Nửa thế kỷ đã qua nhưng ký ức đau thương và hào hùng của những người từng trải qua trận chiến “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn vẹn nguyên. Giờ đây, các địa điểm từng phải hứng chịu các đợt bom rải thảm của quân đội Mỹ trút xuống như Ga Hà Nội, phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai, Đài phát thanh Mễ Trì, Giáp Bát… đã được xây dựng lại đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Ký ức không phai
Tại Bệnh viện Bạch Mai - cơ sở khám chữa bệnh hiện đại hàng đầu của cả nước, bên những dãy nhà cao tầng mới xây khang trang thì khu nhà 2 tầng cũ có từ thời Pháp vẫn được giữ lại. Ngay phía trước khu nhà 2 tầng cũ là vườn hoa với tượng đài người phụ nữ tay đỡ một người ngã xuống, tay kia nắm chặt, chỉ lên trời. Bên cạnh đó là bảng tên những người đã chết trong trận bom hủy diệt của quân đội Mỹ ném xuống bệnh viện vào đêm 21, rạng sáng 22-12-1972 như một chứng tích về tội ác chiến tranh.
Năm nay đã ngoài 95 tuổi, sức khỏe yếu hơn trước nhiều nhưng PGS Đỗ Doãn Đại (nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn năm 1969-1983) vẫn nhớ rõ những ngày bệnh viện bị tàn phá tan hoang bởi bom đạn. Nhiều đồng nghiệp và bệnh nhân của ông đã bị cướp đi sự sống.
Xúc động nhớ lại thời điểm đó, PGS Đỗ Doãn Đại cho biết, năm 1972, khi quân đội Mỹ bắt đầu ném bom đánh phá Hà Nội và miền Bắc, bệnh viện có khoảng 300 giường bệnh cùng nhiều y, bác sĩ có nhiệm vụ cấp cứu, điều trị thương bệnh binh phía Nam ra Bắc và một số tỉnh, thành xung quanh Hà Nội. Đêm 21, rạng sáng ngày 22-12-1972 trời lạnh “cắt da, cắt thịt”, sau những hồi còi báo động liên hồi, tất cả bệnh nhân và y, bác sĩ nhanh chóng xuống hầm trú ẩn ở khuôn viên bệnh viện. Còi báo động vừa dứt là tiếng gầm rú của pháo đài bay B52, rồi hàng loạt tiếng bom nổ rung chuyển mặt đất. Trong phút chốc, các khu nhà điều trị của bệnh viện thành đống đổ nát. Bom Mỹ đã đánh sập ngôi nhà 2 tầng, nơi có phòng thường trực của lãnh đạo bệnh viện và phòng mổ cấp cứu; tiếp đó là khu nhà B, tầng trên là Khoa Da liễu, tầng dưới là Viện Tai - Mũi - Họng. Thậm chí, bom còn khoan sâu làm sập tường và các tảng bê tông chặn cửa xuống tầng hầm - nơi nhiều người đang trú ẩn.
Sau trận bom, trời còn chưa sáng rõ, PGS Đỗ Doãn Đại đã có mặt tại bệnh viện. Hiện ra trước mắt ông là khung cảnh hoang tàn, đau thương, đâu đâu cũng nghe tiếng la hét, khóc lóc, kêu cứu của những người bị kẹt ở dưới hầm trú ẩn. Sau nỗ lực đào bới tầng hầm khu nhà B, ông và lực lượng cứu hộ tìm thấy đầu tiên là hộ lý Hoàng Thị Thoa (39 tuổi, mẹ của 4 con nhỏ) bị tấm bê tông đè chết nằm chắn ngang lối vào hầm, phía trong còn nhiều người kêu cứu. Nhiều người trong số này đã không qua khỏi.
Tại Khoa Nội, bom xuyên sâu xuống móng nhà, phá hủy lối vào hầm trú ẩn. Tại đây, cô sinh viên Y6 Đinh Thị Thúy được đưa ra đầu tiên. Khi được đưa ra, Thúy chỉ kịp nói: “Thầy Đại ơi” rồi hôn mê và sau 30 phút, Thúy trút hơi thở cuối cùng.
Trận bom kinh hoàng vào đêm mùa đông năm 1972 đó đã cướp đi sinh mạng 28 y, bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai (phần lớn còn rất trẻ) và một số bệnh nhân. Trong số y, bác sĩ của bệnh viện tử nạn do bom B52 ném xuống Hà Nội có bác sĩ Ngô Thị Ngọc Tường. Chị ra đi khi chỉ còn 2 ngày nữa là lên xe hoa về nhà chồng (chồng chị là em trai của PGS Đỗ Doãn Đại).
Những ngày sau trận bom hủy diệt đó, các đoàn cán bộ lãnh đạo đã đến thăm, động viên bệnh viện. Nhiều ý kiến cho rằng PGS Đỗ Doãn Đại nên để mọi người chuyển đi sớm vì Mỹ có thể sẽ tiếp tục bắn phá bệnh viện, nhưng ông cùng nhiều người vẫn quyết ở lại vì bệnh viện không thể ngừng hoạt động. Biểu dương tinh thần đó, Chủ tịch TP Hà Nội lúc đó đã tặng Bằng khen cho Bệnh viện Bạch Mai, trong đó có ghi dòng chữ “Kiên cường”, “Bám trụ”.
Người dân tới thắp nhang tại Đài tưởng niệm Khâm Thiên nhân dịp 50 năm Chiến thắng |
Nỗi đau không thể bù đắp
Hơn 10 năm nay, cứ mỗi sáng sớm, bà Nguyễn Thị Hữu, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Khâm Thiên, lại ra Đài tưởng niệm Khâm Thiên để dọn dẹp bàn thờ, thắp nhang tưởng nhớ những người đã khuất trong trận bom đêm 26-12-1972. Đối với bà Hữu và nhiều người dân phố Khâm Thiên, nỗi đau thương cách đây 50 năm tới giờ vẫn không gì bù đắp nổi khi rất nhiều người thân, bạn bè, bà con hàng xóm của họ đã mãi đi xa sau cái đêm mùa đông đỏ lửa đó.
Chia sẻ với phóng viên Báo SGGP, bà Hữu cho biết, nhà bà ở trong con ngõ nhỏ của xưởng may Chiến thắng, đối diện Đài Tưởng niệm Khâm Thiên hiện nay. Đêm 26-12-1972, thời điểm máy bay Mỹ rải bom phố Khâm Thiên, vợ chồng bà ở dưới khu Nam Đồng cách nhà khoảng 2 cây số nên may mắn thoát nạn.
“Sáng hôm sau, từ khu Nam Đồng trở lại nhà, chúng tôi phải mất mấy tiếng đồng hồ vì cả phố đâu đâu cũng chăng dây quanh những căn nhà đổ nát, xác người chết xếp đầy ngoài đường; tiếng than khóc, gọi tìm người thân của bà con khu phố rất ai oán”, bà Hữu nghẹn ngào.
Tròn nửa thế kỷ đã qua, ông Nguyễn Văn Hòa, nguyên Bí thư Đảng ủy phường Khâm Thiên, vẫn không thể quên những ngày tang thương của người dân Khâm Thiên.
“Sớm ngày 27-12, cả khu phố đông đúc bỗng chốc biến thành nơi chết chóc hoang tàn. Tôi và những người xung quanh cầm cuốc, xẻng hay bất cứ thứ gì nhanh chóng đi tìm những căn hầm nơi bà con trú ẩn bị sập để giải cứu họ. Có người còn sống, nhưng rất nhiều người đã không qua khỏi vì chết ngạt do sập hầm”, ông Hòa nhớ lại.
Trong khi đó, bà Chu Thị Kỳ, năm nay đã 82 tuổi, ở ngõ 73 phố Khâm Thiên, kể: “Sau trận bom, nhà tôi cũng bị sập mái. May mắn không ai bị sao nhưng ở khu phố thì người chết đầy đường, người nọ chồng lên người kia. Thậm chí có những gia đình cả tuần sau mới tìm được xác người thân trong đống đổ nát”.
Không chỉ có phố Khâm Thiên mà với bà Kỳ, nỗi ám ảnh bom đạn, chết chóc đến giờ vẫn không phai khi người thân của bà được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai những ngày đó. “Khi đó, mẹ chồng tôi bệnh nặng phải đi cấp cứu, vào đến bệnh viện thì mất. Khi đưa bà vào nhà xác bệnh viện, tôi thấy hàng loạt chiếc lồng bàn lớn đậy người chết vì bom xếp thành dãy dài, xung quanh máu chảy lênh láng”, bà Kỳ nhớ lại.
Theo lịch sử của Đảng bộ phường Khâm Thiên, khoảng 22 giờ ngày 26-12-1972, 30 máy bay B-52 đã ném bom xuống phố Khâm Thiên, san phẳng hầu hết công trình công cộng và nhà ở tại đây. Trận bom đã làm chết 278 người, trong đó có 91 phụ nữ, 40 cụ già, 55 trẻ em; làm cho 178 trẻ trở thành trẻ mồ côi và 290 người bị thương. Trong trận bom này, nhà số 51 phố Khâm Thiên chỉ còn là một hố bom sâu với 7 người trong gia đình không ai sống sót.
Sau trận bom hủy diệt trên, để tưởng nhớ những người đã mất, người dân phố Khâm Thiên đã chọn ngày 26-12 hàng năm là ngày giỗ chung của khu phố. Đầu năm 1973, ngay tại vị trí 3 ngôi nhà liền kề 47, 49, 51 bị bom san bằng, UBND TP Hà Nội đã cho dựng tấm bia “Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ” để ghi nhận chiến công của quân dân khu phố này, cũng như ghi dấu tội ác của giặc Mỹ. Một thời gian sau, ý tưởng xây dựng tượng đài để xứng đáng với tinh thần của nhân dân Khâm Thiên nói riêng và quân dân Hà Nội nói chung trong 12 ngày đêm của trận chiến “Điện Biên Phủ trên không” được phát động. Đến ngày 29-4-1979, Bộ Văn hóa đã công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia cho khu Đài tưởng niệm Khâm Thiên ở vị trí 3 số nhà nêu trên. Đến nay, Khâm Thiên vẫn được gọi là phố không có 3 số nhà 47, 49 và 51.
50 năm đã qua, bức tượng người phụ nữ hai tay ôm con đã chết, bước chân đạp lên quả bom ở Đài tưởng niệm Khâm Thiên vẫn là nơi để những người còn sống nhớ về nỗi đau không gì bù đắp được, nhưng qua đó cũng thể hiện tinh thần dân tộc luôn mạnh mẽ vươn lên, trên cả cái chết và bom đạn.
“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”
Trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ TP Hà Nội năm 1930-2000” nêu: Từ ngày 18 đến 30-12-1972, Không quân Mỹ đã ném khoảng 40.000 tấn bom, nhiều hơn số bom ném xuống miền Bắc từ năm 1969-1971. Bom Mỹ đã phá hủy nhiều khu phố, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà, gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga và giết hại 2.830 người, làm bị thương 1.355 người, trong đó có nhiều trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ.