Sâu sát, lắng nghe và biết “thua” dân
Thường trực trong tư tưởng của ông là vấn đề dân, quan hệ giữa Đảng và Nhà nước với nhân dân. Ông hay nhắc lại câu nói “dân là vạn đời”, “lòng tin của dân chúng là thước đo sự bền vững của chính quyền”.
Đối với ông, đó là việc quan trọng nhất, hơn bất kỳ thứ gì. Được dân ủng hộ thì thành công, chiến thắng. Dân không ủng hộ thì thua và thất bại. Lúc nào cũng xuyên suốt như vậy. Ông nói, đó là việc không giây phút nào mà người cách mạng được lãng quên.
Đã không ít lần ông giải thích: “XHCN phải là dân thật sự làm chủ, điều này trước đây chưa hề có. Trong xã hội phong kiến quyền lực là của vua, xung quanh vua là tập đoàn phong kiến mà trong đó hoàng tộc giữ vai trò nòng cốt; còn trong xã hội tư bản ở thời kỳ còn hoang dã quyền lực là của giới tài phiệt”.
Có lần, đồng chí Năm Công đã nói đại ý là, qua thực tế lịch sử, những khi nhân dân không đồng tình với chủ trương nào đó của Nhà nước ta, cứ râm ran có ý kiến trái chiều, thì cuối cùng Đảng và Nhà nước cũng nghe ra, cũng phải nghe, cũng “chịu thua” dân, phải sửa đổi theo ý dân, thì phong trào lại tiến lên mạnh mẽ, cách mạng có những thành công đáng kể.
Lần cuối cùng về thăm quê hương Quảng Nam, lúc đó tuổi đã rất cao, sức khỏe đã yếu nhiều, sau khi nghe đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trình bày một bản báo cáo với nhiều nội dung khá toàn diện về kinh tế - xã hội, có thể tóm gọn là, mấy năm qua Quảng Nam đã làm được rất nhiều việc, nhiều thành tích, các năm tới sẽ phấn đấu làm nhiều hơn nữa, lớn hơn nữa. Hôm đó, các đồng chí ở tỉnh không nói nhiều về khuyết điểm, yếu kém, vì muốn đồng chí Võ Chí Công vui, không muốn để đồng chí buồn, suy nghĩ nhiều, sợ ảnh hưởng sức khỏe.
Nghe xong, đồng chí Võ Chí Công phát biểu rất ngắn, với đại ý: Nghe các đồng chí nói đạt nhiều thành tích, thấy cũng mừng, nhưng đó là các đồng chí nói, và tôi cũng tin các đồng chí nói đúng, là chúng ta nói với nhau, còn chưa nghe được nhân dân nói gì, hãy lắng nghe nhân dân nói thế nào, nhân dân đánh giá thế nào mới là quan trọng nhất. Đồng chí Năm Công cũng nói, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam dự định làm nhiều việc, đó là ý muốn của chúng ta, nhưng hãy xem xét thật kỹ, trong đó vấn đề lợi ích của nhân dân ra sao, có tốt cho dân thì mới làm.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Võ Chí Công là con người bản lĩnh, dám chịu trách nhiệm về các quyết định táo bạo, dũng cảm của mình. Để có những quyết định như vậy, ông dựa chủ yếu vào ý kiến và nguyện vọng của nhân dân, có lúc ông gọi đó là căn cứ thực tiễn, thực tế tình hình.
Nhà lãnh đạo tiên phong trong đổi mới
Khoán sản phẩm trong nông nghiệp đã bắt đầu cho công cuộc đổi mới mấy chục năm qua. Đặt trong bối cảnh lúc ấy, đang còn nhiều ý kiến khác nhau về khoán trong nông nghiệp. Nhiều người, có thể nói là số đông, trong hàng ngũ lãnh đạo và chuyên gia lý luận, chưa đồng ý khoán hộ, thậm chí có ý kiến quy chụp cho rằng cách đó là theo “con đường tư bản chủ nghĩa”. Những người ủng hộ thì đang hăng hái tìm cách để tranh luận lý lẽ thế này và thế kia.
Trong hoàn cảnh đó, ý kiến của đồng chí Võ Chí Công là, phải có phương pháp thuyết phục tốt thì mới thành công. Ông nói “phương pháp sẽ quyết định” và không nên “nghênh chiến về lý luận”, nói lý luận không dễ thắng được đâu, thậm chí tranh luận hoài cũng không kết thúc được, và “các anh đang yếu hơn mà chọn cách nghênh chiến là sai lầm”, mà hãy bắt tay làm, kết quả từ thực tiễn sẽ là câu trả lời.
Đồng chí Võ Chí Công cũng nói, chúng ta chỉ xin phép cho làm thử, cho thí điểm, rồi chính tình hình thực tế sẽ thuyết phục mọi người. Không cần phải đòi cho được cái từ “khoán hộ”, bởi vì nó đang nhạy cảm. Nói khoán đến nhóm và người lao động là được rồi, thực tế sẽ chỉnh dần. Văn bản thì nói nhóm, nhưng trên thực tế nó sẽ là hộ. Mà cũng không cần nói lấy “khoán sản phẩm” thay cho “khoán đội” hay “ba khoán”, hay “khoán theo kế hoạch” mà trước đây đã từng nói nhiều.
Có thể đề nghị cho sử dụng cả hình thức khoán kiểu này và khoán kiểu kia, thậm chí khoán sản phẩm cũng không cần phải nói nhiều hay nhấn mạnh hơn, chỉ cần “cho làm là được”. Quan trọng là để cho đại hội xã viên họ thảo luận và lựa chọn hình thức khoán này, hay hình thức khoán khác. Tin rằng, phần nhiều xã viên họ sẽ chọn hình thức khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động. Chính nhân dân và cuộc sống sẽ quyết định chọn hình thức nào cho phù hợp. Thực tế kết quả cho thấy, ý kiến của đồng chí Võ Chí Công đã đúng.
Đồng chí Võ Chí Công là người rất bản lĩnh, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân, đồng thời cũng là người hết sức năng động, sáng tạo trong tư duy và hành động. Bản lĩnh ấy, sự năng động sáng tạo ấy không phải ngẫu nhiên mà có. Đó là một quá trình rèn luyện thử thách, xuất phát từ quan điểm vì dân, vì nước mà làm, bám sát thực tiễn, lắng nghe nhân dân để suy nghĩ và hành động.
Đánh giá về đồng chí Võ Chí Công như thế nào là việc của mọi người và của thời gian. Với cá nhân tôi, nếu được nói một câu ngắn gọn và súc tích nhất về bác Năm Công thì: Đó là một người lãnh đạo “chí công và suốt đời nghe dân”!