Buổi lễ có sự tham dự của khoảng 1.000 đại biểu, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ban, ngành, đoàn thể của Trung ương và thành phố Hà Nội…
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, cụ Bùi Bằng Đoàn đã nêu cao tấm gương tiêu biểu của một nhân sĩ yêu nước chân chính, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Điểm lại cuộc đời hoạt động Cách mạng của cụ Bùi Bằng Đoàn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, với tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc, từ lúc còn là một vị quan của triều đình nhà Nguyễn cho đến khi trở thành nhà lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cụ Bùi Bằng Đoàn luôn nêu cao tinh thần vì nước, vì dân, xả thân vì nghĩa lớn. Cụ là một trong những tấm gương tiêu biểu của tầng lớp nhân sĩ, trí thức Việt Nam đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Đặc biệt, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, cụ Bùi Bằng Đoàn nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, chính trực. Ngay trên công đường, cụ cho treo Bảng thông báo công khai "không nhận quà biếu" và nghiêm cấm người nhà nhận quà biếu. Điều này thể hiện rõ phẩm chất đạo đức “liêm”, “chính” của một bậc danh Nho chân chính.
“Đối với nhân dân, cụ Bùi Bằng Đoàn có mối quan hệ tình sâu, nghĩa nặng, bất luận trong hoàn cảnh nào, cụ cũng đứng về phía nhân dân, hết lòng bảo vệ người dân. Khi làm Tri phủ Xuân Trường (Nam Định), cụ là người đã đề xuất và tổ chức đắp con đê Bạch Long để ngăn nước mặn, tạo ra một vùng đất đai rộng lớn, màu mỡ cho nhân dân trồng lúa, trồng dâu. Ghi nhận công đức to lớn của cụ, nhân dân địa phương đã tổ chức lễ tế sống vị “Phụ mẫu chi dân” ngay tại nơi cụ về nhậm chức và làm việc”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ.
Sau Cách mạng Tháng Tám, với tinh thần đoàn kết dân tộc và tư tưởng “tìm người tài đức” phục vụ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì nhiều lần viết thư tay, cử người về Hà Đông để mời cụ Bùi tham gia làm cố vấn cho Chính phủ.
Trong bức thư đề ngày 17-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tôi tài đức ít ỏi và trách nhiệm nặng nề, thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên tôi mời ngài làm cố vấn cho tôi để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ họa cho nước nhà, dân tộc”.
Nể phục và mến mộ tài đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, cụ Bùi Bằng Đoàn lại rời quê, dấn thân theo con đường cách mạng.
Tháng 11-1946, cụ Bùi Bằng Đoàn được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng Ban thường trực Quốc hội. Trong thời gian giữ cương vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội, người đứng đầu cơ quan lập pháp, với sự hiểu biết sâu rộng cả về lý luận và thực tiễn, cụ Bùi Bằng Đoàn đã luôn sát cánh bên cạnh Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh để thực thi những nhiệm vụ mà Quốc hội giao phó.
Theo Chủ tịch Quốc hội, kỷ niệm 130 năm ngày sinh Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn là dịp để chúng ta tri ân và tưởng nhớ công lao, sự cống hiến to lớn của cụ đối với nhân dân và cách mạng Việt Nam. Cụ Bùi Bằng Đoàn chính là một tấm gương tiêu biểu của một nhân sĩ yêu nước chân chính, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tinh thần làm việc tận tụy, hy sinh vì nước, vì dân; sống khiêm tốn, giản dị, không màng danh lợi, phú quý của cụ là tấm gương sáng để các ĐBQH, cùng cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân ta học tập.
- Trước đó, lễ dâng hương kỷ niệm 130 năm ngày sinh cụ Bùi Bằng Đoàn được tổ chức vào lúc 7 giờ ngày 15-9 tại Khu lưu niệm Nhà thờ Thiệu Đức Đường (thôn Bặt Chùa, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội).