Trong kháng chiến chống Mỹ, Liên khu V đã chọn miền núi Tây Quảng Nam làm căn cứ địa, làm chỗ dựa cho các cơ quan chỉ đạo, chỉ huy của Khu V. Năm 1955, từ miền núi Tây Thừa Thiên, cơ quan Khu ủy Khu V chuyển vào Trung Mang nằm phía Tây Đà Nẵng để thuận tiện cho việc chỉ đạo hai thành phố lớn là Huế và Đà Nẵng; năm 1958-1959, chuyển lên đóng ở huyện Hiên; cuối năm 1959 chuyển vào vùng Ták Pỏ - Nước Là - Ngok La, với mật danh là “Mật khu Đỗ Xá”, nay thuộc xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Những năm tháng đó, tại căn cứ Nước Là, Bí thư Khu ủy Khu V Võ Chí Công (Năm Công) cùng đồng đội đã tổ chức các cuộc họp và quyết định nhiều vấn đề quan trọng về phong trào cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc của địa bàn Liên khu V.
Nơi đây, người cán bộ cách mạng Năm Công đã sống, chiến đấu và gắn bó máu thịt cùng đồng bào các dân tộc anh em. Quý mến ông, cộng đồng các dân tộc Xê Đăng, Ca Dong gọi cánh rừng nơi ông từng làm việc là “Khu rừng bác Năm Công” và nhắn nhủ các thế hệ cùng nhau gìn giữ.
Sau ngày giải phóng đất nước, chính quyền và nhân dân huyện Nam Trà My đã đề xuất xây dựng di tích Khu ủy Khu V tại Nước Là. Đến năm 2008, Bộ VH-TT-DL đã ban hành quyết định xếp hạng Căn cứ Liên Khu ủy Khu V và Ban Quân sự Khu V (tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My) là Di tích quốc gia.
Từ đó, Căn cứ Nước Là được đầu tư, xây dựng trở thành một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân của Liên khu 5 nói chung và là điểm tham quan, du lịch của huyện Nam Trà My nói riêng.
Ông Hồ Văn Ny, nguyên Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My thông tin: Sau khi chia tách huyện năm 2003, chúng tôi là người trực tiếp chỉ đạo, bảo vệ và tuyên truyền cho bà con không được phá rừng, không được phát rẫy... Bà con truyền tai nhau về ý nghĩa của khu rừng nên bảo vệ rất nghiêm túc, có đối tượng lạ đến phá hoại liền báo chính quyền xử lý.
Đồng chí Nguyễn Văn Cẩn, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nam Trà My, cho biết: Việc giữ gìn, bảo vệ khu rừng bác Năm Công không chỉ là bảo vệ một di tích, một địa chỉ đỏ mà còn tạo sinh kế lâu dài cho người dân trong vùng. Hiện địa phương đang triển khai trồng cây dược liệu dưới tán cây rừng nhằm tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Để từ đó, đồng bào nơi đây tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, chung tay gìn giữ khu rừng ngày càng xanh tốt, trường tồn.