Trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đại tướng Chu Huy Mân luôn trực tiếp xông pha ngoài chiến trường. Cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Chu Huy Mân là một tấm gương đạo đức cao đẹp của người cán bộ cách mạng hết lòng vì nước, vì dân, luôn đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng và nhân dân lên trên lợi ích cá nhân, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc.
Tấm gương sáng về lòng quả cảm
Ông tham gia hoạt động cách mạng năm 1929, vào Đảng năm 1930 khi mới 17 tuổi. Trong lễ kết nạp Đảng, ông tuyên thệ: “Tôi, Chu Văn Điều xin thề trước cờ Đảng nguyện chiến đấu trọn đời cho Đảng, cho cách mạng, nếu bị bắt bớ, cực hình tra tấn quyết không cung khai, dù phải chịu tù đày quyết không nản chí, vào sống ra chết quyết không sờn lòng”. Lời thề đó, ông đã thực hiện trọn vẹn suốt cuộc đời cách mạng. Từ năm 1937, ông nhiều lần bị địch bắt giam ở nhà lao Vinh, đến năm 1940 chúng đưa ông đi giam ở Kon Tum. Đầu năm 1943, ông vượt ngục, tham gia trong ban Việt Minh tỉnh và Tỉnh ủy, sau đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Sau khi tham gia giành chính quyền năm 1945, ông được phân công sang làm Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Nam, rồi từ đó cuộc đời ông gắn bó với binh nghiệp, thể hiện được tài năng xuất chúng của mình.
Bằng hành động thực tiễn, Đại tướng Chu Huy Mân đã nêu một tấm gương sáng về lòng quả cảm, đức hy sinh, tinh thần sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Cho dù ở cương vị công tác nào, ở đâu, trong nước hay làm nhiệm vụ quốc tế, ông luôn thể hiện sự trung thành với Đảng, sáng tạo trong hoạt động thực tiễn, dám nghĩ, dám làm và kiên quyết tổ chức thực hiện. Con người cộng sản Chu Huy Mân luôn bằng hành động cụ thể làm gương cho cấp dưới, cho quần chúng nhân dân. Ông là người được Đảng, Bác Hồ rất tin cậy. Chính Bác Hồ đã đặt cho ông biệt danh Hai Mạnh, tức là mạnh cả về chính trị lẫn quân sự và động viên chịu khó gánh vác hai vai cho khỏe.
Ông là người được cấp trên tin cậy, cấp dưới nể phục, nhân dân trọng thị, tín nhiệm. Kể cả nhân dân Lào - nơi ông nhiều lần trực tiếp làm Trưởng đoàn 100 chuyên gia quân sự, cũng nể phục, thân mật gọi “Tướng Thao Chăn”. Nguyên Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào nhấn mạnh: “Chúng tôi mãi mãi biết ơn Đảng, nhân dân và quân đội Việt Nam, biết ơn Đoàn cố vấn quân sự 100 đã hết lòng hết sức giúp đỡ cách mạng và quân đội Pathét Lào trưởng thành như hôm nay”.
Tấm lòng kiên trung với Đảng, tinh thần quả cảm của Đại tướng Chu Huy Mân không những đã giúp ông vượt qua gian lao, thử thách trong nhà tù đế quốc, thực dân, mà sau này khi đối mặt với những khó khăn thách thức trong lãnh đạo, chỉ huy chiến đấu, ông đã đưa ra những quyết định đúng đắn, kịp thời, góp phần vào thắng lợi của dân tộc trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước.
Vị tướng văn - võ song toàn
Đồng chí Chu Huy Mân là một vị tướng thể hiện xuất sắc bản lĩnh, tài năng trong lãnh đạo, chỉ huy bộ đội, là một trường hợp hiếm có, nhiều lần được giao trọng trách làm cả chính ủy và chỉ huy đơn vị. Trên cả hai cương vị ấy, ông luôn lãnh đạo, chỉ huy bộ đội nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, dũng cảm sáng tạo đoàn kết, thống nhất. Lấy hiệu quả đánh địch giành thắng lợi trên chiến trường làm mục tiêu phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ và coi đó là phẩm chất chính trị của người chỉ huy trận mạc. Ông luôn có sự dự đoán và phát hiện những vấn đề phát sinh trên chiến trường để tìm ra cách đánh phù hợp, kịp thời rút kinh nghiệm sau mỗi thắng lợi và nghiêm túc nhìn nhận hạn chế, khuyết điểm.
Khi được giao nhiệm vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, với kinh nghiệm phong phú của mình, ông đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng quân đội về chính trị, xây dựng cơ quan Tổng cục Chính trị vững mạnh. Ngay cả khi đã nghỉ công tác, ông vẫn dành tâm huyết cho lĩnh vực xây dựng quân đội về chính trị. Trong thư gửi lãnh đạo Đảng, ông viết: “Trước đây, hiện nay, tôi chỉ có một ham muốn, một khát vọng là Đảng ta mãi mãi trong sạch, vững mạnh, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng nắm chắc quân đội, quan tâm xây dựng sức mạnh chính trị và tổ chức cán bộ cho quân đội, được thế thì dù sóng gió bão bùng đến đâu, Đảng cũng vững vàng dẫn dắt dân tộc, nhân dân ta và quân đội ta vững chắc đến đỉnh cao hạnh phúc, văn minh của thời đại mới”.
Đại tướng Chu Huy Mân không chỉ để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau những bài học về sự gắn kết tài năng chính trị và quân sự, ông còn là một tấm gương về sự kiên trung, lòng dũng cảm, đức tính cầu thị, giản dị, chân thành, cần, kiệm, liêm, chính. Xin mượn lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để thay cho lời kết: “Đại tướng Chu Huy Mân là một cán bộ lãnh đạo cấp cao tiêu biểu của Đảng và Nhà nước, một tướng lĩnh xuất sắc, chính trị, quân sự song toàn của quân đội ta, là một tấm gương sáng cho toàn quân, toàn dân ta học tập. Đối với tôi, Đại tướng Chu Huy Mân là người đồng chí, người bạn chiến đấu thân thiết, người cán bộ mà tôi đặt nhiều niềm tin khi đồng chí được giao những nhiệm vụ quan trọng. Suốt cuộc đời, Đại tướng Chu Huy Mân đã đem hết ý chí, sức lực và trí tuệ góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; cho đến những ngày cuối đời, đồng chí vẫn suy nghĩ, lo lắng nhiều đến nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng… Chúng tôi mãi mãi nhớ anh”.
Đại tướng Chu Huy Mân đã để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử quân sự qua từng vai trò lãnh đạo, chỉ huy của mình như Chỉ huy Trung đoàn 174 trong chiến dịch “Thập vạn đại sơn” giúp Trung Quốc; lãnh đạo Sư đoàn 316 lập nhiều thành tích trong tác chiến, nhất là trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ; lãnh đạo và chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên (B3) đánh bại chiến thuật “thiết xa vận” của địch, mở chiến dịch Plâyme Ia Đrăng và giành thắng lợi giòn giã; lãnh đạo quân và dân Khu 5 giành thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975, đặc biệt là góp phần quan trọng vào chiến dịch giải phóng Đà Nẵng.