Hồi sinh nhà máy trong 24 tháng
Cuối năm 2001, tình trạng thiếu nước sạch trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu hộ dân tại TPHCM. Trước tình hình này, UBND TPHCM khẩn cấp xin phép Chính phủ tiếp tục dự án cấp nước sông Sài Gòn. Tháng 6-2002, dự án Nhà máy nước Tân Hiệp (thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn - SAWACO) được khởi động, dựa trên trang thiết bị, máy móc tồn kho hơn 5 năm. Các tuyến ống cũng được khôi phục để dẫn nước đến nơi tiêu thụ.
Việc khởi động lại để xây dựng nhà máy vô cùng phức tạp, công tác xây dựng tuyến ống cũng khó khăn không kém. Nhưng từ sự cố gắng của tập thể cán bộ, công nhân viên và hàng trăm kỹ sư, công nhân tại công trường, Nhà máy nước Tân Hiệp chính thức vận hành đúng tiến độ yêu cầu của UBND TPHCM vào năm 2004, với mục tiêu giải quyết vấn đề nước sạch cho người dân.
Nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án nước sông Sài Gòn giai đoạn 1, nguyên Phó tổng giám đốc Sawaco Lý Trung Dân, kể, lúc đó, đây là dự án nhà máy nước đầu tiên áp dụng hình thức xây dựng trong nước, vốn trong nước, tư vấn nước ngoài, nhà thầu của Bộ Xây dựng - Tổng Công ty Xây dựng số 1.
Theo chỉ thị của TPHCM, nhà máy phải hoàn thành trong 24 tháng. Khi đó, tại Việt Nam, chưa từng có nhà máy nước công suất lớn do người Việt xây dựng. Ban quản lý dự án được thành lập có hơn chục người, tình trạng thiết bị hư hỏng và “đắp chiếu” nhiều năm đã xuống cấp trầm trọng. Song, bằng nỗ lực vượt trội của cả tập thể, ngày 10-4-2004, lãnh đạo TPHCM ra lệnh phát nước thô từ trạm bơm Hòa Phú về Nhà máy xử lý nước Tân Hiệp. Và, sau hơn 3 tháng vận hành thử nghiệm, ngày 23-7-2004, dòng nước sạch đầu tiên chính thức hòa vào mạng lưới nước của thành phố.
Ban đầu, công suất nhà máy chỉ đạt 150.000m3/ngày, giúp người dân các huyện Hóc Môn, Bình Chánh và quận Tân Bình, Bình Tân, Tân Phú cùng một phần quận 8 và quận 12 có nước sạch ổn định. Sau 20 năm, đến nay, công suất nhà máy đạt 300.000m3/ngày. Từ đó, góp phần vào thực hiện chỉ tiêu 100% hộ dân thành phố được sử dụng nước sạch.
Các giai đoạn phát triển của Nhà máy nước Tân Hiệp:
Giai đoạn 2004-2010: Nhà máy đạt được sự ổn định và liên tục, nhờ mô hình quản lý hiệu quả và chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân sự. Cải tiến hệ thống và thiết bị mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Giai đoạn 2010-2015: Đầu tư mới một số trang thiết bị như: bơm nước thô, bơm nước sạch và các biến tần trung thế… giúp nâng cao hiệu quả cung cấp nước an toàn và tiết kiệm năng lượng.
Giai đoạn 2015-2024: Nhà máy nghiên cứu, áp dụng các công nghệ mới vào quy trình xử lý nước, đồng thời đầu tư thiết bị hiện đại, nhằm đảm bảo chất lượng nước sạch.
Nỗ lực để nguồn nước đạt chuẩn
Những năm gần đây, chất lượng nước đầu vào từ sông Sài Gòn diễn biến phức tạp, mùa khô, nước bị nhiễm mặn vượt quy chuẩn. Thực tế này đòi hỏi Nhà máy nước Tân Hiệp phải điều chỉnh quy trình công nghệ, thay đổi vị trí và nồng độ châm hóa chất, để đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng nước đạt tiêu chuẩn.
Đại diện SAWACO cho biết, đội ngũ kỹ sư, công nhân tại Nhà máy nước Tân Hiệp đã nghiên cứu, cải tiến công nghệ, ứng dụng các sáng kiến cải tiến. Nhờ ứng dụng khoa học - công nghệ mà chất lượng nước sản xuất luôn đạt chuẩn, đặc biệt các chỉ tiêu về sắt, mangan trong nước đo được từ đầu ra tại nhà máy luôn thấp hơn rất nhiều so với ngưỡng tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế.
Theo đó, việc thúc đẩy phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ được SAWACO và các đơn vị thành viên đặc biệt quan tâm. Riêng tại Nhà máy nước Tân Hiệp, công tác đầu tư đổi mới công nghệ và phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật luôn được đặt lên hàng đầu.
Đó là việc đáp ứng yêu cầu công việc và trang thiết bị có những bất cập, đòi hỏi người lao động không ngừng cải tiến để nâng cao chất lượng cũng như công tác vận hành nhà máy. Bên cạnh đó, sự động viên, khuyến khích, khen thưởng kịp thời của lãnh đạo nhà máy cũng là nguồn động viên phong trào sáng kiến tại đơn vị.
Hiện nay, SAWACO và Nhà máy nước Tân Hiệp tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp để đáp ứng nhu cầu cấp nước an toàn và liên tục. Đó là việc tăng cường giám sát nguồn nước; nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý tiên tiến, đảm bảo chất lượng nước tốt hơn như: công nghệ lọc sinh học, công nghệ cát lọc mangan; công nghệ lắng lamemla, công nghệ khử trùng bằng ozone/UV…
Cùng với đó là nghiên cứu các điểm khai thác nước thô mới, các nguồn nước mới từ hồ Phước Hòa, hồ Dầu Tiếng, nâng cấp hệ thống máy móc theo hướng tự động hóa và tiết kiệm năng lượng. Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý theo xu thế chuyển đổi số; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng với năng lực chuyên môn. Những nỗ lực này khẳng định cam kết của Nhà máy nước Tân Hiệp trong việc đảm bảo cung cấp nước sạch an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của cộng đồng.