Ngày 19-11 tại hội trường xã Ngư Thủy Trung (Lệ Thủy, Quảng Bình) đã diễn ra lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy (20-11-1967-- 20-11-2017).
Đây là lần đầu tiên sau 50 năm Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy được UBND huyện Lệ Thủy tổ chức họp mặt ngay trên địa bàn hoạt động những năm tháng chiến tranh.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, ông Hoàng Đăng Quang đã tặng quà và gửi lẵng hoa chúc mừng; đại diện Quân khu IV, Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam tham dự sự kiện.
Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy thành lập vào năm 1967, giải thể năm 1977. Ban đầu đơn vị có 37 cán bộ, chiến sĩ được tuyển chọn từ những cô gái 18 đôi mươi trẻ trung, hồn nhiên mới rời ghế nhà trường và sản xuất ở địa phương; chân yếu tay mềm, chưa từng trải qua cuộc sống tập thể.
Từ quân số ban đầu 37 đồng chí, sau đó tăng lên 91 đồng chí, hiện nay còn lại 80 đồng chí. Trình độ văn hóa của các nữ pháo binh lúc ấy cao nhất lớp 7, thấp nhất lớp 4. Tuổi đời cao nhất 27 tuổi, thấp nhất 16 tuổi.
Tuy chân yếu, tay mền, trình độ văn hóa thấp nhưng phải đảm nhận 4 khẩu pháo 85 ly nòng dài. Năm 1968, đơn vị được Bác Hồ gửi thư khen ngợi với 8 lần bắn cháy tàu chiến Mỹ.
Trong 10 năm chiến đấu và xây dựng, đơn vị được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng Ba, 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất và nhiều bằng khen, giấy khen các loại.
Trung ương Hội Phụ nữ tặng Huy hiệu 3 đảm đang năm 1968; Trung ương Đoàn tặng Huy hiệu Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi.
Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy vinh dự được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 25-8-1970.
Năm 2000 được Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam tặng Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ.
Ngày 27-12-2001 "Trận địa pháo Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy" được Bộ Văn hóa công nhận bằng Quốc gia "Di tích Văn hóa lịch sử".
Tháng 3-2004 được Bộ Tư lệnh pháo binh tặng Kỷ niệm chương Binh chủng pháo binh Việt Nam Anh hùng.
Ngày 8-6-2014 được Ban liên lạc 3 chiến dịch lịch sử Việt Nam tặng Kỷ niệm chương Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy từng vinh dự được đón tiếp các đoàn nguyên thủ quốc gia nhiều nước đến thăm và động viên khen ngợi như Chủ tịch Fidel Castro (Cu Ba), đoàn Cộng hòa Dân chủ Đức và nhiều nước khác. Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng Bí thư Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng… đã về thăm hỏi động viên tinh thần, vật chất.
Hình ảnh những cô gái Đại đội pháo binh nữ đã trở nên nổi tiếng trong thơ ca, văn học, đặc biệt được cả nước và quốc tế biết đến với 2 bộ phim "Những cô gái Ngư Thủy" của cố đạo diễn Lò Minh (1968) và bộ phim "Trở lại Ngư Thủy" của cố đạo diễn NSND Lê Mạnh Thích (1998).
Nhân dịp này, Báo SGGP cũng trao 12,7 triệu đồng từ bạn đọc quyên góp giúp thêm những nữ pháo binh đau ốm không đến dự ngày kỷ niệm được.
Ngoài ra, thông qua PV Báo SGGP thường trú tại Quảng Bình, Doanh nghiệp Việt Phong đã tặng 1 suất học bổng 5 triệu đồng cho em Tôn Nữ Quỳnh Anh, là con gái của nữ pháo thủ Nguyễn Thị Phường (đã mất). Hiện Quỳnh Anh ở với cậu, đang học năm 4, khoa Triết, Đại học Khoa học Huế.