Bước tiến quan trọng trong ngành cấp nước thành phố
PHÓNG VIÊN: Được tái khởi động lại từ nền tảng trang thiết bị, máy móc tồn kho hơn 5 năm, đây là việc làm rất khó vào thời điểm 20 năm trước. Đơn vị đã vượt qua như thế nào để có được sự phát triển như ngày nay?
Ông TRẦN DUY KHANG: Cuối năm 2001, tình trạng thiếu nước sạch trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu hộ dân tại TPHCM, tạo nên một nhu cầu bức thiết. Trước tình hình này, UBND TPHCM đã khẩn cấp xin phép Chính phủ tiếp tục thực hiện dự án cấp nước sông Sài Gòn. Chính phủ đồng ý và UBND TPHCM đã nhanh chóng khởi động lại dự án vào tháng 6-2002, với mục tiêu giải quyết vấn đề nước sạch cho người dân thành phố.
Vậy là dự án Nhà máy nước Tân Hiệp (thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn - SAWACO) được khởi động trên nền tảng trang thiết bị, máy móc tồn kho hơn 5 năm. Việc khởi đầu lại để xây dựng nhà máy vô cùng phức tạp, xây dựng tuyến ống cũng khó khăn không kém. Nhưng từ sự cố gắng của tập thể cán bộ, công nhân viên, và hàng trăm kỹ sư, công nhân tại công trường, Nhà máy nước Tân Hiệp chính thức vận hành đúng tiến độ yêu cầu của UBND TPHCM vào năm 2004.
Ông Trần Quang Minh, Tổng Giám đốc SAWACO nhấn mạnh: “Trong quá trình hình thành và phát triển, mặc dù gặp không ít khó khăn và thử thách, nhưng với sự nỗ lực, tình đoàn kết quyết tâm, làm việc với trái tim đầy nhiệt huyết, toàn thể CB-CNV Nhà máy Nước Tân Hiệp cũng như sự chỉ đạo, điều hành của Ban Giám đốc nhà máy nói chung và Tổng công ty nói riêng đã cùng vượt qua mọi thách thức, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ đề ra. Mục tiêu hướng đến xuyên suốt vẫn là cung cấp nguồn nước sạch đạt chất lượng an toàn, liên tục cho người dân phía Tây TPHCM. Từ kết quả đạt được của Nhà máy nước Tân Hiệp, điều trăn trở của Ban lãnh đạo ngành cấp nước là chiến lược an ninh nguồn nước phải luôn giữ vững để bảo đảm sự ổn định, lâu dài cho việc cung cấp nguồn nước chất lượng đến người dân”.
Sau hai năm nỗ lực xây dựng, ngày 10-4-2004, lãnh đạo TPHCM ra lệnh bơm nước thô từ trạm bơm Hòa Phú về Nhà máy xử lý nước Tân Hiệp. Sau hơn ba tháng vận hành thử, ngày 23-7-2004, dòng nước sạch đầu tiên chính thức hòa vào mạng lưới cấp nước của thành phố trong niềm vui vỡ òa của người dân vùng ven thành phố. Cũng từ đây, dòng nước mát sạch từ nhà máy đáp ứng nhu cầu về nước sạch cho các quận, huyện khu vực phía Tây và Tây Nam TPHCM. Nhà máy nước Tân Hiệp cũng được xem là nhà máy cấp nước lớn nhất nước do chính người Việt Nam xây dựng tại thời điểm đó.
Có thể nói, sự ra đời và phát triển của Nhà máy nước Tân Hiệp đã đóng góp to lớn vào việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ 10 và Nghị quyết HĐND thành phố. Phấn đấu thực hiện và đạt mục tiêu 100% hộ dân được cung cấp nước sạch, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân TPHCM.
Qua 20 năm hình thành và phát triển, đến nay Nhà máy nước Tân Hiệp đang phát nước với công suất bao nhiêu? Hiện nay nhà máy lấy nguồn nước từ đâu để xử lý và cung cấp đến người dân?
Khi đi vào hoạt động, ban đầu công suất nhà máy chỉ đạt 150.000m3/ngày đêm, nhưng nhờ đó người dân các huyện Hóc Môn, Bình Chánh và quận Tân Bình, Bình Tân, Tân Phú cùng một phần quận 8 và quận 12 có nước sạch ổn định. Sau 20 năm, đến nay công suất nhà máy đạt 300.000m3/ngày đêm. Từ đó góp phần vào thực hiện chỉ tiêu 100% hộ dân thành phố được sử dụng nước sạch và là trung tâm điều phối tiếp nhận nước từ các nhà máy để cung cấp đến người dân.
Từ khi đi vào hoạt động, Nhà máy nước Tân Hiệp sử dụng nước nguồn từ sông Sài Gòn để xử lý. Ngoài ra, nhà máy tiếp nhận nước từ Nhà máy nước Kênh Đông sử dụng nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng (nằm trên phần lớn địa phận tỉnh Tây Ninh). Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đang tiếp tục đầu tư, nâng công suất phát nước của nhà máy để phủ kín nước sạch cho khu vực huyện Hóc Môn và Củ Chi.
Theo đó, từ tháng 7-2013, nhà máy tiếp nhận thêm 150.000m3 nước/ngày từ Nhà máy nước Kênh Đông, nâng tổng công suất phát nước của Nhà máy nước Tân Hiệp lên 450.000m3/ngày. Từ năm 2015, nhà máy nâng công suất trạm bơm nước thô từ 315.000m3/ngày lên 630.000m3/ngày. Điều này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong năng lực cung cấp nước của nhà máy, góp phần đảm bảo cấp nước an toàn cho khu vực phía Tây và Tây Nam TPHCM.
Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nguồn nước tại nhà máy
Vấn đề ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng lớn đến an toàn an ninh cho nguồn nước sạch. Đơn vị đã và đang có những giải pháp nào để giám sát chất lượng nguồn nước thô, đảm bảo an ninh nguồn nước trước khi vào nhà máy?
Những năm gần đây, chất lượng nước đầu vào từ sông Sài Gòn diễn biến phức tạp, khó xử lý, mùa khô nước bị nhiễm mặn vượt quy chuẩn. Để đảm bảo chất lượng nước sạch cung cấp đến người dân, đội ngũ kỹ sư, công nhân tại Nhà máy nước Tân Hiệp đã có nhiều nghiên cứu, cải tiến công nghệ, ứng dụng các sáng kiến cải tiến. Nhờ đó, chất lượng nước luôn đạt chuẩn, đặc biệt các chỉ tiêu về sắt, mangan trong nước đo được từ đầu ra tại nhà máy luôn thấp hơn rất nhiều so với ngưỡng tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế.
Ông Trần Duy Khang cho biết, nhà máy đã nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hiện đại SCADA vào quy trình xử lý nước. Đồng thời, đang tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào thiết bị và máy móc hiện đại, nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà máy. Bên cạnh đó, nhà máy tăng cường giám sát nguồn nước, nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý tiên tiến, đảm bảo chất lượng nước tốt hơn, ứng dụng công nghệ lọc sinh học; công nghệ cát lọc mangan; công nghệ khử trùng bằng ozone/UV. Đồng thời, nghiên cứu các điểm khai thác nước thô mới, các nguồn nước mới từ hồ Phước Hòa, hồ Dầu Tiếng.
Nhà máy cũng đã cải tạo toàn bộ hệ thống điện trung thế, trang bị hệ thống SCADA tiên tiến, cùng với đó đã trang bị 3 bơm nước sạch và nước thô mới, nâng cấp tủ điều khiển rửa lọc. Phòng thí nghiệm cũng đã được cải tạo và cùng với đó là đầu tư xây dựng hệ thống châm hóa chất tự động, hệ thống biến tần cho các bơm nước thô tại trạm bơm Hòa Phú.
Tại nhà máy, nước từ sông Sài Gòn được nhân viên theo dõi hàng giờ tại họng thu bằng thiết bị online các giá trị độ đục, pH, độ mặn, Amonia, Mangan, TOC. Nước sông sau khi được châm hóa chất (Clo và vôi) trở thành nước thô được bơm từ trạm bơm Hòa Phú về đến Nhà máy nước Tân Hiệp. Trước khi vào các công đoạn xử lý, nước thô được kiểm tra bằng thiết bị online (đo pH, độ đục và Clo dư) và lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu theo quy định. Từ đó kịp thời phát hiện và phát cảnh báo đến trạm bơm Hòa Phú khi có biến động chất lượng nước nguồn. Đồng thời, kịp thời điều chỉnh việc xử lý nước cho phù hợp.
Hiện, chất lượng nước sau xử lý của nhà máy được áp dụng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống QCVN 01-1:2018/BYT của Bộ Y tế và Quyết định số 1219/ QĐ-TCT-KTCN ngày 11-8-2019 về việc Tiêu chuẩn chất lượng áp dụng đối với sản phẩm nước sạch của các nhà máy và trạm xử lý hòa vào mạng cung cấp của SAWACO.
Các phương án xử lý của đơn vị khi có sự cố về nguồn nước hiện nay ra sao để không ảnh hưởng đến chất lượng nước cung cấp đến người dân?
Chúng tôi đưa ra các phương án xử lý sự cố và liên tục thực hiện diễn tập các phương án chống sự cố, xâm nhập mặn, sự cố về điện… Theo đó, nhà máy phối hợp với cơ quan quản lý địa phương kịp thời phản ánh tình trạng ô nhiễm nguồn nước; phối hợp với các Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, TPHCM để chia sẻ dữ liệu quan trắc chất lượng nước; phối hợp đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng xả nước đẩy mặn, lập quy trình ứng phó khi độ mặn tăng cao, xây dựng quy chế chia sẻ độ mặn hàng ngày với đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng. Điều đó đảm bảo đến giờ phút này nhà máy không ngưng trạm bơm nước sạch bất kỳ lúc nào.
Tương lai, chúng tôi cũng đã nghiên cứu di dời điểm lấy nước lên thượng nguồn (hồ Dầu Tiếng), đồng thời phối hợp với Trung tâm chống ngập xây dựng hồ điều hòa nước tại Củ Chi, điều phối xả nước đẩy mặn và các ô nhiễm khác. Chúng tôi gia tăng các bể chứa. Sắp tới sẽ xây dựng 2 bể chứa khoảng 80.000m3/ngày đêm đảm bảo việc xả nước đẩy mặn.
Công ty cũng đã cải tạo tất cả hệ thống điện đảm bảo mức an toàn tối đa cho nhà máy. Để đảm bảo hạn chế việc ngưng nước do sự cố, chúng tôi phối hợp ngành điện có kế hoạch dự phòng nguồn điện cấp cho nhà máy. Tất cả đều nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nguồn nước.
Xin cảm ơn ông.