Phát triển tương đối toàn diện
Từ năm 1992 đến nay, Bình Thuận luôn đạt tốc độ tăng trưởng khá, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) bình quân hàng năm tăng 9,07%. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn cao hơn so với mức bình quân của cả nước. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản. Các ngành kinh tế phát triển khá đồng đều, tiềm năng, lợi thế của tỉnh được khai thác ngày càng tốt hơn, nhất là về năng lượng, du lịch.
Ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá cao, với giá trị tăng thêm trong giai đoạn 1992-2022 bình quân 15,39%/năm; chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản được khuyến khích phát triển, theo đó, công tác chuẩn bị hình thành khu vực chế biến sâu quặng titan được chú ý.
Từng bước hình thành các khu, cụm công nghiệp theo hướng thu hút các ngành nghề gắn liền vùng nguyên liệu và lợi thế của từng địa phương. Đến nay, đã có 9 khu công nghiệp được phê duyệt đưa vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tại Việt Nam với tổng diện tích hơn 3.000ha.
Một trong những nét nổi bật trong nông nghiệp là hệ thống công trình thủy lợi được tập trung đầu tư xây dựng mới, mở rộng nâng cấp để khắc phục tình trạng khô hạn, thiếu nước, đã tác động thiết thực đến sản xuất, đưa năng lực tưới tăng gấp 3,5 - 4 lần.
Kinh tế thủy sản tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu; sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản năm 1992 đạt 77.133 tấn, đến năm 2022 ước đạt 246.300 tấn, gấp 3,2 lần; đặc biệt sản xuất tôm giống phát triển nhanh và giữ vững thương hiệu, sản lượng năm 1992 đạt dưới 200 triệu post, đến năm 2022 ước đạt 27 tỷ post, gấp 135 lần.
Tàu thuyền công suất lớn khai thác xa bờ gắn với các dịch vụ nghề cá tiếp tục tăng, đến năm 2022 toàn tỉnh có 6.600 chiếc với tổng công suất 1.092.100CV, bình quân 165,5CV/chiếc, bằng gấp 6,6 lần so với năm 1992, trong đó có 1.965 tàu cá chiều dài từ 15m trở lên. Công tác tổ chức sản xuất theo hình thức tổ đội được quan tâm, góp phần giúp ngư dân hỗ trợ nhau trong sản xuất và cứu hộ, cứu nạn trên biển. Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được tăng cường.
Điểm nhấn về du lịch và năng lượng tái tạo
Du lịch Bình Thuận phát triển nhanh, nhất là sau sự kiện nhật thực toàn phần vào ngày 24-10-1995 đã mở ra triển vọng phát triển mới. Du lịch Bình Thuận nói chung và Khu du lịch Quốc gia Mũi Né nâng cao chất lượng, giữ vững được thương hiệu và uy tín; từng bước trở thành địa bàn trọng điểm về du lịch của cả nước và là trung tâm du lịch thể thao biển mang tầm quốc gia, thu hút nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch khu vực ven biển, trong đó có một số dự án tổ hợp du lịch - dịch vụ quy mô đầu tư lớn. Đến nay, đã có 382 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 70.220 tỷ đồng, trong đó có 188 dự án đã đi vào hoạt động kinh doanh.
Các sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, hấp dẫn hơn với hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp đã được đầu tư hoàn thành và đã đi vào hoạt động, cùng với việc phát triển đa dạng các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, du lịch hội nghị, du lịch tín ngưỡng, tham quan các di tích lịch sử - văn hóa… Dịch vụ lữ hành, vận chuyển hành khách du lịch, nhà hàng ăn uống, cơ sở mua sắm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe,… phát triển khá nhanh, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của du khách.
Các hoạt động văn hóa, thể thao, các lễ hội truyền thống được tổ chức gắn với yêu cầu phát triển du lịch. Hình ảnh, thương hiệu Khu du lịch Mũi Né – Phan Thiết với nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đã được khẳng định với thị trường du lịch trong và ngoài nước. Tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch khá cao. Lượng khách đến tham quan nghỉ dưỡng năm 2019 đạt 6,404 triệu lượt khách, gấp 512,77 lần so với năm 1992, tăng bình quân 26%/năm, trong đó khách quốc tế 774 ngàn lượt khách, gấp 80,49 lần so với năm 1992, tăng bình quân 17,65%/năm. Doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2019 đạt 15.200 tỷ đồng, bằng gấp 2.515,89 lần so với năm 1992, tăng bình quân 33,64%/năm. Thời gian lưu trú của khách ngày càng dài hơn, tỷ lệ du khách quay trở lại cao hơn.
Tiềm năng về năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo được đầu tư, phát huy hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 48 nhà máy điện được đưa vào vận hành với tổng công suất 6.520MW, gồm: 4 nhà máy nhiệt điện than thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, tổng công suất 4.284MW; 7 nhà máy thuỷ điện, tổng công suất 819,5MW; 10 nhà máy điện gió, tổng công suất 335MW; 26 nhà máy điện mặt trời, tổng công suất 1.072MW, 1 nhà máy thuỷ điện diesel trên đảo Phú Quý, công suất 10MW. Sản lượng điện thiết kế của 48 nhà máy điện trên địa bàn tỉnh khoảng 31,6 tỷ kWh/năm. Ngoài ra, còn có nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (1.980MW) thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân đang chuẩn bị thi công; Trung tâm Điện lực (khí LNG) Sơn Mỹ với tổng công suất 2 nhà máy là 4.500MW đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, dự kiến khởi công sau năm 2022.
Giá trị sản xuất công nghiệp, nhất là sản xuất và phân phối điện tăng trưởng cao (tăng bình quân 42,23%/năm). Đây là lĩnh vực đóng góp chủ yếu vào tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp, là động lực chủ yếu tăng trưởng kinh tế của tỉnh, góp phần đưa Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp năng lượng, từng bước trở thành một trung tâm năng lượng lớn của cả nước.