là cuộc chiến giằng co chiếm giữ thành cổ kéo dài tới 81 ngày đêm, thì cuộc đàm phán tại Paris vẫn rơi vào bế tắc. Cả 2 bên đều trông chờ và muốn tận dụng thắng lợi quân sự trên chiến trường để gây sức ép trong quá trình “ngả bài” trên bàn đàm phán. Để đạt được điều đó, cả 2 đều dốc sức chiếm giữ Thành cổ Quảng Trị nhằm gây sức ép trên bàn đàm, dù cả 2 bên đều biết mục tiêu này chỉ mang tính biểu tượng là chủ yếu…
Để thúc đẩy đàm phán, ngày 8-10-1972, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chủ động đưa ra đề nghị hòa bình dưới dạng dự thảo hiệp định. Với bản dự thảo này, lập trường 2 bên đã có sự xích lại gần nhau hơn và đã đạt được thỏa thuận ngày ký chính thức sẽ là 31-10-1972. Tuy nhiên, sau đó, một mặt vin vào lý do chính quyền Việt Nam Cộng hòa bác bỏ dự thảo, mặt khác qua cuộc thăm dò dư luận, Nixon nhận thấy chưa cần chấp nhận bản dự thảo hiệp định mà phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra mà vẫn có thể thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra nên ngày 31-10-1972 trôi qua nhưng hiệp định vẫn không được ký như đã thỏa thuận.
Đến thắng lợi cuối cùng
Trước sự lật lọng của phía Mỹ, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cho công bố rộng rãi nội dung dự thảo hiệp định. Cuộc đàm phán tiếp tục được nối lại từ ngày 8-11-1972 và kéo dài đến 13-12-1972 với 4 phiên họp chính, 2 phiên họp hẹp. Song, cuộc đàm phán vẫn bế tắc bởi còn một số điều khoản chưa thỏa thuận được, trong đó đáng chú ý là điều khoản về khu phi quân sự. 2 bên nhất trí tạm ngưng đàm phán để các trưởng đoàn về xin ý kiến chính phủ 2 nước. Thế nhưng, ngày 14-12, khi các trưởng đoàn còn chưa về tới nơi thì Tổng thống Nixon đã ra lệnh “Tiến công bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng”. Chiều ngày 18-12-1972, khi cố vấn Lê Đức Thọ vừa rời sân bay Gia Lâm về nội thành thì cũng là lúc máy bay B52 thi nhau dội bom xuống Hà Nội.
Cuộc tập kích chiến lược bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng và nhiều địa điểm khác một lần nữa phơi bày mưu đồ dùng sức mạnh quân sự nhằm gây sức ép với đối phương để có thể chấm dứt chiến tranh trên thế mạnh của Mỹ. Kế hoạch tập kích chiến lược bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu khác ở miền Bắc mang tên “Linebaker II” được bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ chuẩn bị từ rất sớm. Với chiến dịch này, Mỹ hy vọng có thể thêm một lần phô trương sức mạnh quân sự của mình, tạo sức ép đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước khi ký kết hiệp định. Trớ trêu là khi những tốp B52 đang ném bom rải thảm, quần nát Thủ đô Hà Nội thì Mỹ lại gửi công hàm đổ lỗi cho Việt Nam trì hoãn đàm phán; đồng thời đề nghị nối lại đàm phán vào ngày 26-12-1972, thời điểm mà Hoa Kỳ dự đoán Hà Nội sẽ bị “nghiền nát” bởi chiến dịch “Linebaker II” và sẽ có sự nhượng bộ. Trái ngược với những tính toán và hy vọng của Lầu Năm góc cũng như của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, đòn tập kích chiến lược bằng B52 đã vấp phải sự giáng trả mạnh mẽ và đích đáng của quân và dân miền Bắc Việt Nam. Nhờ có một sự chuẩn bị toàn diện từ rất sớm nên Hà Nội, Hải Phòng và cả hậu phương lớn miền Bắc không những không bị bất ngờ trước đòn tiến công mang tính hủy diệt được chuẩn bị bài bản của đế quốc Mỹ, mà còn chủ động xây dựng được một thế trận phòng không nhiều tầng, nhiều lớp vững chắc; tổ chức phòng tránh, đánh trả hiệu quả, làm nên một trận “Điện Biên Phủ trên không” gây chấn động cả thế giới.
Thất bại trong đòn phủ đầu của cuộc tập kích chiến lược, ngày 22-12-1972, Mỹ gửi công hàm đề nghị nối lại cuộc gặp giữa cố vấn Lê Đức Thọ với cố vấn Kissinger vào ngày 3-1-1973. Nhận định đây là “bước đường cùng trong thế yếu” của Mỹ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấp nhận đề nghị của phía Mỹ với yêu cầu, cuộc gặp chỉ có thể diễn ra sau khi tình hình trở lại như trước ngày 18-12-1972. Ngày 23-1-1973, cố vấn Lê Đức Thọ và cố vấn Kissinger ký tắt vào văn bản hiệp định và ngày 27-1-1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam đã chính thức được ký kết. Bên lề cuộc ký kết, cố vấn Kissinger đã phải thừa nhận với cố vấn Lê Đức Thọ rằng: “Nếu các ngài chỉ anh hùng không thôi thì đã bị chúng tôi nghiền nát, song các ngài còn biết đánh…”.
Hiệp định Paris là kết quả của cả một quá trình vượt qua muôn vàn thử thách, hy sinh gian khổ và anh dũng chiến đấu, tích cực tiến công địch của quân và dân Việt Nam trên cả 3 mặt trận: quân sự - chính trị - ngoại giao. Đó cũng là thành quả xứng đáng của quá trình thực hiện sách lược “vừa đánh, vừa đàm”. Trong đàm phán, ngoại giao Việt Nam đã biết khôn khéo tiến công địch, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả của cục diện “đánh - đàm”, làm thất bại mưu đồ đàm phán trên thế mạnh của đế quốc Mỹ; góp phần cùng mũi đấu tranh quân sự và chính trị giành thắng lợi từng bước, đánh đổ địch từng bộ phận, tiến tới đánh đổ hoàn toàn đạo quân xâm lược và tay sai.
Với việc Hiệp định Paris được ký kết, quân và dân Việt Nam trên cả 2 miền Nam - Bắc đã hoàn thành xuất sắc phương hướng chiến lược “Đánh cho Mỹ cút”, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân Việt Nam bước vào giai đoạn quyết định “Đánh cho ngụy nhào” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, thu giang sơn về một mối.