LTS: Cách đây 45 năm, quân và dân cả nước bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Vừa qua, phóng viên Báo SGGP trở lại những chiến trường ác liệt, vùng đất đau thương năm xưa để ghi nhận sự đổi thay, phát triển mạnh mẽ sau cuộc chiến đấu chính nghĩa của cả dân tộc.
“Bức điện mật” cuối cùng
Từ TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai), chúng tôi theo quốc lộ 4D lên huyện Mường Khương. Con đường nhựa phẳng phiu quanh co, uốn lượn qua những dãy núi cao. Ruộng nương, bản làng thấp thoáng sau lớp sương bảng lảng của đất trời biên cương. Từ thị trấn Mường Khương, đi thêm khoảng 20 phút, Pha Long hiện ra với chập chùng núi đá uy nghi, hùng vĩ, tạo thế vững chãi cho một vùng biên ải. Theo nhiều người cao tuổi nơi đây, vùng đất Pha Long còn được người xưa gọi là “Rồng Hoa”, bởi vùng núi đá nơi đây có hình thù như con rồng đang vươn lên trời. Cái tên đó cũng thể hiện khát vọng, mong ước về một cuộc sống hòa bình, phát triển của bà con các dân tộc nơi đây.
Lịch sử luôn thăng trầm với vùng đất “Rồng Hoa” này. Dù từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh, thiên tai, địch họa nhưng vùng đất vẫn kiên cường vươn lên thẳng tắp như cây sa mộc nơi vùng cao Tây Bắc. Trong khuôn viên Đồn Biên phòng Pha Long đang ngổn ngang công trình xây dựng nâng cấp cơ sở vật chất, những cây đào rừng rực rỡ, thắm đượm sắc xuân bên vườn rau xanh mướt nhờ sự chăm sóc của những người lính biên phòng.
Nhấp chén trà nóng, trong cái lạnh se sắt với mưa xuân vùng núi cao biên ải, Thượng tá Bùi Anh Tuấn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pha Long, trầm ngâm nhớ lại những ngày tháng chiến đấu vô cùng oanh liệt của cán bộ, chiến sĩ đồn 45 năm trước…
Lịch sử truyền thống của Đồn Biên phòng Pha Long ghi: Từ 5 giờ 30 phút ngày 17-2-1979, hai trung đoàn lính Trung Quốc bao vây Đồn Biên phòng Pha Long với ý định cắt rời đồn khỏi thế trận trên toàn biên giới của tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái). Suốt 4 ngày đêm bị bao vây với hỏa lực mạnh và quân số đông hơn rất nhiều lần, nhưng cán bộ, chiến sĩ Pha Long vẫn kiên cường bám đồn, bám chốt chiến đấu mưu trí, kiên cường bẻ gãy hàng loạt đợt tấn công, tiêu diệt nhiều tên địch, bảo vệ lãnh thổ, biên cương Tổ quốc tới viên đạn, hơi thở cuối cùng…
Phòng truyền thống của đồn hiện có nhiều hiện vật, tư liệu thể hiện quá trình chiến đấu anh dũng của đồn, trong đó “Bức điện mật” của Thượng úy Trần Xuân Ngọc (Chính trị viên, Bí thư Chi bộ Đồn Biên phòng Pha Long thời đó) được treo trang trọng. Bức điện được đánh về hậu phương vào lúc 11 giờ ngày 19-2-1979 với nội dung: “Một sư đoàn địch đang vây hãm đồn. Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn. Xin vĩnh biệt các đồng chí”.
Ngày nay, ngay phía trước cổng đồn, phía bên phải là tấm bia trấn ải bằng đá hoa cương trên đó có khắc 5 câu thơ như lời khẳng định đanh thép về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc: Nguyên Thần Bổn Mệnh giữ núi non. Nam Sơn bốn cõi tựa sách trời định. Thiên thiên nhật nguyệt linh linh ứng. Tuyệt tuyệt long phụng báo quốc an. Bình nhất hà Việt Nam Quốc thổ (tạm dịch nghĩa: Nguyên Thần được giao sứ mệnh giữ núi non. Núi Nam bốn cõi đã quy định trong sách trời. Ngàn ngàn mặt trời, mặt trăng linh thiêng và ứng nghiệm. Rồng phượng tuyệt vời bảo vệ an nguy Tổ quốc. Đất Việt Nam yên bình nhất là ở đây).
Phía bên trái là Nhà bia tưởng nhớ 41 cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pha Long đã anh dũng hy sinh trong các cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương (trong đó, cuộc chiến đấu năm 1979 có 26 đồng chí) như muốn nhắc nhở các thế hệ mai sau về trách nhiệm trong việc cùng đồng bào các dân tộc nơi đây chung tay gắng sức xây dựng mảnh đất thêm giàu đẹp, ổn định biên cương, xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của các thế hệ đi trước.
“Rồng Hoa” vươn mình
Vùng đất Pha Long hôm nay dù còn nhiều khó khăn nhưng đã có sự phát triển đáng kể. Cuộc sống của bà con nơi đây đã ổn định, ấm no hơn. Thượng tá Trần Văn Khoa, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pha Long, cho biết, đơn vị có nhiệm vụ quản lý 2 xã là Pha Long và Tả Ngải Chồ với 18 thôn bản, trên 1.330 hộ dân và khoảng 7.400 nhân khẩu; 12 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Mông chiếm trên 86%. Trong số 2 xã mà đồn quản lý, Pha Long đã đạt được tiêu chuẩn Xã nông thôn mới vào năm 2020. Tuy nhiên, xã vẫn còn thua xa các xã ở đồng bằng và Tả Ngải Chồ vẫn là 1 trong 5 xã rất nghèo của huyện Mường Khương.
Nếu muốn người dân ổn định cuộc sống, gắn bó với quê hương, phải giúp người dân phát triển kinh tế. Chính vì thế, nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pha Long đã tăng cường giúp đỡ, hỗ trợ bà con địa phương xóa đói, giảm nghèo bằng nhiều hình thức, như: hỗ trợ heo giống, bò giống, hỗ trợ trồng cây sa nhân (là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong đông y - PV); sửa chữa nhà cửa.
Để chuẩn bị Tết Giáp Thìn 2024, đồn đã vận động được một số đơn vị, cá nhân hỗ trợ xây dựng được ngôi nhà tình nghĩa cho gia đình bà Lù Trần Mín (ở thôn Ma Chóa Sủ, xã Tả Ngải Chồ). Đây cũng là gia đình có một liệt sĩ hy sinh vào năm 1979. Bên căn nhà mái bằng rộng chừng 50m2 đang hoàn thiện, vợ chồng anh chị Sùng Minh Hải, con bà Mín, bày tỏ vui mừng khi gia đình sắp có nhà mới.
“Nhà cũ bằng gỗ rất chật, lại bị mối mọt nên ở khổ lắm! Bây giờ sắp có nhà mới rồi, gia đình mình thấy vui lắm, sẽ cố gắng làm ruộng và trồng cây sa nhân nhiều hơn để có của ăn, của để”, chị Hải chia sẻ.
Cách nhà chị Hải khoảng 5-6 nóc nhà là gia đình ông Vàng Tèo Phỏng (70 tuổi). Trong căn nhà của con trai mới xây khang trang, ông Phỏng nhớ lại: Thời chiến tranh biên giới, cuộc sống người dân rất khó khăn, bữa ăn hàng ngày chủ yếu là mèn mén (bột bắp hấp - PV), nhà cửa bằng gỗ, hoặc đắp đất nên mỗi khi mưa bão, gió mùa chỉ sợ sập nhà. Đường sá đi lại cũng rất vất vả, từ xã lên trung tâm huyện Mường Khương chỉ có đi bộ băng rừng, vượt núi, mất nửa ngày đường. Nhiều năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương mà cuộc sống của bà con khá hơn.
Sự thay đổi đáng mừng nhất là đường sá đi lại rất dễ dàng, với đường nhựa, đường bê tông và người dân muốn ra chợ huyện chỉ mất 15-20 phút đi xe máy. Bà con cũng được chính quyền, bộ đội giúp cây giống, con giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nên nhiều gia đình có thêm thu nhập, không còn lo nhiều tới cái ăn, cái mặc.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Đức Hạnh, Bí thư Đảng ủy xã Pha Long, chia sẻ, thực tế Pha Long chỉ thay đổi, phát triển là từ năm 2005 tới nay khi hệ thống “điện, đường, trường, trạm” được hoàn thiện và sự nỗ lực, tích cực lao động, sản xuất của bà con để đẩy lùi đói nghèo. Từ năm 2010, Pha Long có những thay đổi lớn, phát triển hơn. Nếu như trước đây, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Pha Long tới 80% thì nay chỉ còn 7,5%.
Đến nay, 100% đường thôn, liên thôn được đổ bê tông và rải cấp phối; 80% đường ngõ xóm được cứng hóa, toàn bộ các hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia. Cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Pha Long đã giúp dân quy hoạch và khai hoang được 165ha ruộng nước; trồng hơn 700ha ngô, đậu tương bằng giống cao sản; trồng mới 30ha rừng phòng hộ đầu nguồn sông Chảy và vận động được 50 hộ dân lập trang trại sản xuất nông sản sạch, như: gạo Séng Cù, heo đen Mường Khương... đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho đồng bào.
Cùng với sự quan tâm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, Đảng ủy, chính quyền xã Pha Long còn tập trung nhiều giải pháp xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Với sự quan tâm của các cấp, sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm của đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, không lâu nữa, vùng đất Pha Long sẽ “hóa rồng” nơi biên ải.
Với những chiến công đặc biệt xuất sắc trong mọi nhiệm vụ, Đồn Biên phòng Pha Long được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân 2 lần: lần thứ nhất vào ngày 16-12-1979 và lần thứ hai vào ngày 23-11-2012.