Những bức thư tay
Cách đây 2 năm, một phóng viên trẻ Báo SGGP bất ngờ nhận được thư viết tay của một bạn đọc ở quận Bình Tân (TPHCM). Bức thư được viết trên giấy tập học trò, chữ viết nắn nót của một người lớn tuổi với dòng chữ đầu tiên: “Bác là một cán bộ hưu trí…”.
Các phóng viên Báo SGGP đoạt giải báo chí TPHCM năm 2022. Ảnh: PHƯƠNG NGHI |
Trong 4 trang giấy vở học trò, bác hưu trí (xin phép được gọi bác như vậy) diễn giải một bài viết của tác giả về một vấn đề bức xúc trong xã hội. Bác hưu trí đồng tình với cách viết, cách đặt vấn đề của phóng viên Báo SGGP và có một dòng viết cuối thiệt tình cảm: “Bác đọc bài này, viết về vấn đề người trẻ, chắc hẳn người viết cũng trẻ. Bác chỉ mong bạn hãy cố gắng giữ được chất trẻ, chất chiến đấu đó, để bạn đọc được đọc những bài báo ý nghĩa, có tính chiến đấu, phản biện của Báo SGGP”.
Có lẽ từ khi ra trường, bước vào nghề báo, đó là lần đầu tiên bạn phóng viên trẻ được nhận thư viết tay của một bạn đọc lớn tuổi nên niềm vui âm ỉ trong rất nhiều ngày sau đó. Phải nói rằng, với người làm báo, xúc động nhất là sau mỗi bài viết, nhận được sự phản hồi của bạn đọc. Có cả những lá thư cảm ơn được viết tay từ những bạn đọc thân thiết của báo gửi về, bày tỏ sự đồng thuận với tác giả và góp ý thêm những góc nhìn khác. Có cả những trách móc nhẹ nhàng, kiểu: “Sao viết còn nhẹ hều vậy”; “Đã tìm hiểu kỹ coi đúng hay sai chưa?”. Dù là động viên hay trách móc, đó là động lực để người viết tiếp tục nỗ lực và cũng là cách để cải thiện tư duy tiếp cận đề tài của người viết. Hơn tất cả, ý thức phụng sự bạn đọc phải luôn ở trong máu của người viết…
Phóng viên Báo SGGP tác nghiệp tại một bệnh viện điều trị Covid-19 trong những ngày bùng phát dịch bệnh. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
“Thời buổi công nghệ 4.0, ai còn thư tay, thư chân gì nữa?”. Không hẳn vậy. Cũng như báo chí hiện đại, bên cạnh chất báo giấy chuyên sâu, đã có thêm nhiều thể loại báo chí khác như báo nói, báo hình, hay báo điện tử đòi hỏi tính nhanh - chính xác - hấp dẫn. Dù vậy, nhiều người vẫn chọn tờ báo thơm mùi mực in. Mỗi sáng sớm tinh mơ, cầm trên tay tờ báo vừa ráo mực là cả một bầu trời ký ức với câu chuyện đằng sau đó về làm nghề, làm báo và phụng sự. Bởi vậy, những lời động viên hay thậm chí trách móc qua những bức thư tay, ở thời điểm nào cũng luôn cần thiết với người viết báo.
Mục tiêu và trách nhiệm
Trong những ngày dịch Covid-19 hoành hành, cũng như phóng viên báo đài khác, phóng viên Báo SGGP đã kịp thời có mặt ở những điểm nóng để phản ánh thông tin chân thực lên mặt báo. Từ lúc liên hệ, cho đến khi trực tiếp có mặt tại các cơ sở, bệnh viện điều trị Covid-19, các khu dân cư, khu thu dung, đến đâu phóng viên Báo SGGP cũng được hỗ trợ rất nhiệt tình, được “bảo vệ” nghiêm ngặt bởi chính những y, bác sĩ đang căng mình chống dịch.
Phóng viên Quốc Khánh trao đổi với các chiến sĩ biên phòng tỉnh Lạng Sơn tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại biên giới vào tháng 2-2020 |
Khi chúng tôi hỏi một bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến thu dung số 4 (khu tái định cư Vĩnh Lộc B, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) về sự hỗ trợ nhiệt tình này, anh bảo: “Mình là độc giả nhiệt tình của Báo SGGP nha…”. Nói xong, anh cười nhẹ nhõm: “Thực ra ba mẹ mình và mình đều chăm chỉ đọc Báo SGGP. Khi cần kiểm chứng sự đúng - sai của một thông tin nào đó, ba mình luôn nói - hãy tin Báo SGGP vì đó là báo Đảng con à!”.
Phóng viên Báo SGGP thâm nhập điều tra hiện trường vụ “xẻ thịt” cây cổ thụ trong rừng phòng hộ tại tỉnh Bình Định vào giữa tháng 3-2023 |
Lời nói của vị bác sĩ trẻ cũng là uy tín của tờ báo bước vào tuổi 48 bởi sự chính xác, là tấm “lá chắn” trước những thông tin tiêu cực đang rần rần trên mạng xã hội vốn khó được kiểm chứng. Tiêu chí phụng sự bạn đọc, phụng sự sự thật không chỉ là mục tiêu mà còn là trách nhiệm của người làm Báo SGGP. Có thể, đôi lúc bạn đọc chưa hài lòng với đâu đó những bài viết chưa thực sắc sảo, thông tin còn chậm, lối viết còn xơ cứng, hành chính, mang tính “chép sách”, “chép sử”… nhưng tựu trung lại, Báo SGGP vẫn đang làm tốt vai trò cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân, là diễn đàn của nhân dân và đấu tranh với cái xấu, cái độc hại trong đời sống xã hội.
Một phóng viên trẻ của Báo SGGP đã nói với chúng tôi rằng, câu chuyện, bài học của thế hệ làm báo đi trước, về cách làm nghề tử tế, trung thực, về sự dấn thân, tìm tòi, chịu khó với những đề tài gai góc, có giá trị xã hội, mang tính nhân văn… vẫn được kể lại và luôn là khuôn thước để người làm báo trẻ hôm nay soi rọi, tiếp bước…
Phóng viên Trần Lưu trao đổi với người dân tại bản A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên để thực bài việc về công tác xây dựng Đảng bảo vệ biên giới tại cực Tây Tổ quốc |
Với những người làm Báo SGGP trẻ tuổi, hãy coi phụng sự đầu tiên là cho bản thân người làm báo khi dấn thân làm nghề. Cao hơn nữa là phụng sự cho măng sét tờ báo 48 năm, với một thế hệ làm báo máu lửa và trách nhiệm. Sau cùng và tối thượng, chính là phụng sự bạn đọc.
Bạn đọc của Báo SGGP tuổi 48 có quyền kỳ vọng vào sự trao truyền và tiếp nối ấy…
|
Phóng viên Báo SGGP tác nghiệp tại Quần đảo Hoàng Sa - Việt Nam |